TS-LS Nguyễn Đình Lục: “Thơ như một sự giải tỏa”

Nguyễn Ý Thơ| 16/09/2014 16:41
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong lời tựa tập Thơ - Ảnh “Khoảnh khắc thời gian” của tác giả Nguyễn Đình Lục, nhà thơ Đặng Vương Hưng đã gọi ông là “một luật sư mang tâm hồn nghệ sĩ”…

Tác giả Nguyễn Đình Lục (tức Nguyễn Đình Đặng Lục) là một người đất Hà Tĩnh, quê hương đại thi hào Nguyễn Du. Là Tiến sĩ Luật học, ông từng đảm nhiệm nhiều trọng trách: Vụ trưởng Vụ Pháp luật Ban Nội chính Trung ương, Vụ trưởng Vụ Pháp luật và Cải cách Tư pháp Văn phòng Trung ương Đảng, hiện nay là Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Tư pháp cho người nghèo Việt Nam; Viện trưởng Viện Đào tạo Công nghệ và Quản lý Quốc tế Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam…

Ông là tác giả của hàng chục cuốn sách đứng tên riêng và viết chung khá nổi tiếng: Giáo dục Pháp luật trong nhà trường, Những yếu tố động lực trong Hệ thống Chính trị Việt Nam, Một số vấn đề cơ bản Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; Sổ tay công tác Chính quyền cơ sở; Giáo trình tâm lý hoạt động quản lý giáo dục phạm nhân, trại viên và học sinh trường giáo dưỡng…

Là người có tâm hồn nghệ sĩ, có nhiều thú vui: làm thơ, đi du lịch, chụp ảnh … nhưng với luật sư Nguyễn Đình Lục, “làm thơ chỉ là một cách để giải tỏa cảm xúc bản thân”. Đầu năm 2012, tập Thơ - Ảnh “Khoảnh khắc thời gian” của do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành đã được đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành đón nhận.

Nhân dịp kỷ niệm 69 năm ngày truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945 - 13/9/2014), phóng viên Báo Công lý Điện tử đã có cuộc trò chuyện với ông về một khía cạnh có vẻ trái ngược hoàn toàn với nghề nghiệp của ông: làm thơ.

PV: Chào ông, được biết ông nguyên là Vụ trưởng Vụ Pháp luật và Cải cách Tư pháp, vậy lý do gì thúc đẩy ông trở thành một luật sư?

TS-LS Nguyễn Đình Lục: Thực ra mãi đến năm 2010, sau khi không làm Vụ trưởng Vụ Pháp luật và Cải cách Tư pháp nữa, tôi mới chuyển sang làm luật sư. Hơn 40 năm làm việc tại các cơ quan nhà nước, tôi nghĩ sau khi nghỉ hưu sẽ đi du lịch chứ không muốn làm việc gì khác. Thế nhưng, tôi nhận thấy rất nhiều người dân cần có sự bênh vực của luật sư, của những người hiểu biết luật pháp. Và từ đó tôi nhận ra chỉ có làm luật sư thì tôi mới danh chính ngôn thuận giúp họ được nhiều người.

PV: Được biết ông là một luật sư thường nhận bảo vệ miễn phí cho nhiều người trong nhiều vụ án kéo dài trong rất nhiều năm và tư vấn miễn phí cho nhiều người, động cơ nào đã thúc đẩy luật sư làm điều đó?

TS-LS Nguyễn Đình Lục: Đúng vậy. Khi tiếp xúc với những người dân có nỗi oan, mà điều kiện họ không cho phép thuê luật sư để biện hộ, tôi muốn bảo vệ họ. Do đó công việc chính của tôi là tư vấn miễn phí. Bởi thực tế hiện nay, nhiều người nghèo luôn cảm thấy khó khăn khi tìm đến luật sư. Hiểu điều đó nên tôi thường giúp họ một cách vô tư, chỉ mong tìm lại sự công bằng cho họ. Và tôi cũng  được biết rằng, nhiều LS khác cũng đã, đang và sẽ làm như vậy.

PV: Là một luật sư, một nghề nghe có vẻ cứng nhắc. Vậy điều gì khiến ông lại trở thành một thi sĩ như hiện nay?

TS-LS Nguyễn Đình Lục: Chưa bao giờ tôi tự coi mình là biết làm thơ chứ nói gì nhận mình là nhà thơ. Tập sách gọi là thơ vừa rồi ra đời là do bạn thúc giục nên tôi mạnh dạn cho xuất bản, chứ tôi biết loại thơ như tôi làm thì khối người làm được và làm hay hơn. Trở lại câu hỏi của bạn, Trong công việc của tôi, nhiều khi thơ như một sự giải tỏa. Một anh luật sư trong con mắt người đời luôn cau có, đạo mạo, luôn cáu gắt, chỉ nhìn thấy luật lệ, nhưng thực ra ở sau đó chứa đựng cả nỗi niềm. Có những lúc bức xúc vì không thể giúp được thân chủ, tôi viết thơ, bởi khi đó tôi cảm thấy mình trở nên nhỏ bé, và bất lực. “Ngồi trong cửa sổ nhìn ra, một mình với cả bao la đất trời”. Nhiều khi tôi ước, giá như cho mình một phép màu nào đó để tất cả những vụ oan ức, những bất công của  mọi người được giải tỏa để họ có được sự bình. 

TS-LS Nguyễn Đình Lục: “Thơ như một sự giải tỏa”

PV: Vậy ông bắt đầu sáng tác thơ từ khi nào?

