Tại Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2014 (VIF) diễn ra ngày 19/06, TS. Marc Faber nhấn mạnh để kinh tế Việt Nam phát triển vượt bật và thu hút dòng vốn ngoại thì Nhà nước nên “rút bàn tay”, giảm sự can thiệp vào lĩnh vực tư nhân và đẩy mạnh cổ phần hóa.
TS. Marc Faber |
Với chủ đề: “Sự trỗi dậy của thị trường mới nổi và cơ hội nào cho Việt Nam”, nhà đầu tư huyền thoại Marc Faber cho rằng một nền kinh tế thịnh vượng là nhờ chi tiêu đầu tư chứ không phải chi tiêu cho tiêu dùng. Khi tiêu dùng càng lớn thì đầu tư sẽ càng ít, nghĩa là bong bóng từ đó cũng đang hình thành.
Khi tạo ra bong bóng chứng khoán, bất động sản có nghĩa là có sự ảo tưởng về của cải, người ta nghĩ mình có tài sản nhiều nên họ bắt đầu cho vay nhiều hơn. Nó phản ảnh qua việc thâm hụt tài khoản vãng lai và thương mại, Marc nói thêm.
Minh chứng cho việc này là sự giảm sút cho chi tiêu đầu tư trong 40 năm qua tại Mỹ, trừ lĩnh vực dầu khí. Do đó, Marc khẳng định “của cải tạo ra từ chi tiêu đầu tư chứ không phải tiêu dùng”.
Việc sử dụng nguồn tín dụng vào việc gì cũng ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng của một quốc gia, Marc cho biết. Vào những năm 70, Nhật và Đài Loan có tín dụng chiếm tỷ cao trong tăng trưởng (GDP) nhưng họ sử dụng nguồn vốn này trong đầu tư công cụ, máy móc, cơ sở hạ tầng… Việc đầu tư này đã tạo ra ngân lưu và trả nợ. Nó khác với việc vay tiều để tiêu dùng, trái ngược với phương Tây, chủ yếu là mua để tiêu dùng (mua xe, mua nhà bằng vay…).
Theo Marc Faber, hiện nay tổng nợ của các nước phát triển là 30% GDP, cao hơn năm 2007. Như vậy, việc tăng tín dụng cao sẽ dễ dẫn đến một cuộc khủng hoảng trong tương lai (vấn đề là khi nào?).
Một thông điệp nữa mà nhà đầu tư huyền thoại này muốn gửi đến chính là kinh tế thế giới sẽ có sự luân chuyển khi mà các nước phát triển đã đạt tới đỉnh của chu kỳ phát triển và đang bão hòa. Kinh tế của Mỹ đã đạt được đỉnh và trở thành siêu cường kinh tế. Còn tại Hong Kong, năm 1973, chỉ số Hang Seng đạt mức khá tốt, tuy nhiên sau đó thị trường rớt mạnh. Cũng trong thời điểm 1970-1980, chứng khoán Nhật tăng hơn 20 lần. Lúc đó, giá trị vốn hóa tại thị trường này chiếm 20% toàn thế giới. Đến năm 1989, mức tăng này không còn nữa mà dần chuyển dịch sang Hàn Quốc, Trung Quốc rồi đến Việt Nam.
Ông cũng nói thêm: “Sự dịch chuyển đồng USD khỏi châu Á đang diễn ra. Hoạt động thương mại ngày một nhiều và sẽ không chỉ còn sử dụng đồng USD”.
Trở lại với thị trường Việt Nam, ông Marc Faber cho rằng đây là nơi lý tưởng để đầu tư, đặc biệt là trong dài hạn. Ông chia sẻ “Viêt Nam là nền kinh tế mới nổi triển vọng nhất trong 10 năm tới với điều kiện Chính phủ phải giảm bớt sự can thiệp vào lĩnh vực tư nhân, thực hiện các chính sách cổ phần hóa và cho phép các doanh nghiệp tư nhân phát triển”.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng Việt Nam đang có rất nhiều lợi thế về xuất khẩu, tiềm năng du lịch. Nếu biết cách khai khác và quản lý tốt, Việt Nam sẽ vẫn là điểm đến vô cùng hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
Khi được hỏi là có nên tiếp tục đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6, 7 năm tới không khi mà năm 2013, thị trường đã tăng hơn 20% và năm 2014 kỳ vọng tăng 10%, Marc Faber cho biết, trong 6, 7 tháng tới thì không biết như thế nào nhưng về dài hạn sẽ có những giá trị tương đối tốt. “Nếu đi xuống thì thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đi xuống thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực”, ông nhận định.
Về vấn đề các doanh nghiệp trong nước bị giới hạn room nước ngoài, Marc cho rằng không nên hạn chế nhà đầu tư nước ngoài quyền mua cổ phiếu hay bất động sản… vì điều này sẽ làm giảm sự quan tâm nhà đầu tư nước ngoài, qua đó khiến thanh khoản thị trường không phát triển được.
Phương Châu