Ngoài tác dụng vốn có của vitamin D như tăng cường khả năng miễn dịch, giữ cho xương chắc khỏe, phòng chống lại các căn bệnh ung thư, vitamin D còn có tác dụng giúp trì hoãn tiến trình phát triển của bệnh đối với bệnh nhân nhiễm HIV.
Tác dụng của vitamin D
Khác với những loại vitamin khác, vitamin D là loại vitamin mà cơ thể có thể tự tổng hợp được ở điều kiện bình thường, nhờ da, dưới tác dụng của ánh nắng mặt trời. Theo nghiên cứu, mỗi ngày, chỉ cần phơi nắng khoảng 10 phút vào buổi sáng là cơ thể sẽ tự tổng hợp được đủ vitamin D dùng cho cả ngày.
Vitamin D có vai trò trung gian trong quá trình tổng hợp canxi máu. Nó làm tăng canxi máu, tăng photpho máu, tăng thải canxi niệu. Vitamin D giúp cơ thể hấp thu canxi và photpho trong thức ăn. Nếu thiếu vitamin D, khả năng hấp thu kém, dẫn tới lượng canxi và photpho trong máu sẽ giảm. Điều này gây ra hiện tượng còi xương đối với trẻ em và loãng xương hoặc nhuyễn xương đối với người lớn, nhất là đối với phụ nữ thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh.
Ngoài ra, vitamin D còn có vai trò quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch.
Vitamin D có khả năng làm tăng khả năng phục hồi miễn dịch cho người nhiễm HIV
Khả năng trì hoãn quá trình tiến triển bệnh của vitamin D
Ông Amara Ezeamama, một nhà nghiên cứu và là trợ lý giáo sư tại trường Đại học Georgia, Mỹ cho biết, khả năng miễn dịch của cơ thể bị virus HIV tiêu diệt, dẫn tới các bệnh lý nhiễm khuẩn gây tử vong tương đối sớm nếu không được điều trị. Vì thế, liệu pháp kháng virus - tên của các loại thuốc điều trị HIV, phụ thuộc nhiều vào khả năng phục hồi chức năng miễn dịch của người bệnh.
“Mục tiêu của nghiên cứu này là tìm hiểu xem việc thiếu hụt vitamin D có làm giảm khả năng phục hồi hệ miễn dịch ở người đang điều trị HIV hay không?”, ông nói.
Khi có HIV, hệ thống miễn dịch của người bệnh sẽ yếu hơn, dẫn tới không đủ khả năng bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh, dịch bệnh phổ biến.
HIV tấn công tế bào CD4 +T, một loại tế bào miễn dịch quan trọng của cơ thể. Đây là một tế bào màu trắng, giúp cho hệ thống miễn dịch chống lại tác nhân gây bệnh.
Điều trị kháng virus (ARV) nhằm mục đích kiểm soát HIV và phục hồi chức năng miễn dịch. Nếu không điều trị, virus HIV tiếp tục tấn công và tiêu diệt các tế bào CD4 trong hệ thống miễn dịch và tiếp tục nhân rộng virus HIV, khiến virus này lan nhanh khắp cơ thể.
Chỉ số cho biết hệ miễn dịch của người bệnh hoạt động ở mức độ nào và các nhân tố dự báo sự tiến triển HIV phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4+T.
Đối với những người trưởng thành khỏe mạnh, không nhiễm HIV thường có từ 500 tế bào/mm3 đến 1.200 tế bào/mm3 . Nếu lượng tế bào CD4 thấp (dưới 200 tế bào/mm3) đối với người nhiễm HIV, thì bệnh có thể tiến triển thành AIDS.
Tuy nhiên, hiệu quả của việc điều trị ARV ở người lớn có thể bị cản trở bởi sự thiếu hụt vitamin D.
Virus HIV tấn công và tiêu diệt các tế bào CD4 trong hệ thống miễn dịch
Từ đó, ông Ezeamama đã tiến hành một nghiên cứu kéo dài 18 tháng dựa trên 398 người nhiễm HIV. Những bệnh nhân này sẽ được theo dõi và đo khả năng miễn dịch tại các mốc thời gian 0, 3, 6, 12 và 18 tháng.
Qua đó, nghiên cứu cho thấy, vitamin D giúp các tế bào CD4+T phục hồi nhanh hơn. Kết quả cũng cho thấy, đối với 398 người tham gia nếu cung cấp đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể sẽ có hệ miễn dịch bình phục nhanh hơn so với những người thiếu hụt vitamin D.
Tuy nhiên, ông Ezeamama cho biết thêm, với lượng vitamin D khác nhau, những bệnh nhân nhiễm HIV cũng có mức độ phục hồi khác nhau. “Ở đây tồn tại mối quan hệ giữa hàm lượng vitamin D trong cơ thể và các tế CD4 + T”, ông nói.
Bên cạnh đó, nghiên cứu còn chỉ ra rằng, vitamin D có thể tăng tốc độ phục hồi miễn dịch trong điều trị HAART, một phác đồ điều trị tích cực nhằm ngăn chặn sự lan rộng virus HIV và sự tiến triển bệnh HIV.
Ông Ezeamama tin rằng, với nghiên cứu mới này, những người có HIV sẽ được kéo dài sự sống nhờ việc trì hoãn quá trình tiến triển của bệnh.
Ngoài ra, một nghiên cứu từ châu Phi trước đó cho thấy, việc bổ sung vitamin tổng hợp và selen cũng có thể làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, trong ít nhất 2 năm.
Theo Tiến sĩ Jared Baeten, Phó Giáo sư y tế toàn cầu tại Đại học Washington ở Seattle (Mỹ), không phải tất cả những người nhiễm HIV đều sẵn sàng áp dụng phương pháp điều trị kháng virus. Việc điều trị phối hợp bằng vitamin tổng hợp và khoáng chất sẽ giúp các nước thu nhập thấp kiểm soát HIV tốt hơn.
Qua nghiên cứu, những bệnh nhân được bổ sung vitamin B,C và E phối hợp với khoáng chất selenium hoặc một loại giả dược cũng có khả năng tăng cường miễn nhiễm. Việc bổ sung này không gây tác dụng phụ.
Vì thế, những người có HIV được khuyến cáo nên bắt đầu thói quen bổ sung vitamin và các khoáng chất để kìm hãm sự tiến triển của bệnh, đặc biệt là vitamin D. Việc kết hợp sử dụng vitamin cần kết hợp đồng bộ và nhịp nhàng, song song với phương pháp điều trị với thuốc kháng virus.