Đại biểu Quốc hội - GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để các thành phần kinh tế phát triển mạnh mẽ, trước hết phải bình đẳng, chống phân biệt đối xử trong kinh doanh.
Cho ý kiến về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Dự án Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, Đại biểu Quốc hội - GS.TS Vương Đình Huệ, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, để các thành phần kinh tế phát triển mạnh mẽ, trước hết phải bình đẳng, chống phân biệt đối xử trong kinh doanh.
Đại biểu Quốc hội - GS.TS Vương Đình Huệ
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Nhà nước một mặt đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các chủ thể, cần xóa bỏ được bất bình đẳng trong các thành phần kinh tế, đảm bảo các thành phần kinh tế đều được tiếp cận các nguồn lực cũng như trong thực hiện các quy trình thủ tục hành chính. ĐBQH Vương Đình Huệ đề nghị trong lần sửa đổi này phải rà soát lại bất cứ quy định nào còn có sự phân biệt đối xử chúng ta phải hủy bỏ, để các thành phần kinh tế đều được tiếp cận các nguồn lực Nhà nước và ngoài Nhà nước. ĐBQH Vương Đình Huệ cho biết, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp quốc tế và các chuyên gia kinh tế đều khẳng định, các thành phần kinh tế Nhà nước và tư nhân không quan trọng đối với họ, quan điểm của họ đề nghị cần có cơ chế minh bạch, công khai. Trong Hiến pháp đã quy định cá nhân, tổ chức được tự do kinh doanh các ngành nghề mà pháp luật không cấm, vì vậy cần triển khai, cụ thể hóa những những nội dung này như thế nào, phải xác định được những lĩnh vực nào không cấm, lĩnh vực nào cấm và lĩnh vực gì không cấm nhưng phải kinh doanh có điều kiện.
Theo ĐBQH Vương Đình Huệ, chúng ta cần xây dựng đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế hậu kiểm để đảm bảo quyền tự do kinh doanh không xâm hại tới lợi ích xã hội, lợi ích công cộng và các chủ thể khác, chỉ tiền kiểm những khâu như soát xét cấp phép hồ sơ... Lần này Quốc hội cũng bàn để ban hành Luật Phá sản, vì vậy hai Luật được ban hành sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường nhanh nhưng cũng đồng thời cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường một cách nhẹ nhàng, rút lui có nguyên tắc, chắc chắn kinh doanh sẽ tốt hơn, thông thoáng hơn.
Đánh giá về Luật Doanh nghiệp, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Luật ra đời năm 2005 đã tạo bước đột phá, tạo cú hích rất lớn, tạo ra môi trường kinh doanh hết sức thuận lợi, trong gần 10 năm, số lượng doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng gấp 9 lần, quan trọng là các doanh nghiệp chủ yếu tăng sau khi Luật ra đời. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật vẫn bộc lộ một số tồn tại cần giải quyết như; môi trường kinh doanh, các thủ tục tham gia thị trường, quyền bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, công khai minh bạch của doanh nghiệp còn rất nhiều vấn đề hạn chế; có hàng trăm nghìn doanh nghiệp đăng ký nhưng không hoạt động, một người đăng ký vài ba doanh nghiệp để mua bán hóa đơn; trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đã đánh giá nguyên nhân đó không chỉ do Luật doanh nghiệp nhưng chúng ta cũng cần phải xem xét. Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) lần này phải đánh giá được môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, các quy trình tiếp cận thủ tục kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước được đánh giá như thế nào, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đã tăng bao nhiêu bậc.
Đối với vấn đề doanh nghiệp Nhà nước, ĐBQH Vương Đình Huệ cho biết, phần lớn những ý kiến nhận xét, đánh giá về doanh nghiệp nhà nước vừa qua là xác đáng, công bằng. Nhìn nhận được những gì mà doanh nghiệp nhà nước đã làm được, khẳng định được vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong điều tiết, tái cấu trúc nền kinh tế, ổn định xã hội, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng, bất ổn về kinh tế vĩ mô, đồng thời các ý kiến cũng chỉ ra được những nhược điểm căn cơ của doanh nghiệp nhà nước đó là tính hiệu quả, vẫn có doanh nghiệp làm ăn chưa thực sự hiệu quả.
ĐBQH Vương Đình Huệ nhấn mạnh, nhìn vào hình mẫu có nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước làm ăn có hiệu quả, cạnh tranh được với các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới như: Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Viettel doanh thu mỗi năm hàng trăm nghìn tỷ đồng, giải quyết hàng trăm nghìn công ăn việc làm cho người lao động, Viettel còn đầu tư ra 7 - 8 nước trên thế giới và còn nhiều những doanh nghiệp trụ cột khác chúng ta đã nhìn thấy rồi. ĐBQH Vương Đình Huê cho rằng, nhiệm vụ của cơ quan soạn thảo bây giờ là làm sao phải chế định, quy định được vấn đề này để phát huy được những thế mạnh của doanh nghiệp nhà nước, khắc phục yếu kém, đây là quan điểm hết sức đúng đắn, Quốc hội cần thảo luận rất kỹ về Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này để có nhìn nhận công bằng về doanh nghiệp nhà nước.
Bổ sung thêm góp ý vào dự thảo Luật, ĐBQH Vương Đình Huệ đề nghị cần làm rõ tên của các doanh nghiệp, nên có định nghĩa dứt khoát thế nào là doanh nghiệp Nhà nước, nên chăng xác định doanh nghiệp Nhà nước là doanh nghiệp 100% vốn do nhà nước làm chủ sở hữu. Những đặc thù của doanh nghiệp nhà nước cần phải được xác định rõ, hiện nay mới chỉ có các văn bản, nghị định để kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước, do đó những vấn đề đặc thù của doanh nghiệp nhà nước dứt khoát phải chế định ở trong Luật, từ đó mới đưa ra các văn bản khác. Theo ĐBQH Vương Đình Huệ, doanh nghiệp nhà nước nên chỉ tập trung kinh doanh vào những lĩnh vực then chốt, thiết yếu, chủ trương của Đảng đã có rồi; đồng thời phải tách bạch được nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, công ích và nhiệm vụ chính trị, tăng cường quản trị, công khai, minh bạch thông tin; xây dựng hệ thống các tiêu chí đánh giá, như vậy mới đánh giá được hiệu quả doanh nghiệp hoạt động; phân định quyền quản lý nhà nước và đại diện quyền sử hữu nhà nước, phải xác định vai trò nhà nước làm gì, vai trò chủ sở hữu, đại diện chủ sở hữu làm gì, những vấn đề này ĐBQH Vương Đình Huệ đề nghị cần phải thể hiện rõ trong Luật.