Lâu nay, người ta vốn thích xem những chương trình truyền hình thực tế vì yếu tố chân thực và sự bất ngờ khó đoán trước vì không có kịch bản dựng sẵn. Tuy nhiên, đấy là chuyện ở “xứ người”, chứ ở ta, lại khác.
“Vũ khí” kéo rating của nhà sản xuất
Theo định nghĩa chung, truyền hình thực tế là thể loại chương trình truyền hình chú trọng vào việc phô bày các tình huống xảy ra không theo kịch bản diễn xuất với nội dung mang chất liệu thực tế mà không hư cấu, các nhân vật trung tâm là những người bình thường thay vì diễn viên chuyên nghiệp nhằm để thu hút xúc cảm hoặc tiếng cười. Ngày nay, hai mảng chính của truyền hình thực tế là các cuộc thi có giải thưởng lớn và các bộ phim ghi hình tình huống hài hước theo dạng sê-ri. Theo định dạng thông dụng, khán giả có thể can thiệp vào việc đánh giá thí sinh (đối với cuộc thi) và nội dung (đối với phim tình huống).
Được ra đời vào năm 1948, truyền hình thực tế thực sự bùng nổ từ đầu thập niên 2000. Tuy nhiên, phim tài liệu và thời sự thường không được xếp vào loại truyền hình thực tế.
Tại Việt Nam, chỉ vài năm gần đây, truyền hình thực tế mới thực sự lên ngôi với vô vàn gameshow, trò chơi, chương trình thực tế từ nhiều nhà đài sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Có thể kể đến các chương trình như: Vietnam Idol, The Voice, The Voice Kids, Đồ Rê Mí, Gương mặt thân quen, Vietnam’s Next Top Model, Cuộc đua kỳ thú, Bước nhảy hoàn vũ, The Face Vietnam…Hầu hết các chương trình truyền hình thực tế này đều kéo một lượng khán giả khá lớn, từ đó răng rating quảng cáo của các nhãn hàng, thương hiệu, tăng doanh thu quảng cáo cho nhà sản xuất, nhà đài, đồng thời góp phần làm cho tên tuổi của các nghệ sỹ phủ sóng rộng rãi hơn.
Dù thế nào, khó có thể phủ nhận việc truyền hình thực tế đã là một món ăn tinh thần của đông đảo khán giả vào mỗi cuối tuần và giờ đây là bất kể ngày nào trong tuần, với nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như âm nhạc, người mẫu, ẩm thực, mạo hiểm. Từ đó, góp phần đưa truyền hình tới gần hơn với nhiều đối tượng khán giả khác nhau, mở thêm cơ hội cho những ngành nghề khác xuất hiện và phát triển như cổ động viên, hoạt náo viên chương trình, khán giả thuê, vỗ tay thuê, các dịch vụ ăn uống, thuê trang phục.
Cuộc cạnh tranh khốc liệt
Tuy nhiên, mặc dù truyền hình thực tế là thể loại truyền hình hiện đại, được ưa chuộng, nhưng nó cũng là nguyên nhân của sự cạnh tranh khốc liệt của các nhãn hàng, thương hiệu, hãng giải trí trong ngành công nghiệp truyền hình. Trên khắp thế giới, người ta thi nhau sáng tạo ra các chương trình mới ở đủ mọi góc nhìn, mọi vấn đề cuộc sống nhằm tăng lượng rating cho nhà đài và làm hài lòng các hãng tài trợ.
Chương trình America's Next Top Model
Đầu tiên, thành công của truyền hình thực tế là nhờ ở tính chân thực của nó. Đó là những chương trình không có kịch bản viết sẵn, không theo format lặp lại, không được dàn dựng chỉnh sửa theo ý đồ của ekip thực hiện chương trình. Vì thế mà không có độ “diễn” quá nhiều như ở các chương trình khác mà thay vào đó là sự khắc họa chính xác bức tranh muôn màu của cuộc sống, khắc họa tính cách nhân vật, những suy nghĩ, hành động của các thành viên tham gia chương trình. Đây là “đất diễn” cho những người tham gia. Như ở "Ơn giời, cậu đây rồi", các khách mời khi nhận lời tham gia đều không biết mình sẽ đối diện với ai, gặp những tình huống nào, xử trí như thế nào khi bước vào các phòng các khác với các trưởng phòng khác nhau. Chính bởi vì thế khách mời của Ơn giời, cậu đây rồi đều nhận được câu nói trước khi bước vào căn phòng bí mật: “Một là cuộc đời nở hoa, hai là cuộc sống bế tắc”. Rating của "Ơn giời, cậu đây rồi" vì thế mà cao ngất ngưởng và mỗi một tập lên sóng đều có hàng triệu khán giả theo dõi.
