Đời sống

Trí tuệ nhân tạo và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn

Mai Đỉnh 18/03/2023 15:52

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc năm 2023, sáng 18/3, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức hội thảo 'Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn'.

Diễn đàn là nơi để các chuyên gia, nhà báo, lãnh đạo các cơ quan báo chí cùng nhận diện các xu hướng trên thế giới, thảo luận về những câu hỏi hóc búa mà trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra, từ đó có những giải pháp nhằm định hướng sáng tạo nội dung cho từng nhà báo và ở mỗi cơ quan báo chí hiện nay.

hoi-thao-ai.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Chủ trì hội thảo có: Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; TS Tạ Bích Loan, Trưởng Ban sản xuất các chương trình giải trí (VTV3); PGS-TS Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam.

Chia sẻ trong hội thảo, ông Lê Quốc Minh nhận định chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Trước bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Việc đối diện với sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí - truyền thông đang dần quá tải nếu vẫn duy trì cách truyền thống.

Theo ông Lê Quốc Minh, để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng AI, Chat GPT, để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm cho người dùng về nội dung và cả hình thức theo hướng thông minh hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng AI, đặc biệt là ChatGPT hiện nay đã và đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và nhà quản lý báo chí.

Cơ hội của việc sử dụng AI, ChatGPT trong báo chí là để tạo ra những nội dung văn bản phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng. Ngoài ra, ChatGPT giúp tăng tương tác với độc giả, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi và giải đáp thắc mắc của khách hàng; thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng AI và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí phù hợp.

Trên thực tế, ChatGPT và AI áp dụng trong báo chí không chỉ giới hạn trong việc viết bài hay biên tập nội dung, mà có thể sử dụng nhằm nắm bắt hành vi người dùng, từ đó có thể đưa ra các nội dung phù hợp với bạn đọc. Điều này không chỉ giúp độc giả được tiếp cận với nhiều nội dung hơn, mà còn giữ chân họ ở tại tờ báo được lâu hơn. Con đường mà báo chí phải đi là đồng hành cùng công nghệ, ông Lê Quốc Minh khẳng định.

Song, bên cạnh cơ hội, việc sử dụng AI cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả, thách thức lớn từ góc nhìn pháp lý, an ninh truyền thống, từ góc nhìn văn hóa và đạo đức nghề nghiệp. Sử dụng ứng dụng AI cũng đang tiềm ẩn việc có thể thay thế một số công việc của nhân lực, gây ra mất việc làm cho một số nhân viên.

Chia sẻ về ứng dụng ChatGPT trong hoạt động của một tòa soạn báo, Phó Tổng Biên tập Vietnamplus Nguyễn Hoàng Nhật cho rằng, công cụ này rất thích hợp để trở thành trợ lý biên tập viên. Theo đó, ChatGPT có thể phát huy tác dụng trong các hoạt động tiền xử lý như lên ý tưởng và thực hiện nghiên cứu ban đầu cho một chủ đề; đồng thời tiến hành xử lý hậu kỳ như tạo bài đăng cho mạng xã hội, tóm tắt và tối ưu hóa một chủ đề. Với khoảng thời gian được tiết kiệm này, phóng viên, biên tập viên có thể sử dụng để nghiên cứu các tin bài sâu hơn, mang lại nội dung chất lượng hơn.

Không chỉ vậy, ChatGPT còn có ứng dụng rất mạnh trong khâu cá nhân hóa nội dung. Nó cho phép các tòa soạn cung cấp nội dung có liên quan sâu sắc đến đối tượng bạn đọc, giúp cải thiện mức độ hài lòng và sự trung thành của người đọc. Do đó, nhiệm vụ của các tòa soạn là sử dụng AI để phân tích dữ liệu khổng lồ về hành vi, sở thích, mối quan tâm của độc giả.

Về phía cơ quan quản lý báo chí, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, quan điểm của Bộ là rất ủng hộ việc ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt là AI trong hoạt động báo chí. Chính sự xuất hiện của AI hay ChatGPT đã cho thấy báo chí hiện đang rất phí sức trong khâu tác nghiệp hàng ngày. 

Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam Đỗ Thị Thu Hằng cho rằng, các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng xét đến cùng, đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình nhằm tạo ra tác phẩm, sản phẩm báo chí theo nguyên tắc của nghề nghiệp. Không thể coi đây là sự thay thế cho lực lượng phóng viên tác nghiệp thực tế.

Theo bà Đỗ Thị Thu Hằng, khác với con người, AI không có nhạy cảm chính trị, không có lý tưởng, không có tính nhân văn, hoàn toàn không có trách nhiệm xã hội và đạo đức báo chí. Do đó, để làm chủ và sử dụng được công cụ số nói chung và các phần mềm ứng dụng AI nói riêng, mỗi nhà báo Việt Nam càng phải trau dồi năng lực và phẩm chất của một nhà báo cách mạng, học hỏi, thảo luận để có thể làm chủ công nghệ, chứ không để công nghệ dẫn dắt và làm chủ chúng ta. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trí tuệ nhân tạo và quản trị sáng tạo nội dung trong tòa soạn