TS-LS Nguyễn Đình Lục: Có lẽ là từ hồi cấp 3. Ngày đó, khi chiến tranh xảy ra, những người bạn của tôi ra chiến trường. Thế rồi bỗng một ngày nhận được tin bạn hi sinh khiến tôi cảm thấy có sự mất mát vô cùng to lớn. Tất cả những điều đó khiến tôi có cảm giác là mình cần phải nói nên suy nghĩ của mình, tình cảm của mình.

PV: Đối với luật sư, khi làm thơ, ông cảm thấy thế nào?

TS-LS Nguyễn Đình Lục: Đối với một người làm luật như tôi, luật sư là một nghề. Thơ thì không phải nghề. Vậy nên không thể so sánh thơ và luật. Chính trong công việc nghiên cứu luật, tiếp xúc với những bức xúc của đời sống, làm cho tôi tự răn bản than làm sao mình có thể giúp được nhiều người hơn, và chính đó là cảm xúc để tôi viết nên những câu thơ.

PV: Ông có viết thơ về nghề của mình không?

TS-LS Nguyễn Đình Lục: Thường những vần thơ của tôi bật ra chỉ là cảm xúc cá nhân. Đôi khi là tình cảm của những lứa đôi mà tôi được chứng kiến, tôi gọi đó là “yêu hộ”. Còn viết thơ về nghề của mình thì có lẽ là không.

Tuy nhiên, trong tập thơ có bài “Thăm Hoàng Thành” được sáng tác khi tôi đi thăm Hoàng Thành Thăng Long. Lúc ấy tôi nhớ đến sự nhân nghĩa của cha ông mình ngay cả với kẻ thù. Và khi đọc lại bài thơ này, tôi có chút mong muốn những người làm luật hãy nhớ đến truyền thống ấy. Bản thân là một người làm luật, tôi mơ ước có một cuộc sống công bằng, không vụ lợi.

PV: Ngoài các sáng tác thơ, trong tập Thơ - Ảnh này có rất nhiều bức ảnh được chụp ở nhiều nơi.

TS-LS Nguyễn Đình Lục: Đúng vậy. Khám phá các nơi trên thế giới là sở thích của tôi. Đi nhiều nơi cũng khiến tôi cảm thấy mình rất may mắn, cuộc sống rất đáng yêu, và từ đó tôi tâm niệm làm nghề luật sư thì phải giúp được nhiều người như một sự trả nợ của bản thân. Mình được hưởng nhiều thứ, mình may mắn có cuộc sống đi nhiều nơi như thế. Thế nhưng, có nhiều người khốn khó đang gặp những vướng mắc liên quan đến luật pháp, làm sao để giúp đỡ họ nhiều hơn. Những chuyến đi ấy giúp mình có tâm gắn với nghề hơn.

TS-LS Nguyễn Đình Lục: “Thơ như một sự giải tỏa”

PV: Sắp tới ông có dự định gì liên quan đến viết thơ hay sách không?

TS-LS Nguyễn Đình Lục: Thơ thì có lẽ là chưa. Nhưng sắp tới tôi có dự định viết hai cuốn sách "Giáo dục gia đình - Tương lai của đời người", và "Xây dựng nền văn hóa Pháp lý Việt Nam trong xu thế hội nhập", tuy nhiên tất cả đang nằm trong kế hoạch.

PV: Nhân ngày truyền thống của ngành tòa án, ông mong muốn và nhắn gửi gì tới lớp người trẻ sẽ và đang làm việc trong ngành này?

TS-LS Nguyễn Đình Lục:  Tôi biết làm “nghề” Tòa án là một nghề rất cao quý, có vị thế cao trong xã hội nhưng đó cũng là nghề chịu rất nhiều áp lực - áp lực về công việc, về thời gian, về sự tác động của rất rất nhiều mối quan hệ, do đó tôi rất chia sẻ sự nhọc nhằn đối với họ. Và tôi cũng như mọi người, rất biết ơn rất nhiều thẩm phán đã luôn đề cao đạo đức nghề nghiệp, vượt qua khó khăn để bảo vệ công lý. Làm ở “nghề” tòa án là một vinh dự, mong rằng các bạn trẻ trong ngành coi đó là một vinh dự và hãy rèn luyện không ngừng để xứng đáng với sự tôn vinh đó và góp phần rất tích cực vào sự nghiệp bảo vệ công lý - điều mà xã hội đang từng ngày mong đợi.  

PV: Xin cảm ơn ông đã nhận lời tham gia cuộc trò chuyện này. Chúc ông sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ pháp luật nước nhà cũng như định hướng cho lớp người trẻ sẽ và đang có mong muốn trở thành một trong những người bảo vệ luật pháp trong tương lai.

Một số câu thơ có tính chiêm nghiệm của TS-LS Nguyễn Đình Lục trong “Khoảnh khắc thời gian”:

Thăm Hoàng thành

Từ trong lớp bụi thời gian

Ta nghe vọng tiếng tự ngàn năm xưa.

Đất trời bao đỗi nắng mưa

Tinh anh thuở ấy vẫn chưa phai mờ.

Đâu đây vẫn thắm sắc cờ

Vẫn văng vẳng những câu thơ thuở nào.

Vẫn là biển rộng trời cao

Vẫn là sông biếc nắng đào ngàn xưa.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS-LS Nguyễn Đình Lục: “Thơ như một sự giải tỏa”