Vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về, ở mỗi vùng quê lại rộn ràng, đầy ắp tiếng cười của người dân khi tham gia các trò chơi dân gian. Đó không chỉ là trò chơi đem lại niềm vui cho mọi người trong những ngày Xuân mà còn chứa đựng nét văn hóa đặc trưng của mỗi vùng miền và giá trị truyền thống dân tộc.
Những ngày đầu xuân, tại xã Nam Thanh - Nam Đàn (Nghệ An), lễ hội đấu vật đầu năm đã thu hút người dân và du khách đến xem. Lễ hội đấu vật diễn ra từ chiều mùng 1 Tết đến rằm tháng Giêng âm lịch.
Lễ hội đấu vật luôn thu hút người dân và du khách thập phương tới xem và cỗ vũ, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân nơi đây. Mỗi làng đều cử những trai tráng khỏe mạnh nhất, có kỹ năng tốt nhất để tham gia tranh tài tại hội vật do xã tổ chức.
Mặc dù phần thưởng mang tính tượng trưng, đôi khi chỉ là lá cờ, chiếc áo hay vài cặp bánh chưng, nhưng không vì thế mà các cuộc tranh tài trên sới vật lại kém phần sôi nổi, hấp dẫn. Đấu vật đã trở thành phong tục truyền thống quý báu mà người dân đã gìn giữ, duy trì. Đây cũng là dịp các vận động viên cọ xát, chuẩn bị hội vật Lễ hội Vua Mai.
Nét độc đáo trong lễ hội đấu vật còn là tính đoàn kết của làng xóm, mang lại niềm tự hào cho làng, lớp trai tráng quanh năm rèn luyện sức khỏe, chờ đầu xuân để lên sới đấu. Những trò chơi này, bên cạnh việc thể hiện nét đặc trưng, còn giúp người chơi rèn luyện sức khỏe, đặc biệt mang lại niềm vui, những tiếng cười trong ngày Tết.
Đô vật Bùi Hữu Lâm cho biết: “Bản thân tôi cũng tham gia lễ hội đấu vật, bản thân tôi cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi, hồ hởi khi tham gia. Tôi cũng mong muốn trong dịp Tết những năm sau, sẽ tổ chức nhiều trò chơi hơn nữa".
Là huyện thuần nông, mọi sinh hoạt văn hóa của người dân Nam Đàn (Nghệ An) đều gắn kết với nông nghiệp. Các trò chơi dân gian như: Đu quay, đấu vật, thi đấu cờ người, chọi gà, hay đua thuyền, nhảy bao bố... cũng đều xuất phát từ những tập tục văn hóa truyền thống. Vì vậy, những ngày Xuân tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện ngoài thực hiện kế hoạch tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân, thì các trò chơi dân gian là hoạt động giải trí không thể thiếu trong dịp đầu Xuân.
Trò chơi dân gian có nhiều thể loại phù hợp với sở thích nhiều lứa tuổi. Theo đó mỗi trò chơi đều có một quy luật riêng, mang những sắc thái khác nhau vừa rèn luyện thể lực, sự nhanh nhẹn, khéo léo, phát huy tinh thần đoàn kết, tôn trọng kỷ luật, vừa thể hiện tinh thần thượng võ, và cũng là chất keo gắn kết cộng đồng.
Việc đưa các trò chơi dân gian vào các lễ hội truyền thống như Lễ hội đền Vua Mai, Lễ hội đền Nhạn Tháp, xã Hồng Long… được tổ chức vào dịp đầu xuân, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách thập phương bởi sự đa dạng của các trò chơi dân gian, góp phần gắn kết cộng đồng. Đây không chỉ là dịp vui chơi, nghỉ ngơi sau những ngày tháng miệt mài đồng áng mà còn là điều kiện để nhân dân rèn luyện sức khỏe, giao lưu thắt chặt tình làng nghĩa xóm và cầu cho một năm mới sức khỏe bình an hạnh phúc.
Một mùa xuân mới đã về trên khắp mọi làng quê. Trong những đầu xuân, đến với huyện Nam Đàn, du khách sẽ được đắm mình trong không gian của lễ hội Vua Mai; chiêm ngưỡng vẻ đẹp sơn thủy hữu tình của vùng quê ven sông Lam và cùng tham gia vào các trò chơi dân gian mang đậm bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên những năm gần đây, do ảnh hưởng cuộc sống hiện đại, ở một số địa phương, việc tổ chức các trò chơi dân gian vẫn chưa được chú trọng... Thiết nghĩ, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc nói chung, trò chơi dân gian nói riêng cần được các địa phương duy trì và phát huy, nhất là trong các dịp Tết cổ truyền của dân tộc. Bởi các trò chơi dân gian có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống, góp phần giáo dục, nâng cao thể chất của người dân; giáo dục ý thức cộng động, bản sắc và truyền thống văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ.
Tết cổ truyền với việc khôi phục và tổ chức các trò chơi dân gian không đơn thuần là hoạt động giải trí mà ẩn chứa cả một nền văn hóa độc đáo, giàu bản sắc dân tộc. Việc tổ chức các trò chơi dân gian trong dịp lễ hội đầu xuân như một sự khẳng định sức mạnh trường tồn của bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngày xuân, ngày khởi đầu của năm mới, của ước vọng, được hòa mình vào không khí sôi động của các trò chơi dân gian và gửi gắm ước nguyện về một năm mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, đủ đầy, bình an, mạnh khỏe là điều mà tất cả người dân mong muốn, tạo nên nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mỗi dịp Xuân về.