Ngày 2/10, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và UNDP tổ chức Hội thảo “Phổ biến, triển khai thi hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam”. Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh chủ trì hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, ít có nghề nào trong xã hội lại nhận được nhiều sự quan tâm từ phía người dân và cộng đồng xã hội khi sử dụng dịch vụ pháp lý của Luật sư.
Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đỗ Ngọc Thịnh
Luật sư có vị trí, vai trò hết sức rộng lớn trong đời sống xã hội nhưng cũng chính vì thế trách nhiệm hết sức nặng nề. Vậy, bằng cách nào Liên đoàn Luật sư Việt Nam và đội ngũ Luật sư có thể thể hiện được đầy đủ trách nhiệm phục vụ xã hội, phụng sự công lý và có thể phát huy được những tiềm năng to lớn mà xã hội và bản chất nghề nghiệp đem lại, từ đó sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội, đồng thời xây dựng và phát triển nghề Luật sư một cách vững bền.
Yêu cầu đó đòi hỏi người mới vào nghề cũng như người hành nghề lâu năm, vài chục năm khi ứng xử đều phải giống nhau về nội dung và tinh thần đạo đức nghề nghiệp. Có như vậy, người dân mới tin vào Luật sư, nghề Luật sư. Để làm được những yêu cầu như vậy với cả đội ngũ Luật sư là việc không phải dễ và không thể nhanh chóng trong một vài năm mà có thể mất tới hàng chục năm đến cả trăm năm thì mới tạo lập được sự tin cậy của xã hội với nghề Luật sư.
Theo Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, ở Việt Nam, quy tắc đạo đức và tiêu chuẩn nghề nghiệp luật sư được quy định lần đầu tiên tại Pháp lệnh về luật sư năm 2001. Hơn 10 năm sau, tháng 7/2011, Hội đồng luật sư toàn quốc đã ban hành Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam tại Quyết định số 68/QĐ-HĐLSTQ.
Từ đó đến nay, Quy tắc này là cơ sở xây dựng các giá trị chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư; hướng dẫn hành vi ứng xử cho luật sư trong quá trình hành nghề. Năm 2019 Hội động luật sư toàn quốc chính thức ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam sửa đổi kèm theo Quyết định số 201/QĐ-HĐLSTQ.
Bộ Quy tắc có nhiều quy tắc mới, quy định rõ và cụ thể hơn về những vấn đề đạo đức, ứng xử nghề nghiệp của Luật sư Việt Nam trong quan hệ với khách hàng, đồng nghiệp, quan hệ với các cơ quan tiến hành tố tụng trong bối cảnh cải cách tư pháp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Với sự hỗ trợ của Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ (EU JULE) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP Việt Nam), Liên đoàn Luật sư Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phổ biến, quán triệt triển khai thi hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam” ban hành tháng 12/2019.
Thông qua diễn đàn quan trọng này, đại diện của Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng kỷ luật của các Đoàn Luật sư sẽ cùng nhau trao đổi, làm rõ các nội dung mới của bộ quy tắc và đặt ra các yêu cầu để triển khai việc phổ biến nội dung đến các Luật sư thành viên của đoàn Luật sư mình.
Quang cảnh hội thảo
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đề nghị các đoàn Luật sư cần phải quán triệt sâu sắc đến các Luật sư để họ hiểu rõ, đầy đủ những nội dung mới cũng như toàn bộ nội dung của Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam. Từ đó tiếp tục xây dựng các giá trị chuẩn mực của nghề Luật sư, xây dựng niềm tin vững chắc của khách hàng và cộng đồng xã hội vào đội ngũ Luật sư và nghề Luật sư.
Lịch sử phát triển nghề Luật sư trên thế giới và ở Việt Nam đều cho thấy, nền tảng căn bản nhất để xây dựng và phát triển nghề nghiệp Luật sư là phải thấm nhuần và thực hiện nghiêm túc những quy định về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả nhất.
Phát biểu tại hội thảo, đại diện UNDP tại Việt Nam, bà Sitara Syed cho rằng: “Ở bất kỳ quốc gia nào, luật sư luôn đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi pháp quyền và bảo đảm quyền tiếp cận công lý cho công dân. Việc tuân thủ Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư ở Việt Nam sẽ hỗ trợ Luật sư thực thi sứ mệnh bảo vệ quyền con người và lợi ích hợp pháp của khách hàng, bảo đảm tính độc lập tư pháp, góp phần bảo vệ công lý cho người dân. UNDP luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực tăng cường tiếp cận tư pháp và pháp quyền để đạt được mục tiêu phát triển bền vững”.
Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư quy định những chuẩn mực về đạo đức và ứng xử nghề nghiệp, là thước đo phẩm chất đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư. Mỗi luật sư phải lấy bộ quy tắc này làm khuôn mẫu cho sự ứng xử và tu dưỡng, rèn luyện để giữ gìn uy tín nghề nghiệp, thanh danh của luật sư, xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội.