Vừa qua, Tổng Thống Nga Vladimir Putin và Tổng Thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm rất thoải mái. Hai ông không nói gì vụ Mỹ nã tên lửa ở Syria, mà chỉ bàn về khả năng hợp tác.
Sputnik vừa dẫn nguồn tin từ điện Kremlin cho hay, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có cuộc điện đàm đầu tiên sau gần một tháng khi Mỹ nã 59 quả tên lửa hành trình vào Syria - đồng minh của Nga.
Đây cũng là cuộc điện đàm thứ ba giữa hai lãnh đạo Mỹ và Nga kể từ khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ. Trước đó, hai ông Trump và Putin đã có hai lần điện đàm được công bố. Lần thứ nhất là ông Putin gọi chúc mừng ông Trump nhậm chức, lần thứ hai là khi ông Trump gọi điện thoại chia buồn vụ đánh bom tàu điện ngày 3/4 ở TP St.Petersburg (Nga) làm 16 người chết.
Được biết, trong cuộc điện đàm lần này hai bên không ai đề cập đến chuyện đánh bom hóa học hay vụ nã tên lửa mà tập trung bàn về khủng hoảng nhân đạo tại Syria, cùng tỏ ý muốn hợp tác vì một lệnh ngừng bắn.
Trump và Putin đã hạ nhiệt vì “đại cuộc”
Hai nhà lãnh đạo cũng bàn tới cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông cũng như “tình hình nguy hiểm” ở Triều Tiên. Cuộc điện đàm cũng đề cập đến khả năng ông Trump và ông Putin lần đầu “chạm mặt” trực tiếp bên lề hội nghị G20 ở Hamburg (Đức) vào tháng 7 tới.
Cuộc điện đàm diễn ra giữa thời điểm quan hệ hai bên đang ở mức thấp kỷ lục. Và theo Nhà Trắng mô tả, đây là “một cuộc đối thoại rất thoải mái”, trong khi điện Kremlin mô tả là “cuộc đối thoại thiết thực và xây dựng”.
Có thể cho đến thời điểm này, cả hai nước đều nhận thức nhu cầu cải thiện quan hệ với nhau. Thứ nhất là để giảm nguy cơ xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân. Thứ hai là chống khủng bố toàn cầu đều là mục tiêu hàng đầu của Mỹ và Nga hiện nay. Thứ ba, Mỹ và Nga đều cần sự giúp đỡ của nước còn lại để giải quyết một số điểm nóng toàn cầu mà mình tồn tại lợi ích.
Theo Reuters, trước cuộc điện đàm với ông Trump, Tổng thống Putin cũng đã khẳng định rằng nền hòa bình lâu dài ở Syria sẽ không thể đạt được nếu không có sự tham gia của Mỹ. Ông chủ điện Kremlin bày tỏ hy vọng hai bên có thể thống nhất biện pháp chấm dứt xung đột sáu năm ở Syria.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia Mỹ vẫn còn nhiều hoài nghi vào khả năng cải thiện quan hệ Mỹ - Nga sau cuộc điện đàm này. Động thái này có thể chỉ hạ nhiệt căng thẳng chút ít ở bề mặt chứ không giải quyết tận gốc các bất đồng. Bởi các lệnh trừng phạt Nga của Mỹ vẫn còn đó. Máy bay ném bom Nga vẫn thường “vờn” sát không phận Mỹ, mới nhất là đợt tiếp cận vùng biển bang Alaska năm ngày trước. Còn với truyền thông Nga, ông Trump vẫn được mô tả như một người bốc đồng và nguy hiểm.
Nhiều nhà phân tích Nga cũng bác bỏ khả năng sẽ có hợp tác thực chất trong vấn đề Syria. Theo ông Dmitry V. Syslov, Phó Giám đốc Trung tâm Châu Âu và Nghiên cứu quốc tế (Nga), “chướng ngại vật” hàng đầu là việc Mỹ nhất quyết đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ chức, vốn là điều khoản Nga không thể chấp nhận.
Bên cạnh đó, tính cách bốc đồng khi quyết định của ông Trump, mà điển hình là vụ nã tên lửa vào Syria vừa qua, cũng là nguyên nhân khiến Nga thiếu tin tưởng để hợp tác với Mỹ.
Trong khi đó, tờ The New York Times dẫn lời nhà phân tích chính sách chính trị hàng đầu của Nga Vladimir Frolov nhận xét về “nỗi lòng” của dư luận Nga lúc này: “Có hy vọng, thất vọng, cả thận trọng và e sợ. Họ e sợ về cách chính phủ Trump cư xử trên trường quốc tế, về sự khó lường cùng các bước đi đơn phương của Mỹ”.