Trước thông tin báo chí phản ánh về bức xúc của phụ huynh vì bữa ăn quá đạm bạc của con tại trường Tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy – Hà Nội), Sở GD-ĐT Hà Nội đã yêu cầu Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy trực tiếp kiểm tra và xác minh thông tin trên.
Hôm nay (31/10) Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy đã phối hợp với Trung tâm y tế, Phòng y tế quận Cầu Giấy đến trực tiếp tại trường xác minh làm rõ sự việc. Sau khi xác minh sự việc, Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy đã có báo cáo kết quả buổi kiểm tra như sau:
Hình ảnh được ghi lại là vào bữa ăn ngày thứ 2 và thứ 3 (ngày 23 và 24/10/2017). Với hai hình ảnh đăng trên báo chí chỉ có 1 hình ảnh đúng với thực đơn của nhà trường ngày 23/10/2017, gồm các món: Cơm trắng, thịt rán xá xíu, khoai tây xào, canh cải xanh nấu xương.
Với hình ảnh ngày 24/10/2017 trong thực đơn lưu lại gồm các món: Cơm trắng, chả giò lợn rim thịt nạc, su su xào thịt bò, canh rau mồng tơi nấu thịt tôm không trùng với hình ảnh mà báo đã đăng.
Ngoài các món chính, bữa phụ học sinh được uống thêm sữa Ba Vì hoặc sữa đậu nành Fami, bánh…
Về kết quả kiểm tra hồ sơ cho thấy: Nhà trường đã lưu giữ hồ sơ bán trú theo quy định gồm: Sổ kiểm thực đơn ba bước, phiếu lưu nghiệm thức ăn 24 giờ, hóa đơn nhập thực phẩm, các biên bản kiểm tra, thực đơn…
Bữa ăn bán trú của học sinh trường Tiểu học Nam Trung Yên. Ảnh do phụ huynh cung cấp.
Hàng ngày theo quy định việc giám sát, kiểm thực gồm có ba bước (nhập thực phẩm, sơ chế, chế biến, chia suất ăn) được thực hiện chặt chẽ, đủ thành phần quy định.
Thành phân bao gồm: Đại diện ban giám hiệu, nhân viên y tế, đại diện phụ huynh…. Số thực phẩm nhập trong ngày 23 và 24/10/2017 đủ số lượng và định lượng/số học sinh tham gia bán trú.
Thực đơn của học sinh được thay đổi theo các ngày trong tuần, có thể hiện rõ định lượng cho mỗi loại thực phẩm và mỗi suất ăn đảm bảo đủ calo cho học sinh.
Việc chia suất ăn vào bát được thực hiện trên lớp, khi ăn học sinh vẫn được nhận thêm cơm, thức ăn nếu có nhu cầu ăn thêm ngoài mức chia ban đầu. Trong bữa ăn, học sinh nào có nhu cầu chan canh, giáo viên mới tiến hành việc múc canh vào bát cho học sinh.
Như vậy, hình ảnh trên báo đăng chỉ phản ánh được một phần món ăn, chưa phản ánh được hết định lượng trong suất ăn của mỗi học sinh.
Cũng theo báo cáo của Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy, trường Tiểu học Nam Trung Yên giải thích về việc sử dụng thiết bị bán trú của trường như sau:
Về việc dùng bát ăn với học sinh tiểu học là do lứa tuổi Tiểu học, học sinh còn nhỏ nên các trường Tiểu học đều dùng 1 bát I-nốc và thìa nhằm tránh rơi vãi thức ăn. Do vậy, nhà trường không dùng khay để đựng đồ ăn như đối với học sinh Trung học cơ sở.
Đồng thời, tại thời điểm kiểm tra, việc sử dụng kinh phí hỗ trợ cơ sở vật chất bán trú (100.000 đồng/học sinh) đã được nhà trường sử dụng mua chăn cho các lớp (mỗi lớp 12 chiếc).
