Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Thông tư 49/2018/TT-BYT, hướng dẫn hoạt động xét nghiệm trong khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, trưởng khoa xét nghiệm sẽ trực tiếp ký hoặc phân công bác sĩ chuyên khoa xét nghiệm, kỹ thuật viên xét nghiệm có trình độ đại học trở lên ký kết quả xét nghiệm theo quy định.
Các loại xét nghiệm bao gồm xét nghiệm huyết học, truyền máu, hóa sinh, vi sinh, ký sinh trùng, giải phẫu bệnh, miễn dịch di truyền y học, sinh học phân tử, nội tiết, dị ứng, ung thư, tế bào học và xét nghiệm khác.
Ảnh minh họa
Đối với trưởng khoa xét nghiệm có thực hiện xét nghiệm giải phẫu bệnh, ngoài những nhiệm vụ theo quy định nêu từ Khoản 1 đến Khoản 12, Điều 11 Thông tư này thì còn phải thực hiện thêm các nhiệm vụ sau đây:
- Tổ chức và thực hiện các xét nghiệm giải phẫu bệnh và tế bào học;
- Thực hiện công tác khám nghiệm tử thi và xét nghiệm vi thể theo đúng quy định pháp luật về giải quyết người bệnh tử vong;
- Bảo quản các tiêu bản giải phẩu bệnh theo đúng quy định; cung cấp tài liệu giải phẫu bệnh khi có ý kiến của thủ trưởng đơn vị;
- Chỉ định, phân công người phẫu thuật tử thi và đọc kết quả.
Ngoài ra trong nội dung Thông tư còn yêu cầu các khoa, phòng, trung tâm hoạt động xét nghiệm cần đảm bảo an toàn xét nghiệm và vệ sinh lao động, cụ thể:
- Có sổ tay an toàn phòng xét nghiệm, nội quy bảo hộ lao động;
- Có quy định về quản lý và sử dụng các hoá chất, các chủng vi sinh, trang thiết bị điện và các bình khí nén tại cơ sở;
- Nhân viên làm công việc xét nghiệm phải được hướng dẫn về an toàn phòng xét nghiệm và sử dụng thành thạo các trang thiết bị y tế được giao; tuân thủ đầy đủ, nghiêm chỉnh các quy định về phòng, chống lây nhiễm cho nhân viên, môi trường và cộng đồng….
- Đặc biệt các khoa, phòng, trung tâm xét nghiệm cần phối hợp với các khoa lâm sàng và khoa khám bệnh tổ chức công tác lấy và tiếp nhận mẫu bệnh phẩm, công tác thường trực xét nghiệm và phòng chống dịch liên tục 24 giờ/ngày.
Thông tư 49/2018/TT-BYT được ban hành ngày 28/12/2018 và có hiệu lực từ ngày 15/03/2019.