Đó là ý kiến của ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế TƯ tại Hội thảo khoa học quốc tế “Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội” do Ban Kinh tế TW, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tổ chức sáng 23/6.
Cho rằng, hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đang bộc lộ nhiều bất cập, ông Huệ nhấn mạnh, hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là một bộ phận của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia trong điều kiện nền kinh tế thị trường, là cơ sở để Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát cũng như đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ chủ trì Hội thảo
Đánh giá những kết quả đạt được, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, các chỉ tiêu Quốc hội thông qua là các chỉ tiêu định hướng phát triển chung của nền kinh tế và phát triển từng ngành, lĩnh vực trong thời kỳ kế hoạch. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội cơ bản phù hợp với điều kiện thực tiễn, có tính khả thi. Một số chỉ tiêu đã có phương pháp tính toán phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Huệ chỉ ra những nguyên nhân của tình trạng bất cập về hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội là: Hệ thống chỉ tiêu kế hoạch chưa cụ thể hóa đầy đủ các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra; chưa đồng bộ với hệ thống chỉ tiêu thống kê.
Ý thức chấp hành Luật Thống kê và các luật pháp khác liên quan đến lĩnh vực thống kê; kế toán; ngân hàng; liên quan đến điều tra, báo cáo thống kê của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa được thực hiện nghiêm túc nên số lượng, chất lượng thông tin thống kê vẫn còn những hạn chế; mặt khác Luật Thống kê được ban hành từ năm 2003 đến nay còn nhiều bất cập cần sửa đổi, bổ sung.
Hội thảo thu hút nhiều chuyên gia tham gia
Ảnh hưởng của tư duy kế hoạch hóa tập trung và tâm lý thành tích dẫn đến việc xây dựng quá nhiều chỉ tiêu và quá chi tiết; tạo áp lực trong quá trình thống kê, báo cáo số liệu nên tính chính xác còn hạn chế.
Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành ở Trung ương, giữa các sở ngành ở địa phương còn hạn chế. Cán bộ làm công tác thống kê (đặc biệt là ở cấp xã) còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều công việc (văn phòng, tổng hợp) và hay thay đổi; năng lực phân tích và đánh giá còn thấp.
Hội thảo này diễn ra đúng lúc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 13 cũng đang thảo luận Dự án Luật Thống kê (sửa đổi) với nhiều đề xuất cụ thể về hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội. Kết quả hội thảo sẽ đóng góp thiết thực vào quy trình thảo luận, quyết định Luật Thống kê (sửa đổi) nói chung cũng như hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu kinh tế - xã hội nói riêng.