Tuy nhiên, việc triển khai mua chăm mới được tiến hành trong tháng 10/2017. Phòng GD-ĐT đã yêu cầu nhà trường tiếp tục bổ sung thêm trang thiết bọ bán trú phù hợp với mức thu của học sinh.
Đối với vấn đề giấy vệ sinh: Tại thời điểm kiểm tra, đa số khu vực vệ sinh đều được trang bị giấy vệ sinh, xà phòng. Một vài khu thiếu giấy vệ sinh đã được đoàn kiểm tra yêu cầu nhà trường bổ sung kịp thời. Kinh phí mua giấy vệ sinh được trích từ ngân sách của trường, không sử dụng tiền quỹ lớp.
Như vậy, qua sự việc trên Phòng GD-ĐT đã yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường kiểm điểm rút kinh nghiệm trong công tác quản lý bán trú, giám sát chặt chẽ khẩu phần ăn hàng ngày, trang thiết bị.
Trước đó, một số phụ huynh của trường đã chia sẻ về bữa ăn bán trú của mình tại trường Tiểu học Nam Trung Yên có đoạn viết: "Con em chúng tôi phải đóng 28.000 đồng/ngày ăn, gồm một bữa chính và một bữa phụ là sữa. Nhưng cơm trưa thì khô, thức ăn thì nghèo nàn, quanh đi quẩn lại hết thịt băm đến đậu phụ. Trong bữa ăn, mỗi cháu chỉ có một chiếc bát tô, tất cả cơm, rau, thịt, canh được chan lẫn lộn”…
Trước những chia sẻ đó, hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên đã khẳng định hình ảnh suất ăn chỉ có ít rau muống, trứng đảo vụn do phụ huynh cung cấp được là của nhà trường. Tuy nhiên, ông Trần Văn Hà cho rằng: “Nó không thể hiện đầy đủ khẩu phần ăn ban đầu của học sinh. Có thể đó là bát thứ hai, ba, học sinh xin thêm sau khi đã ăn hết khẩu phần theo quy định".
Đồng thời, ông Hà cho biết thêm, bữa ăn bán trú của học sinh đảm bảo chất lượng dinh dưỡng và đủ định lượng. Bữa chính 23.000 đồng được bố trí ngày thì thịt và đậu phụ, ngày là tôm chiên với thịt sốt cà chua...
Bữa phụ trị giá 5.000 đồng giữa giờ chiều thường là sữa. Mỗi buổi sáng giao nhận thực phẩm, ban giám sát gồm giám hiệu nhà trường, đại diện phụ huynh đều kiểm tra, xác nhận.
Trong bữa ăn, mỗi học sinh được phát một bát inox, sau khi ăn thức ăn khô các em sẽ xin canh ăn tiếp hoặc ngược lại. "Hầu hết trường đều làm như thế chứ không có khay phân chia thức ăn cho mỗi học sinh", ông Hà thông tin.
Trước sự việc trên, ông Phạm Ngọc Tuấn – trưởng phòng chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT cho biết, về trường hợp của Tiểu học Nam Trung Yên sau khi có thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng thì Sở GD-ĐT Hà Nội đã trực tiếp chỉ đạo Phòng GD-ĐT, Trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy xác sự việc trên và báo cáo ngay về cho Sở.
Ông Tuấn cũng chia sẻ thêm vào ngày 31/8/2017, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có công văn gửi đến các đơn vị giáo dục về kế hoạch Công tác an toàn thực phẩm và tổ chức phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2017-2018.
Và ngày 22/9/2017 có thêm công văn số 3182 với nội dung “Tăng cường công tác quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở giáo dục”.
Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầy rõ các cơ sở giáo dục tăng cường công tác tự kiểm tra tại các bếp ăn bán trí, căng tin. Duy trì chế độ kiểm soát giao nhận thực phẩm hàng ngày, đảm bảo thực phẩm hàng ngày, đảm bảo thực phẩm cung cấp rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm.