Trung tâm Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II mới xây ở trong khuôn viên Vườn quốc gia Bạch Mã tại tỉnh Thừa Thiên Huế chuẩn bị đón hai cá thể gấu đầu tiên được cứu hộ từ huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội.
Ngày 2/10, Tổ chức Động vật châu Á đã thực hiện cứu hộ hai cá thể gấu từ một hộ gia đình ở trên địa bàn xã Phụng Thượng (huyện Phúc Thọ, TP. Hà Nội) và đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II. Đây là “ngôi nhà gấu Việt Nam” cơ sở 2, mới xây ở trong khuôn viên Vườn quốc gia Bạch Mã tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hai cá thể gấu trên cũng là thành viên đầu tiên được đưa về Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam II.
Hiện nay, trung tâm này đã hoàn thiện xây dựng giai đoạn 1 với khu cơ sở vật chất, bệnh viện, khu cách ly tạm thời và 2 nhà gấu đôi với 4 khu bán tự nhiên.
Theo Tổ chức Động vật châu Á, các cá thể gấu trên được cứu hộ thông qua việc người dân tự nguyện viết đơn chuyển giao và không đòi hỏi bất cứ một nguồn kinh phí nào.
Các cá thể gấu trên được người dân nuôi từ năm 2006 với mục đích thương mại. Tính đến nay, gấu đã sống trong điều kiện nuôi nhốt gần 20 năm, trong khi tuổi tự nhiên của gấu là từ 30-35 năm tuổi. Các cá thể gấu này đã nuôi nhiều năm nên đều bị rụng lông và có những vệt mất da.
Trong sáng 2/10, Tổ chức Động vật châu Á đã tiến hành thực hiện biện pháp ghép lồng vận chuyển với lồng hiện tại và dụ gấu sang lồng bằng các đồ ăn mà chúng yêu thích.
Các cá thể gấu đều rất linh hoạt, đáp ứng tốt với các tương tác của các chuyên gia chăm sóc gấu và nhanh chóng bước sang lồng vận chuyển.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Động vật châu Á, khi về trung tâm cứu hộ, các bác sỹ thú y mới có thể đánh giá được chính xác tình trạng sức khỏe của gấu.
Hai con gấu trên được đặt tên là Amstrong (gấu đực) và Buzz (gấu cái), tên của hai phi hành gia đầu tiên đặt chân lên mặt trăng.
Cuối giờ sáng cùng ngày, đoàn cứu hộ lên đường di chuyển gần 800km từ xã Phụng Thượng về Vườn quốc gia Bạch Mã.
Dự kiến, đoàn cứu hộ gấu sẽ về tới Vườn Quốc gia Bạch Mã vào chiều ngày mai, 3/10.