Thứ hai, trong một xã hội mà vấn đề văn hóa, đạo đức ngày càng bị xem nhẹ, thì sự xuất hiện của các chương trình truyền hình thực tế bỗng trở thành một trong những hiệu ứng có sức lan tỏa thông điệp lành mạnh, tích cực về cuộc sống về tình yêu thương con người, về sự tôn trọng và góp phần phát huy giá trị cá nhân.
Thứ ba, để một chương trình thực tế được lên sóng là một công việc khó khăn và gian nan hơn so với các game show có sẵn kịch bản cụ thể, nhưng cũng vì lẽ đó mà chương trình thực tế lại có thể dễ dàng chỉnh sửa điều chỉnh những thiết sót, khiếm khuyết của mình sau khi nhận được phản hồi từ khán giả hơn. Đó cũng là điểm đặc biệt giúp thể loại truyền hình này có được sự hưởng ứng nhiệt tình và sự quan tâm theo dõi của nhiều tầng lớp khán giả.
Và truyền hình thực tế thực đến đâu?
Thế nhưng trong cuộc chiến khốc liệt ấy, nhiều người băn khoăn đặc câu hỏi truyền hình thực tế có thật sự “thực tế” hay cũng có kịch bản của nhà sản xuất? Bởi sau một vài năm phát triển đến bão hòa như hiện nay, một vài chương trình nhanh chóng mất dần khán giả và nhận không ít gạch đá từ phía dư luận vì những tình huống đã trở nên “quen thuộc”, và đặc biệt là không còn yếu tố bất ngờ như trước nữa.
Hai HLV The Face mùa 2 tranh cãi gay gắt trên truyền hình
Vietnam’s Next Top Model đã bước sang mùa thứ 8, trong khi The Face- Gương mặt thương hiệu mới vừa bước sang mùa thứ 2 nhưng đây là hai trong số chương trình truyền hình thực tế gây nhiều tranh cãi thời gian qua vì yếu tố “chân thực”. Hay như mới đây, cuộc tranh luận gay gắt giữa HLV The Face mùa 2 là Lan Khuê và Minh Tú, mặc dù có khiến khán giả liên tưởng đến cuộc khẩu chiến giữa 2 HLV Coco Rocha và Naomi Campbell ở phiên bản quốc tế nhưng khán giả thấy giống “cãi nhau ở chợ hơn”. Đành rằng nói như Minh Tú thì cô đã sống đúng với cảm xúc, tình cảm thật nhưng nhiều khán giả lại cho rằng nhà sản xuất đang muốn tạo kịch tính khi chương trình này đang bị chỉ trích nặng nề.
Nếu nói các chương trình truyền hình thực tế không dựng sẵn kịch bản cho cả người chơi và giám khảo thì không đúng. Bởi bất cứ một chương trình nào, khi lên sóng, đều đã có dự tính của nhà đài, không thể không có kịch bản có trước. Tuy nhiên, chương trình truyền hình thực tế khác biệt hơn so với các chương trình truyền hình khác là ở yếu tố bất ngờ và sự gần gũi với thực tế. Các phiên bản quốc tế gần như làm tốt ở khía cạnh này, nhưng khi được Việt Nam mua bản quyền, nó lại là câu chuyện khác.
Ngoài yếu tố giải trí, yếu tố chuyên môn, các chương trình truyền hình thực tế ở Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều bật cập, nhiều tai tiếng về việc sắp đặt kết quả, dàn dựng, diễn theo kịch bản dramma.
Còn nhớ, tháng 5/2016, nhiều người không khỏi bất ngờ, thậm chí là “sốc” khi ông chủ của chương trình American Idol – một trong những chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc lớn nhất nước Mỹ, có thể gọi là “lò” đào tạo ra các ngôi sao ca nhạc nổi tiếng trên thế giới chính thức tuyên bố khai tử sau 15 mùa phát sóng vì không còn thu hút khán giả sau mỗi mùa thi. Và ngay khi America Idol khai tử, không ít khán giả Việt hoang mang, đặt ra câu hỏi “Việt Nam có nên xoá sổ chương trình này khi đã không còn hấp dẫn?”. Vietnam Idol- Thần tượng âm nhạc Việt cũng đã trải qua 10 mùa giải, năm nay là mùa thứ 11.
