Huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Trong thời gian qua, các cấp Ủy, chính quyền địa phương đã kiên trì thực hiện nhiều chính sách, giải pháp thiết thực để xóa đói, giảm nghèo, đẩy lùi các loại hủ tục lạc hậu.
Mường Lát hiện có trên 40 nghìn người, hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, gồm 6 dân tộc cùng sinh sống là: Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh. Trong những năm qua, cùng với sự chỉ đạo sát sao của cấp uỷ, chính quyền, sự đồng lòng, chung sức vươn lên của các tầng lớp Nhân dân, các phong trào thi đua trong vùng dân tộc thiểu số luôn được các cấp, các ngành quan tâm phát động sôi nổi, gắn với nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, địa phương.
Theo báo cáo của UBND huyện Mường Lát, giai đoạn 2021-2023, công tác giảm nghèo bền vững được huyện chỉ đạo thực hiện đồng bộ, kịp thời. Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (Chương trình) giảm nghèo bền vững luôn được kiện toàn kịp thời, các thành viên luôn nâng cao trách nhiệm, bám nắm các điểm chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình. Đến hết năm 2022, toàn huyện còn 4.203 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 47,71%). Ước đến ngày 31/12/2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 39,34% (giảm 8,4% so với năm 2022).
Thu nhập của hộ nghèo ngày càng tăng lên, thu nhập bình quân khu vực nông thôn vượt 1,5 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị vượt 2 triệu đồng/người/tháng.
Huyện đã tích cực thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững. Trong đó, dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững được thực hiện hiệu quả. Huyện đã hoàn thành việc triển khai 6 lớp/112 lao động; kinh phí thực hiện là 370 triệu đồng. Dự kiến đến tháng 11/2023, huyện sẽ hoàn thành việc triển khai các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tiến độ giải ngân kinh phí thực hiện các dự án thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững còn chậm; kết quả xóa đói giảm nghèo chưa thật sự bền vững, các hộ nghèo chủ yếu là thuần nông, dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Chênh lệch thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, các vùng, các dân tộc vẫn còn cao; tình trạng người nghèo, thậm chí một số cấp Ủy, chính quyền địa phương ở cơ sở vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại nhà nước và cấp trên; tình trạng lao động trong các hộ nghèo chưa qua đào tạo, trình độ học vấn còn thấp...
Ông Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Thanh Hóa, Trưởng đoàn giám sát, khẳng định: Mường Lát là huyện hết sức khó khăn của tỉnh, địa hình phức tạp, chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, dẫn đến những khó khăn trong việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và ảnh hưởng đến việc thực hiện Chương trình giảm nghèo.
Tuy nhiên, bước vào thực hiện Chương tình giảm nghèo bền vững, huyện nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 29/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “Về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Song, vấn đề đặt ra cho huyện là phương pháp và cách làm để làm sao mục đích cuối cùng là huyện phát triển nhanh, bền vững.
Bởi vậy, trên thực tế, những năm gần đây, huyện Mường Lát đã thay da đổi thịt từ diện mạo, nhất là hạ tầng giao thông, đời sống người dân, kết quả giảm nghèo đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Đạt được kết quả đó, bên cạnh việc tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước còn là sự nỗ lực cố gắng, của cả hệ thống chính trị trong huyện đã tích cực, chủ động có những cách làm bài bản, đồng bộ. Tích cực phối hợp lồng ghép công tác giảm nghèo với rất nhiều chương trình, mục tiêu khác. Cùng với đó, huyện cũng đã chủ động phối hợp, nhất là với lực lượng bộ đội biên phòng trong thực hiện công tác giảm nghèo, hướng dẫn cách làm ăn cho bà con Nhân dân.
UBND huyện cần tham mưu cho ban chỉ đạo của huyện tích cực phối hợp các cấp, ngành trong tỉnh, huyện để tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo. Cần xây dựng kế hoạch cụ thể trong từng tuần, tháng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án thành phần thuộc chương trình.
Việc nâng cao đời sống, phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người lao động cần phải làm thường xuyên, liên tục. Quan tâm phát triển hạ tầng giao thông để thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho bà con thuận lợi giao thương hàng hóa, nâng cao trình độ dân trí.
Huyện cần quan tâm phát triển các mô hình giảm nghèo, hỗ trợ sinh kế cho người dân. Các cấp, ngành trong tỉnh cũng cần quan tâm hơn nữa trong việc hỗ trợ huyện Mường Lát vươn lên thoát nghèo.
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Bình, cho biết: Trong khó khăn phải phát huy được tinh thần tự lực, tự cường của mỗi cộng đồng, dân tộc. Chỉ khi thay đổi về tư tưởng, xóa đi lối mòn trông chờ, ỷ lại thì mới phát triển bền vững và thực chất.
Chính quyền địa phương hiện đang tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và đồng bào vùng dân tộc thiểu số của huyện về nội dung, tầm quan trọng, sự cần thiết của các chương trình, nghị quyết, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tập trung thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số nhằm phát triển toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng – an ninh để vùng đồng bào dân tộc thiểu số sớm hội nhập với sự phát triển chung của cả tỉnh, cả nước.
Hạt nhân trong các phong trào là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Năm 2022, huyện có 88 người có uy tín được vinh danh. Trong đó, già làng 24 người; trưởng dòng họ 8 người; trưởng bản, khu phố 7 người; cán bộ hưu trí 5 người; chức sắc, tôn giáo 1 người; thầy mo, thầy cúng 1 người…
Họ là những người luôn đi đầu trong tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chính sách dân tộc, tôn giáo; tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh, trật tự xã hội ở địa phương.
Các đơn vị chức năng cùng với chính quyền địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện Mường Lát theo hướng phát huy thế mạnh, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, nhu cầu thị trường và thích ứng với biển đổi khí hậu, đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ.
Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng và phát triển một số sản phẩm đặc sản. Khôi phục, bảo vệ và đẩy mạnh trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái; góp phần giữ vững an ninh rừng, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn.
Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021-2025 diện tích gieo trồng hàng năm đạt trên 5.100 ha; tổng sản lượng lương thực bình quân hàng năm đạt 13.000 tấn trở lên. Tỷ lệ che phủ rừng đến hết năm 2025 giữ ở mức 77%; sản lượng khai thác gỗ đạt 1.000m3; tre, luồng, nứa, vầu đạt 300.000 cây. Đến năm 2025, tổng đàn trâu 7.000 con, đàn bò 17.100 con, đàn dê 4.200 con…