Bảo vệ người tiêu dùng

Trường hợp nào ô tô bị hư hại do thiên tai sẽ được hưởng bảo hiểm?

Minh Lý 09/09/2024 - 06:33

Cơn bão số 3 đổ bộ khiến hàng loạt xe ô tô bị cây đè, cột điện đổ hay bị ngập nước trong trận mưa vừa qua... Trước thực trạng này, nhiều chủ phương tiện băn khoăn không biết có được hưởng bảo hiểm xe để tránh thiệt hại không? Cũng như cần phải lưu ý điều gì sau khi xe gặp sự cố?

Trường hợp được hưởng bảo hiểm

Chỉ trong hai ngày 6-7/9 vừa qua, tại Hà Nội do ảnh hưởng của cơn bão số 3 đã làm cho nhiều cây xanh bật gốc, gây tổn hại về người và tài sản; hàng loạt xe ô tô hư hỏng do bị cây, cột điện đổ đề hay bị bảng hiệu rơi trúng.

Về trách nhiệm bồi thường đối với những chiếc xe bị hư hỏng khi bị cây gãy, đổ vào..., theo Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại…

Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 156, sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Trường hợp thiệt hại gây ra là do bất khả kháng thì sẽ loại trừ trách nhiệm của các bên, thiệt hại bên nào thì bên đó tự chịu.

Từ đó có thể thấy, tài sản dù là xe ô tô hay là cây cối thì chủ sở hữu tài sản hoặc người chiếm hữu hợp pháp tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi tài sản đó gây ra thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc do lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại.

Để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì người bị thiệt hại cần phải chứng minh rằng mình đã bị thiệt hại do tài sản của người khác gây ra và thiệt hại đó không có lỗi của mình, không thuộc trường hợp bất khả kháng.

thiet-ke-chua-co-ten-2024-09-08t205607.252.png
Nhiều ô tô bị hư hại trong cơn bão số 3 vừa qua tại Hà Nội.

Nếu việc đỗ xe là đúng nơi quy định, sự việc không phải là bất khả kháng, không có lỗi của người đỗ xe thì đơn vị quản lý cây xanh phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho chủ xe. Thiệt hại sẽ bao gồm chi phí sửa chữa, tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút và các chi phí phát sinh trong quá trình sửa chữa chiếc xe này.

Trường hợp chủ xe ô tô có mua bảo hiểm thân vỏ đối với chiếc xe này thì việc bồi thường thiệt hại, sửa chữa chiếc xe căn cứ vào quy định trong hợp đồng bảo hiểm.

Nếu cây đổ là bất khả kháng, không có lỗi của bên nào, nhưng chủ xe có mua bảo hiểm thì bên bảo hiểm sẽ bồi hoàn, sửa chữa toàn bộ thiệt hại.

Hiện nay, bảo hiểm cơ giới xe ô tô bao gồm nhiều loại hình sản phẩm như: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe, bảo hiểm vật chất xe ô tô, bảo hiểm trách nhiệm dân sự tự nguyện và bảo hiểm trách nhiệm dân sự hàng hóa.

Theo đại diện công ty bảo hiểm PVI, nếu ô tô bị hư hỏng do cây đè, cột điện đổ vào, mưa ngập, công ty bảo hiểm ô tô sẽ có trách nhiệm bồi thường khi khách hàng đã mua bảo hiểm vật chất xe ô tô. Đây là một loại hình bảo hiểm ô tô tự nguyện, hay còn gọi là bảo hiểm thân vỏ xe ô tô.

Theo quy định, loại hình bảo hiểm vật chất xe ô tô sẽ có phạm vi bồi thường cho chủ xe những thiệt hại về vật chất xảy ra do những tai nạn bất ngờ, ngoài sự kiểm soát của chủ xe trong những trường hợp như: Đâm va, lật, đổ, rơi; hỏa hoạn, cháy, nổ; những tai họa bất khả kháng do thiên nhiên; mất cắp, mất cướp toàn bộ xe.

