Ngày 26-12, TAND Tp. Hồ Chí Minh đã xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Ngọc Quang, Giám đốc Công ty dược phẩm Việt Pháp và đồng phạm trong đường dây sản xuất thuốc tân dược giả với quy mô lớn.
Theo đó, Tòa tuyên phạt bị cáo Huỳnh Ngọc Quang 10 năm tù; Huỳnh Văn Tiên (anh ruột của Quang) 10 năm tù cùng về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Lê Thị Kiều Hoanh (vợ Tiên) 7 năm tù về cùng tội danh trên do đã có vai trò giúp sức tích cực cho Huỳnh Văn Tiên, Huỳnh Ngọc Quang tổ chức đường dây sản xuất, kinh doanh thuốc giả này.
12 bị cáo khác với vai trò đồng phạm giúp sức cho “ông trùm” Huỳnh Ngọc Quang cũng bị xét xử với các mức án: Lê Minh Bình (ngụ quận Bình Thạnh) và Nguyễn Duy Quốc (ngụ quận 11) mỗi người 7 năm tù; 5 bị cáo khác (vai trò bóc, dán nhãn thuốc) từ 5-6 năm tù; 5 người còn lại từ 1 năm 11 tháng đến 3 năm, trong đó có một bị cáo được hưởng án treo. Ngoài ra, Tòa cũng tuyên buộc Huỳnh Ngọc Quang, Huỳnh Văn Tiên phải nộp lại số tiền thu lợi bất chính từ việc sản xuất thuốc giả và phạt bổ sung mỗi bị cáo 50 triệu đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa
Tháng 3-2006, Quang thành lập Công ty Kinh doanh dược phẩm Việt Pháp nhằm che giấu việc sản xuất và buôn bán thuốc tân dược giả. Để làm thuốc tân dược giả, Quang và Tiên đi thu mua các loại thuốc rẻ tiền do các công ty dược trong nước sản xuất hoặc thuốc trôi nổi xuất xứ từ Trung Quốc rồi thuê công nhân bóc tách vỉ thuốc. Sau đó, Quang, Tiên đặt hàng cho Nguyễn Minh Thành, Lê Văn Quang (chuyên in ấn) để làm các loại vỏ hộp, mác nhãn ngoại. Quang cũng đầu tư nhiều loại máy móc dập thuốc, ép vỉ để các nhân viên đóng thuốc nội vào vỉ, hộp thuốc ngoại, đem ra thị trường bán với giá cao.
Để tránh bị phát hiện, Quang thuê nhiều nhà làm cơ sở sản xuất, kho cất thuốc khác nhau, mỗi nơi chỉ sản xuất vài loại thuốc. Tháng 3-2008, cơ sở sản xuất thuốc giả trên đường Trịnh Đình Trọng của Quang, Tiên bị cơ quan chức năng phát hiện. Trong quá trình làm việc, Tiên nhận mình là người đứng ra sản xuất thuốc giả tại cơ sở này thay cho Quang. Tuy nhiên, khi Cơ quan điều tra Công an quận Tân Phú khởi tố vụ án thì Tiên bỏ trốn.
Khi anh bỏ trốn, Quang vẫn tiếp tục phát triển tập đoàn sản xuất thuốc giả của mình bằng việc trang bị nhiều loại máy ép, máy dập mới và thuê thêm nhiều mặt bằng làm cơ sở sản xuất, “biến” thuốc nội thành thuốc ngoại đắt tiền với các nhãn hiệu Motilium-M, Sibelium, Daflon… . Tháng 1-2010, qua đơn tố giác của người dân, Cơ quan điều tra đã bắt giữ nhiều nhân viên của Quang với tang vật là nhiều thùng thuốc giả. Khi Cơ quan điều tra khởi tố vụ án thì Quang bỏ trốn, đến ngày 14-3-2011 thì bị bắt. Trong thời gian trốn lệnh truy nã, Quang vẫn tiếp tục tổ chức sản xuất thuốc tân dược giả với đường dây của Đặng Quốc Trị và các đồng phạm khác (đã được tách ra khởi tố, xử lý bằng một vụ án khác).
Theo kết quả điều tra, qua sổ sách và các nhân viên của Quang thừa nhận, số lượng thuốc giả mà đường dây của Quang sản xuất, buôn bán là rất lớn, nhưng Quang chỉ thừa nhận đã sản xuất hơn 64.000 hộp thuốc giả các loại với trị giá hơn 1 tỉ đồng, tiền lãi Quang thu được khoảng 200 triệu đồng nên Tòa chỉ xét xử căn cứ trên số lượng thuốc giả này.
Quang Trung