Triển khai gói hỗ trợ cần gấp như “dập dịch”

Chính Tâm| 20/07/2021 22:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Không chỉ "chống dịch như chống giặc", việc triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội, cụ thể là triển khai gói hỗ trợ đến doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 hiện nay cũng quan trọng, khẩn cấp như “dập dịch” vậy.

Đất nước đã trải qua các đợt dịch COVID-19 năm 2020, năm 2021 với diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và đời sống người dân. Đặc biệt đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 khởi phát vào cuối tháng 4 đang tiếp tục hoành hành tại nhiều tỉnh, thành, khiến việc làm, đời sống thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo báo cáo về tình hình lao động việc làm quý II và 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng cục Thống kê, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch. So với quý I, dịch bệnh đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng này.

Ngoài ra, 1,8 triệu người lâm vào cảnh không có việc và 1,4 triệu lao động đang mong manh do không có việc làm một cách chính thức.

Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2021 đã có gần 60.000 doanh nghiệp trên cả nước phải đóng cửa, tạm dừng hoạt động, hoặc giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

trien-khai-ho-tro-can-gap-nhu-dap-dich.jpg
Người lao động tại Bắc Giang gặp nhiều khó khăn do sự bùng phát của dịch Covid-19. Ảnh: Song Sơn. 

Việc hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp cùng nhau vượt khó, không bỏ ai lại phía sau là chủ trương xuyên suốt bao trùm của Đảng và Nhà nước ta. Chính vì vậy, năm 2020, khi dịch bệnh mới bùng phát, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9-4-2020 với tổng mức hỗ trợ lên tới 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn 1 năm triển khai gói hỗ trợ mới chỉ giải ngân được gần 14.000 tỷ đồng, tương đương trên 22%. Đa số khoản tiền này là chi trực tiếp cho người thuộc hộ nghèo, gia đình chính sách, lao động tự do mất việc làm, hộ kinh doanh...

Gói hỗ trợ an sinh xã hội năm 2021 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ đã mở rộng độ bao phủ và tăng cường hiệu quả được cụ thể hóa bằng cách thêm các nhóm lao động được nhận hỗ trợ và giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính, đang được kỳ vọng loại bỏ được những vướng mắc, đưa nguồn lực đến đúng đối tượng, tạo điểm tựa cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.

So với gói hỗ theo Nghị quyết 42, gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68 được mở rộng cả phạm vi, hình thức và đối tượng hỗ trợ. Theo đó, 12 chính sách hỗ trợ gồm: Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng; hỗ trợ bổ sung và trẻ em; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19; hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV, hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch; hỗ trợ hộ kinh doanh; cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ đối với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác.

Một điều rất đáng lưu tâm là gói hỗ trợ lần này đã giải quyết được "điểm nghẽn" về tiêu chí và mức hỗ trợ nhóm lao động không có hợp đồng (lao động tự do) và một số nhóm đặc thù khác. Chính phủ cũng đã đưa ra mức hỗ trợ tối thiểu, phân quyền về cho địa phương tự xây dựng các mức hỗ trợ phù hợp với điều kiện thực tế của mình.

Tuy nhiên một chính sách an sinh xã hội dù có nhân văn, cởi mở, thông thoáng phù hợp với thực tiễn đến đâu cũng cần những người triển khai tâm huyết, quyết liệt để đưa nghị quyết vào cuộc sống, giúp cho người lao động, người khó khăn được thụ hưởng thực sự.

Trên thực tế, bên cạnh nhiều địa phương đã chủ động, gấp rút triển khai ngay các gói hỗ trợ, thì cũng có nơi vẫn còn khá chậm trễ. Một tuần sau khi Chính phủ ban hành hướng dẫn thủ tục, mới có 33 tỉnh thành báo cáo về kế hoạch hỗ trợ lao động theo Nghị quyết 68.

Trong khi đợt dịch thứ 4 vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp.  19 tỉnh, thành phía Nam, bao gồm cả TPHCM đã phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Chưa kể dịch bệnh vẫn đang rình rập bùng phát bất cứ lúc nào đối với các địa phương còn lại. Hà Nội-Thủ đô của đất nước cũng đã bước vào lần thứ 3 quyết định tạm ngưng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu. Có thể nói thời điểm này trong lộ trình thực hiện mục tiêu kép, dù rất nôn nóng đẩy mạnh khôi phục kinh tế thì nhiều địa phương vẫn buộc lòng ưu tiên cho công tác phòng chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân. Nhiều nơi đã phải giãn cách, cách ly, tạm dừng hoạt động kinh doanh, dịch vụ, nhiều người làm tự do phải nghỉ việc hoàn toàn.

Đằng sau những quyết định khó khăn này, là cơm áo gạo tiền, là tính mạng của người dân không bị cướp đi, nhưng đời sống của hàng triệu nhân viên, công nhân không thể không bị ảnh hưởng, là bữa cơm manh áo của hàng ngàn lao động tự do không còn.

Trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 “không bỏ lại ai phía sau”, chúng ta phấn đấu không để ai bị nhiễm bệnh, không để ai không được sử dụng vaccine, không để ai không được điều trị… Tất cả nhằm ngăn chặn sự tấn công của một loại virus hiện hữu. Nhưng chúng ta cũng không được phép quên sự nghèo đói, tụt hậu, thậm chí là đói khát do thiếu cái ăn, cái mặc. Đó cũng là một thứ virus hữu hình chúng ta cần chống lại. Và khi còn có người bị “virus đói nghèo” tấn công, về khía cạnh nào đấy là một bộ phận đồng bào ta đang bị tụt lại phía sau.

Vì lẽ đó, không chỉ coi chống dịch như chống giặc, việc triển khai thực hiện chính sách an sinh xã hội, cụ thể là triển khai gói hỗ trợ đến doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 hiện nay cũng quan trọng, khẩn cấp như “dập dịch” vậy.

Triển khai thực hiện cần tiến hành đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận liên quan, gắn trách nhiệm cụ thể. Trên đã "rất nóng" rồi, các địa phương không thể cứ thụ động chờ chính sách cầm tay chỉ việc nữa. Đặc biệt, trong các đối tượng được nhận gói hỗ trợ thì những người nghèo mà phần lớn là người lao động tự do, là đối tượng yếu thế dễ bị tổn thương lớn nhất trong đợt dịch này sẽ tăng lên rất nhiều. Để tiếp cận đậy đủ, hỗ trợ kịp thời vai trò của các cấp chính quyền địa phương là rất quan trọng. Địa phương cần chủ động, quyết liệt vào cuộc, sâu sát, xử lý linh hoạt nhất có thể để không ai phải vì thiếu mà bất chấp bệnh dịch phải kiếm sống.

Những người triển khai chính sách an sinh xã hội phải luôn tâm niệm người dân đang rất mong chờ, ngóng từng ngày gói hỗ trợ này. Chậm triển khai hỗ trợ là có lỗi với dân, địa phương nào để tiêu cực, dẫn đến trục lợi là có tội với dân.

Hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp trong thời kỳ đại dịch là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Chính phủ, góp phần nâng cao niềm tin trong nhân dân, qua đó thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Một gói hỗ trợ được triển khai thần tốc, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong giai đoạn ngặt nghèo này sẽ là nguồn trợ lực thiết thực về vật chất và cổ vũ tinh thần lớn cho toàn dân ta trong cuộc chiến chống COVID-19.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Triển khai gói hỗ trợ cần gấp như “dập dịch”