Chủ xe cần lưu ý điều gì?

Tuy nhiên, chủ xe cũng cần lưu ý, trong trường hợp ô tô bị cây đè khi đỗ trên đoạn đường cấm đỗ, dù chủ xe đã mua bảo hiểm vật chất xe ô tô cũng sẽ bị đơn vị bảo hiểm từ chối bồi thường, đại diện công ty bảo hiểm PVI nhấn mạnh.

Còn nếu chủ xe chỉ tham gia loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, phương tiện đó bị hư hỏng, thiệt hại sẽ không được công ty bảo hiểm bồi thường.

Điểm lưu ý tiếp nữa, các gói bảo hiểm thường chia thành nhiều phân hạng với quy định cụ thể về những loại hình rủi ro có thể được chi trả. Trong đó, thủy kích (xe bị bó máy do ngập nước) hay các tác động thiên tai (bao gồm cả cây đổ)… thường nằm trong các gói riêng.

Trên thực tế, tham khảo tại nhiều gara trên địa bàn thành phố Hà Nội, tình trạng các chủ xe khi mang phương tiện vào sửa chữa sau thiên tai mới phát hiện bảo hiểm không có tác dụng, điều này đã xảy ra đối với nhiều trường hợp.

Theo luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng, với từng trường hợp yêu cầu bảo hiểm phải nhìn vào hợp đồng cụ thể; người tham gia bảo hiểm ô tô cần phải chú ý đến phạm vi bồi thường của hợp đồng bảo hiểm ngay từ khâu xác lập hợp đồng, bởi nhiều trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không bồi thường thiệt hại như: Hành động cố ý của chủ xe/lái xe gây thiệt hại; đua xe, hư hỏng về điện không phải do tai nạn; hao mòn tự nhiên...

thiet-ke-chua-co-ten-2024-09-08t222325.931.png
Thủy kích (xe bị bó máy do ngập nước) hay các tác động thiên tai (bao gồm cả cây đổ)… thường nằm trong các gói riêng (Ảnh minh họa).

Một chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm cho biết: “Nếu chủ xe không chọn các hạng mục này khi mua bảo hiểm, gói bảo hiểm dù vẫn mang tên bảo hiểm vật chất, nhưng không đồng nghĩa những rủi ro do thiên tai sẽ được chi trả”. Hiện nay, phổ biến tình trạng người mua bảo hiểm cho ô tô chủ quan, ít khi đọc kĩ các điều khoản hợp đồng, dẫn đến những sơ hở đáng tiếc.

Do đó, trong quá trình hợp đồng bảo hiểm cần ghi rõ ràng các bước cần làm khi xe gặp rủi ro. Trong đó, quy trình xử lý sau rủi ro phải nêu rõ các bước chủ xe cần làm, cụ thể cả việc thu thập video, hình ảnh và những bằng chứng/giấy tờ cần thiết khác về tình trạng của phương tiện để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm.

Một số trường hợp bảo hiểm thậm chí yêu cầu công ty cây xanh xác minh bằng văn bản về cây trồng đúng quy định, hoặc cơ quan chức năng xác minh điểm xe dừng đỗ có hợp pháp hay không?… Thiếu những yếu tố này, công ty bảo hiểm luôn có quyền từ chối bồi thường.

Mỗi doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có một bộ quy tắc bồi thường bảo hiểm riêng, được xây dựng trên cơ sở các quy định của Bộ Tài chính và nhân viên bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp quy tắc này cho người tham gia bảo hiểm. Vì thế, người mua bảo hiểm cần tìm hiểu, tham khảo để nắm rõ những quyền lợi nghĩa vụ các bên trong quá trình giao kết hợp đồng bảo hiểm, cũng như đòi hỏi quyền lợi bảo hiểm về sau, đặc biệt trong các tình huống thiên tai như siêu bão Yagi vừa qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường hợp nào ô tô bị hư hại do thiên tai sẽ được hưởng bảo hiểm?