Trong khi hàng loạt cửa hàng mặt phố phải sang nhượng cho thuê hay thanh lý do không còn đủ kinh phí vận hành thì chuỗi bán lẻ trong các TTTM lớn lại vẫn "sống tốt".
Bỏ cửa hàng mặt phố… chạy vào Trung tâm thương mại
Theo nghiên cứu của CBRE, việc trả mặt bằng tại các TTTM diễn ra không nhiều do khách thuê nhận được hỗ trợ của chủ đầu tư về việc giảm hoặc miễn giá thuê trong thời gian giãn cách xã hội đã giúp giảm bớt một phần áp lực về chi phí. Tuy nhiên, việc trả mặt bằng kinh doanh nhà phố diễn ra rất phổ biến hơn, chủ yếu là từ những đơn vị kinh doanh nhà phố nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực duy trì kinh doanh dài hạn, hoặc bất lực trong việc thương thảo với chủ nhà giảm giá thuê mặt bằng. CBRE cho biết, 61% khách thuê chưa được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà từ chủ nhà.
Đây là một trong những yếu tố giúp các hệ thống bán lẻ trong các chuỗi TTTM lớn sớm ổn định thị trường sau giai đoạn khó khăn.
Sở hữu 3 chi nhánh của một thương hiệu đồ uống nhượng quyền nổi tiếng từ Đài Loan, anh Nguyễn Minh Nghĩa (Hà Nội) cảm nhận được sự khác biệt giữa kinh doanh mặt phố truyền thống và TTTM khi “cơn bão” COVID-19 càn quét qua:
“Gian hàng tại Vincom Center Nguyễn Chí Thanh được hỗ trợ giá thuê nhiều nhất so với các cửa hàng khác ngoài phố. Sau dịch, khách cũng có xu hướng đến các TTTM đông nên đây là chi nhánh duy nhất có lãi ở thời điểm hiện tại. Hai cửa hàng còn lại tại các mặt phố thì hoạt động cầm chừng, khách e dè hơn nên mỗi tháng vẫn đang phải chịu lỗ từ 70-90 triệu đồng”, anh Nghĩa nói.
Tình trạng trả mặt bằng kinh doanh nhà phố diễn ra phổ biến do ảnh hưởng của dịch Covid.
Lượng khách đến đông hơn, chi trả nhiều hơn qua mỗi lần mua hàng tại TTTM cũng là đánh giá của chị Trần Thu Hằng, chủ một chuỗi cửa hàng thời trang dành cho nam giới. Chị quyết định bỏ “chân trong chân ngoài”, trả mặt bằng 2 cửa hàng mặt phố để tập trung cho 2 gian hàng tại TTTM.
“Sau dịch, TTTM không chỉ giảm giá thuê mà còn tổ chức nhiều chương trình kích cầu mua sắm. Sự cộng hưởng chung giữa các cửa hàng, khu ăn và vui chơi trong TTTM cũng thu hút đông khách hơn. Như thuê mặt phố tự mình “bơi” giữa bối cảnh này thì rất vất vả”, chị Hằng cho hay.
Bà Võ Thị Phương Mai - Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận dịch vụ mặt bằng bán lẻ của CBRE Việt Nam cũng nhận định, dịch COVID-19 đang thay đổi dần thói quen mua hàng của người dân. Ngoài trào lưu mua hàng online nở rộ, người tiêu dùng cũng có xu hướng tìm đến những trung tâm mua sắm rộng rãi, sở hữu nhiều mặt hàng trên một bằng bằng và có nhiều biện pháp phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Nhà bán lẻ chọn mặt gửi vàng sau mùa COVID-19
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới 2020 công bố cuối tháng 4, IMF nhận định, Việt Nam “là quốc gia có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong ASEAN”. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng khẳng định, Việt Nam đã chống chịu tốt hơn ở phương diện kinh tế đối ngoại và kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại.
Bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam bày tỏ sự lạc quan, nền kinh tế khởi sắc hậu COVID-19 mang lại cơ hội trước tiên cho ngành bán lẻ. Bởi, đây là ngành có tốc độ hồi phục nhanh hơn các ngành khác nhờ những tiềm năng sẵn có cũng như những triển vọng được mở ra sau dịch bệnh.
Lượng khách quay trở lại mua sắm tại các TTTM tăng mạnh ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Đồng quan điểm, chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú cho rằng, trong quý I/2020, tổng doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng chung giảm 4% nhưng riêng bán lẻ vẫn tăng trưởng 7% - con số rất ấn tượng giữa bối cảnh khó khăn chung.
“COVID-19 cũng là cơ hội để thị trường bán lẻ thanh lọc lại nguồn hàng và bạn hàng. Trong khó khăn, nhà bán lẻ mới biết đâu là người đồng hành tốt. Tôi đánh giá cao những ông lớn trong ngành cho thuê bất động sản bán lẻ đã thể hiện tinh thần cộng sinh và đồng hành với doanh nghiệp bán lẻ, tránh sự đổ vỡ hàng loạt như kinh doanh mặt phố”, vị chuyên gia nhận định.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh đánh giá sau dịch ngành bán lẻ sẽ phát triển theo hướng hiện đại hơn và những TTTM sẽ đón đầu sự thay đổi này.
“Người tiêu dùng xu hướng sử dụng công cụ thanh toán không tiền mặt, trong khi các doanh nghiệp bán lẻ sẽ liên kết lại, tổ chức những chương trình kích cầu lớn, tạo đà bật dậy sau dịch bệnh”, TS Ánh phân tích.
Thực tế cũng ghi nhận, ngay sau khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, lượng khách tại các TTTM đã lập tức tăng mạnh trở lại. Thông tin báo cáo từ Aeon Mall Bình Dương Canary cho thấy, doanh số 3 tuần đầu tháng 5 vừa qua đã ngang với cùng kỳ năm 2019, thời điểm khi chưa có dịch Covid. Trong khi đó, hệ thống TTTM Vincom cũng có những tín hiệu vô cùng khả quan.
Hệ thống TTTM này đã đón tiếp gần 10 triệu lượt khách đến tham quan mua sắm ngay khi mở cửa trở lại và chắc chắn sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới. Đại diện Vincom cho biết, trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, lượng khách hàng đến TTTM trên toàn hệ thống đã đạt 110% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, Vincom Center Phạm Ngọc Thạch với sự ra mắt các các thương hiệu đình đám như Uniqlo, Haidilao Hot Pot và Pizza 4Ps đã ghi nhận số lượng khách hàng tăng trưởng vượt trội.
Nghiên cứu mới đây của JLL Việt Nam cũng chỉ ra, bối cảnh thị trường bán lẻ sau khi tình hình dịch được kiểm soát sẽ khác nhiều so với dự đoán trước đây. Tiềm năng sau dịch rất lớn, các doanh nghiệp bán lẻ cần tận dụng thời cơ này để thay đổi mình, chọn đối tác tin cậy, tăng trưởng trở lại mạnh mẽ sau cú sốc COVID-19.