Đây không phải là chương trình thực tế duy nhất rơi vào tình trạng ngày càng nhạt, trong khi chất lượng nội dung chưa được đẩy cao thì tai tiếng, thị phi lại nhiều hơn. Nếu nói một vài chương trình truyền hình thực tế ở ta hiện nay hấp dẫn, mang tính giải trí cao, rating quảng cáo tăng vọt thì không có gì phải nói. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, tính truyền hình thực tế ở mấy chương trình kiểu như thế này gần như đã “biến tướng” theo ý đồ của nhà sản xuất. Sau một vài năm làm gây bão trên sóng các đài truyền hình, thì đến thời điểm hiện tại, một vài chương trình đã không còn giữ phong độ như trước…
Với các phiên bản truyền hình thực tế ở nước ngoài, người ta từng chứng kiến những màn tranh luận gay gắt, quyết liệt hơn nhiều ở Việt Nam. Người xem thấy cảnh quay thật hơn, gần gũi hơn với thực tế. Gần như không có sự chuẩn bị nào cho cả người chơi và giám khảo. Yếu tố bất ngờ là điều quan trọng nhất.
Thế nhưng, ở Việt Nam, truyền hình thực tế lại đang khiến khán giả "bán tín bán nghi" về sự chân thực đó. Một vài chương trình thực tế hiện nay, nhiều người cho rằng yếu tố bất ngờ không còn nữa mà thay vào đó là một "kịch bản"quen thuộc, nên không còn tạo sự tò mò cho khán giả. Liên quan đến hành động nóng nảy của HLV Minh Tú tại tập 3 The Face vừa qua khi cô cho rằng tất cả chỉ vì cô muốn sống thật với tính cách và cảm xúc của mình, vì đây là truyền hình thực tế, nhiều người đặt câu hỏi, đã có bao nhiêu giám khảo, khách mời, thí sinh của một chương trình thực tế dám sống thật với cảm xúc thật của mình?
Siêu mẫu Hà Anh, người từng cầm trịch chương trình Vietnam’s Next Top Model cũng cho rằng, cô cảm thấy băn khoăn khi nhà sản xuất khai thác quá nhiều yếu tố dramma, đấu đá mà nó đã trở nên quen thuộc, không còn mới, chỉ khiến khán giả không còn thích thú mỗi khi theo dõi nữa.
Có thể thấy, khi mà các gameshow theo một format cho sẵn trở nên bão hòa, gây nhàm chán cho khán giả xem đài, thì các chương trình truyền hình thực tế như một cứu cánh trong việc góp phần làm cho bữa tiệc tinh thần của khán giả ngày một phong phú, hấp dẫn hơn.
Bên cạnh những điểm mạnh không thể chối cãi đó, có một số chương trình truyền hình thực tế Việt Nam đã bộc lộ thiếu sót của mình và chính điều đó để lại những điểm trừ không đáng có trong mắt khán giả. Đôi khi, nó còn tạo nên sự xôn xao dư luận trong một thời gian dài và làm người ta nghi ngờ về độ chân thực của chương trình: liệu những gì khán giả đang xem có phải là sự thực hay chỉ là các màn dàn dựng của ban tổ chức nhằm tạo nên scandal với mục đích cuối cùng là tranh thủ sự quan tâm của xã hội – một chiêu bài làm tăng rating.
Thực hay giả, điều đó nằm trong tay nhà sản xuất chương trình nhưng họ cũng đừng quên rằng khán giả rất tinh tế, scandal là con dao hai lưỡi, nếu bị lạm dụng thì không những không đạt được ý muốn làm tăng rating mà còn bị khán giả quay lưng lại và chương trình sẽ bị chết yểu.
Thiết nghĩ, nhà sản xuất của chương trình truyền hình thực tế nên trả các chương trình này về đúng với tên gọi, tính chất của nó “thực tế’. Quan trọng là phản ánh sự thật, tôn trọng khán giả, và khán giả chắc chắn sẽ nhận ra và ủng hộ lâu dài.