Trường ĐH Tài chính-Quản trị Kinh doanh từng bước khẳng định thương hiệu

Hà Lan| 06/03/2019 15:29
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Với uy tín của trường và sự đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, cùng sự đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, …, Trường ĐH Tài chính-Quản trị Kinh doanh tin tưởng rằng năm 2019 sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trường Đại học Tài chính-Quản trị kinh doanh được thành lập theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 18/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tài chính-Quản trị kinh doanh (tiền thân là Trường Cao đẳng Tài chính kế toán I và Trường Cao đẳng Quản trị kinh doanh).

Trường được thành lập năm 1965, với hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường đã đào tạo được trên 70.000 sinh viên, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về kế toán, thuế, thẩm định giá, quản lý ngân sách xã, phường cho trên 10.000 lượt cán bộ trong ngành Tài chính và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Chiến lược phát triển Trường giai đoạn 2013-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định Trường thực hiện đào tạo theo định hướng thực hành, gắn đào tạo với thực tiễn hoạt động của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp.

Trường ĐH Tài chính-Quản trị Kinh doanh từng bước khẳng định thương hiệu

Ông Phạm Chí Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua-Khen thưởng Bộ Tài chính trao cờ thi đua của Chính phủ cho nhà trường

Mục tiêu của Trường hiện nay là ổn định quy mô đào tạo, chú trọng hoàn thiện nội dung chương trình và phương pháp đào tạo; tăng cường thực hành, bồi dưỡng kỹ năng mềm, giúp sinh viên tốt nghiệp ra trường có thể tìm kiếm được việc làm ngay phù hợp với chuyên môn đào tạo.

Trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và hiện đại hóa ký túc xá, Nhà trường rất chú trọng đổi mới công tác đào tạo, cụ thể như sau:

Kiến thức chuyên môn: Thực hiện rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo theo định hướng thực hành. Triển khai thực tập môn học đối với các học phần chuyên ngành tại các cơ quan, doanh nghiệp (thời lượng thực tập chiếm 1/3 thời lượng của học phần). Đổi mới nội dung các học phần trong chương trình đào tạo theo hướng chú trọng kiến thức cốt lõi, tránh dàn trải, trùng lắp nội dung. Thực hiện phương pháp giảng dạy theo hướng trao đổi, thảo luận, làm bài tập. Tiếp tục đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả người học, khuyến khích làm bài tập lớn, tiểu luận, đề án môn học và hình thức thi trắc nghiệm.

Kiến thức tin học và ngoại ngữ: Nhận thức được tầm quan trọng của kiến thức công cụ khi tìm kiếm việc làm và làm việc tốt trong môi trường cạnh tranh và hội nhập, Nhà trường đã xây dựng và công bố công khai chuẩn đầu ra tin học và ngoại ngữ đối với sinh viên đại học chính quy. Chuẩn đầu ra tin học và ngoại ngữ là một điều kiện bắt buộc để công nhận tốt nghiệp ra trường.

Kỹ năng mềm: Nhà trường đã chủ động mời các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và các diễn giả về truyền đạt tại các buổi học ngoại khóa. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn thể thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, … để động viên sinh viên tham gia, trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm.

Nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống: Nhà trường và các tổ chức đoàn thể rất coi trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và nhận thức cho sinh viên thông qua tuần lễ giáo dục chính trị đầu khóa, sinh hoạt đoàn-hội và các môn học của Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, các cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

Trường ĐH Tài chính-Quản trị Kinh doanh từng bước khẳng định thương hiệu

NGƯT.TS Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường trao bằng và giấy khen cho các tân cử nhân đạt loại giỏi

Nhiệm vụ chính của một cơ sở đào tạo là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học giúp cho bài giảng sâu sắc hơn, thực tế và thuyết phục hơn. Từ năm 2013 đến nay, Nhà trường đã thực hiện 05 đề tài cấp Bộ, cấp tỉnh; trên 100 đề tài cấp Trường; biên soạn trên 20 giáo trình, tài liệu học tập bậc đại học; tổ chức thành công 03 hội thảo cấp quốc gia có sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành ở các trường đại học, viện nghiên cứu có uy tín và đặc biệt có sự tham gia tích cực của các lãnh đạo doanh nghiệp. Hoạt động NCKH của sinh viên được triển khai có hiệu quả, gắn lý luận với thực tiễn, giúp các em sinh viên vận dụng kiến thức được học ở trường vào thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong 3 năm 2015 - 2018 các em sinh viên đã hoàn thành nghiệm thu 67 đề tài, đạt kết quả từ loại Khá trở lên.

Hiện tại, ở trình độ thạc sĩ, Trường đào tạo chuyên ngành Tài chính-Ngân hàng; ở trình độ đại học, Trường đào tạo 07 ngành: Kế toán, Kiểm toán, Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Hệ thống thông tin quản lý, Kinh tế, Kinh doanh quốc tế. Năm 2019, chỉ tiêu tuyển sinh của Nhà trường bao gồm: 60 cao học và 960 đại học. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường ĐH Tài chính-Quản trị Kinh doanh từng bước khẳng định thương hiệu