Văn hóa - Du lịch

"Trong Ngọc Trắng Ngà" - Sự hòa mình của nghệ thuật Đông Dương trong 100 năm

Thanh Thảo- Kim Ánh 01/01/2024 - 20:39

Triển lãm nghệ thuật độc đáo "Trong Ngọc Trắng Ngà" tại Đà Nẵng đã đánh dấu một sự kiện lịch sử nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương.

Triển lãm “Trong Ngọc Trắng Ngà” được tổ chức bởi Quỹ Phù Sa Art Foundation và dưới sự giám tuyển của nhà nghiên cứu mỹ thuật kiêm sáng lập Lân Tinh Foundation, Ace Lê… là một cuộc hội ngộ nghệ thuật, một hành trình hồi sinh nghệ thuật Đông Dương và là dịp để người thưởng ngoạn lịch sử, văn hóa của một thời kỳ đặc biệt.

Không chỉ là bức tranh tĩnh lặng mà triển lãm là một chuyến du hành ngược thời gian, đưa chúng ta đến từng giai đoạn lịch sử nghệ thuật của Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924-1945). Những tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, những gương mặt nổi bật đánh dấu cho sự phát triển của trường, họ đã làm nên lịch sử và tạo nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân, vượt khỏi thời gian và không gian.

anh-trong-ngoc-trang-nga-1.1.jpg
anh-trong-ngoc-trang-nga-1.2.jpg
Những bức tranh đầy tinh thần sáng tạo mở ra cánh cửa cho sự hình thành của nghệ thuật Đông Dương.

Triển lãm "Trong Ngọc Trắng Ngà" là một hành trình quay lại quá khứ, tái hiện từng giai đoạn lịch sử nghệ thuật của giáo viên và học viên Trường Mỹ thuật Đông Dương. Lấy cảm hứng từ tứ thơ kinh điển trong truyện Kiều, triển lãm xoay quanh hai tuyến nội dung chính là hình tượng người con gái Việt Nam và miền đất Đông Dương.

Với sự đóng góp của 35 tác phẩm của 14 danh họa, triển lãm chia thành năm cụm chính. Mỗi cụm là một chặng đường khác nhau của nghệ thuật Đông Dương. Từ nhóm dessin đến nhóm sơn dầu, từ nhóm sơn mài đến nhóm đa phương tiện, và cuối cùng là nhóm họa sỹ đã di cư sang Pháp, mỗi cụm là một tầm nhìn sâu rộng về sự đa dạng và sự phong phú của nghệ thuật Đông Dương.

2(2).jpg
3(3).jpg
Các tác phẩm tiêu biểu như “Tắm tiên” (c.1930s) của Lê Phổ hay “Gội đầu” (1940) của Trần Văn Cẩn có thể được coi như những ứng đáp dũng cảm, tiếp nối tinh thần tự do chủ nghĩa của Nguyễn Du.

Nhóm nghệ sỹ của Trường Mỹ thuật Đông Dương không chỉ là những người nghiên cứu mỹ thuật mà còn là những người định hình lịch sử. Họ đã tìm kiếm sự tự do biểu đạt trong ngôn ngữ hội họa, kết hợp kỹ thuật hàn lâm phương Tây với mỹ cảm Đông Phương học. Các tác phẩm như "Tắm tiên" và "Gội đầu" là những dấu mốc quan trọng, tiếp nối tinh thần tự do chủ nghĩa của Nguyễn Du.

anh-trong-ngoc-trang-nga-2.1.jpg
anh-trong-ngoc-trang-nga-2.2.jpg
Cụm nhóm sơn dầu, với tác phẩm của Joseph Inguimberty và Trịnh Hữu Ngọc. Mỗi bức tranh là một câu chuyện riêng, đưa người thưởng ngoạn vào thế giới phong phú của nghệ thuật sơn dầu Đông Dương.

Triển lãm "Trong Ngọc Trắng Ngà" không chỉ là một cuộc hội ngộ nghệ thuật, mà còn là chứng nhận cho sự mạnh mẽ, sáng tạo của mỹ thuật Đông Dương trong suốt 100 năm qua. Nó là nguồn động viên, là đỉnh cao của một chặng đường dài, mở ra những khả năng mới cho nghệ thuật hiện đại Việt Nam. Mỗi tác phẩm là một chương mới, viết nên câu chuyện không ngừng của nghệ thuật Việt Nam - mạnh mẽ, đa dạng và đầy triển vọng.

Triển lãm mở cửa miễn phí đến hết ngày 7/1/2024 tại Tầng 4, Nhà hàng Madame Lân - 04 Bạch Đằng, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Đây là cơ hội hiếm có để người yêu nghệ thuật khám phá và trải nghiệm sự đa dạng và sáng tạo của mỹ thuật Đông Dương.

3.2.jpg
3.1.jpg
Các tác phẩm trong cụm sơn mài là những biểu tượng của sự truyền thống và độ tinh tế.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Trong Ngọc Trắng Ngà" - Sự hòa mình của nghệ thuật Đông Dương trong 100 năm