Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội nghị quán triệt triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Luật TNBTCNN) năm 2017. Đáng chú ý, Luật này có nhiều quy định mới liên quan đến quyền hạn và trách nhiệm của Tòa án.
Luật TNBTCNN năm 2017 đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 3, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018. Để tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về TNBTCNN, thi hành các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và tạo sự đồng bộ, thống nhất với các luật mới được Quốc hội ban hành, Luật đã thiết lập cơ chế pháp lý minh bạch, khả thi với quy trình, thủ tục thuận lợi để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Ngoài việc kế thừa các quy định của Luật năm 2009, Luật năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới phù hợp với định hướng, mục tiêu xây dựng Luật và điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.
Theo Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Nguyễn Văn Bốn, điểm mới quan trọng của Luật này bao gồm: bổ sung quy định về nguyên tắc bồi thường của Nhà nước; bổ sung phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong các lĩnh vực; bổ sung một số thiệt hại và lượng hóa các thiệt hại được bồi thường. Luật quy định cụ thể về cơ quan giải quyết bồi thường; sửa đổi toàn diện các quy định trình tự, thủ tục giải quyết bồi thường theo hướng rõ ràng, rút ngắn thời hạn giải quyết và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Tiếp đó, Luật đã sửa đổi toàn diện các quy định về kinh phí bồi thường và thủ tục chi trả; quy định cụ thể và tăng mức hoàn trả của người thi hành công vụ; quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công tác bồi thường nhà nước…
Đáng chú ý, Luật TNBTCNN năm 2017 đã mở rộng đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường và quy định rõ ràng hơn từng nhóm đối tượng có quyền yêu cầu bồi thường. Cụ thể: những người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường (gồm người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết. Đó còn là tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại điện theo pháp luật mà Bộ luật dân sự quy định) và những người có quyền yêu cầu bồi thường theo ủy quyền của những người đương nhiên có quyền yêu cầu bồi thường.
Đặc biệt, với tinh thần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, Luật năm 2017 đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều loại thiệt hại được bồi thường, tăng mức bồi thường thiệt hại về tinh thần…Trong đó, có những thiệt hại lần đầu được quy định như khoản tiền phạt theo thỏa thuận trong giao dịch dân sự, kinh tế do không thực hiện được các giao dịch dân sự, kinh tế; phần thiệt hại do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết; thiệt hại là chi phí khác được bồi thường…
Cục trường Cục Bồi thường Nhà nước Nguyễn Văn Bốn
Tại Hội nghị, đại biểu các bộ, ngành, địa phương đã cùng thảo luận, chia sẻ những thông tin, cách thức triển khai của cơ quan, đơn vị mình để tổ chức thi hành Luật TNBTCNN được hiệu quả. Hội nghị cũng đã được nghe các chuyên đề của TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp,… bàn về các nội dung mới của Luật TNBTCNN năm 2017 về giải quyết bồi thường của Tòa án và Kiểm sát. Việc tăng cường hoạt động giải quyết bồi thường, biện pháp bảo đảm tài chính trong hoạt động giải quyết bồi thường, thực trạng công tác cán bộ làm công tác bồi thường, công tác chuẩn bị cho việc triển khai thi hành. Những khó khăn, vướng mắc và giải pháp để thực hiện hiệu quả Luật TNBTCNN năm 2017,… Các đại biểu cũng đã tập trung phân tích những khó khăn, vướng mắc của các cơ quan, đơn vị đã, đang và sẽ gặp phải trong việc thực hiện công tác bồi thường của Nhà nước và đề xuất những giải pháp bảo đảm cho các quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 đi vào cuộc sống, được áp dụng đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc.
Đại diện TANDTC điểm lại một số nội dung mới của Luật năm 2017 về giải quyết bồi thường nhà nước tại Tòa án. Nổi bật là Luật năm 2017 đã bổ sung quyền lựa chọn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự. Theo đó, sau khi có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại giải quyết yêu cầu bồi thường hoặc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự. Căn cứ vào các quy định mới, có 5 trường hợp mà người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện tại Tòa án, 4 trường hợp mà Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người tiến hành tố tụng dân sự, tố tụng hành chính gây ra.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (VKSNDTC) Hoàng Thị Quỳnh Chi giới thiệu các trường hợp thuộc trách nhiệm bồi thường của VKSND theo Luật năm 2017. Đó là trong hoạt động tố tụng hình sự, có bổ sung trường hợp đã phê chuẩn lệnh bắt của cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra nhưng người bị bắt không có hành vi vi phạm pháp luật. Hoặc trường hợp đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can hoặc đã ra quyết định khởi tố bị can mà sau đó có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm. Theo bà Chi, VKSND có trách nhiệm tham gia vào việc giải quyết bồi thường nhà nước của các cơ quan khác trong hoạt động tố tụng, là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ án dân sự về yêu cầu bồi thường tại Tòa án…
Phía đại diện Bộ Công an đề xuất một số giải pháp triển khai có hiệu quả Luật năm 2017 trong ngành Công an. Chẳng hạn, sẽ tiếp tục và tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, tập huấn về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ giải quyết bồi thường và thực hiện nghiêm túc Luật TNBTCNN gắn với thực tiễn công tác của các lực lượng trong Công an nhân dân. Bên cạnh đó là tăng cường công tác phối kết hợp với các bộ, ngành có liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên thực tế, trước hết là giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng.
Hội nghị cũng đã quán triệt Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 25/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành kế hoạch quán triệt triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Trong đó, xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Tư pháp, các Bộ, ngành, của UBND cấp tỉnh trong việc bảo đảm các điều kiện về nguồn nhân lực, kinh phí để tổ chức triển khai thi hành Luật có hiệu quả.