Thống kê của Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho thấy béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội.
Con số báo động
GS. TS Lê Thị Hợp - Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội.
Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TP.HCM đã gia tăng gấp 3 lần trong hơn 10 năm qua, từ 3,7% (năm 2000) lên 11,5% (năm 2013) và tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh phổ thông tại TP.HCM tăng gấp đôi, từ 11,6% (năm 2002) lên 21,9% (năm 2009).
Bệnh béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên đã nổi lên như một đại dịch toàn cầu. Ảnh minh họa
Đến giai đoạn 2014-2015, con số này tại nội thành TP.HCM tăng lên trên 50%, nội thành Hà Nội tăng lên 41%, trong khi mục tiêu chung trong chiến lược dinh dưỡng của Việt Nam đến 2020 là giảm tỉ lệ béo phì ở trẻ em xuống dưới 10%.
Hậu quả của trẻ em thừa cân béo phì là nguy cơ cao mắc các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường tuýp 2 do không dung nạp được glucose, tim mạch, tăng huyết áp… Xét nghiệm trong 500 trẻ béo phì cho thấy, tỉ lệ rối loạn mỡ máu lên tới 35-50%.
Cảnh báo từ chuyên gia
Theo phân tích của bà Phí Mai Chi - Chuyên gia về Quyền trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì nhiều chiêu thức đã được doanh nghiệp dùng để quảng cáo, lôi cuốn trẻ em và bố mẹ thực hiện việc tiêu dùng sản phẩm của họ, như: Hù dọa cha mẹ về nguy cơ mắc bệnh, gây sốc, tò mò, để thúc đẩy hành vi mua sản phẩm; Lôi kéo trẻ em bằng các trò chơi trúng thưởng, hứa hẹn với khách hàng quá mức; cường điệu các điểm tích cực và che giấu các điểm tiêu cực; che giấu bớt thông tin khiến quyết định mua hàng của bố mẹ và trẻ em không chuẩn… Việc tiêu dùng không phù hợp này sẽ dẫn đến hậu quả trẻ em bị béo phì, dậy thì sớm, tiểu đường, bệnh tiêu hóa, tim mạch…
TS Từ Ngữ - Tổng Thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam cảnh báo, tình trạng trẻ em bị béo phì gia tăng với cấp độ phi mã do bữa ăn gia đình bị phá vỡ và trẻ thiếu vận động. Trẻ con ngày nay ăn quá nhiều thức ăn nhanh. Khẩu phần ăn ở trường học với trẻ thừa cân, béo phì và suy dinh dưỡng đều giống nhau dẫn đến "trẻ thừa cân vẫn thừa, trẻ thiếu cân vẫn thiếu".
Đặc biệt, có 2 điểm mấu chốt ăn sâu trong suy nghĩ của cha mẹ là: Con tôi béo là khỏe, hai nữa là văn hóa ăn... Ở một số gia đình thay vì quan tâm tới chiều cao của con thì hiện nay các ông bố bà mẹ thường chỉ quan tâm tới cân nặng. Ông bà, bố mẹ thích trẻ bụ bẫm, chính điều này là nguyên nhân gia tăng tỉ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ.
TS Ngữ cho rằng, việc ăn hôm nay không phải ngày hôm nay hoặc ngày mai đã biết hậu quả mà có khi phải hàng chục năm sau mới biết rõ hậu quả, tác động của nó đến sức khỏe. Theo TS Từ Ngữ, chìa khóa quan trọng là phải hoạt động. Vì vậy, ngoài chế độ ăn uống thì việc luyện tập thể thao sẽ giúp cho chúng ta có một cơ thể đạt khối lượng tiêu chuẩn, không gầy cũng không béo.
Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo các bậc phụ huynh cần xây dựng chế độ ăn lành mạnh cho trẻ. Ăn đủ số bữa, ăn đa dạng thực phẩm, nhiều rau xanh, trái cây. Đặc biệt cần tăng cường hoạt động thể lực trong trường học, thiết kế những trò chơi vận động và trang bị các dụng cụ thể dục thể thao cho các trường học.
Khi trẻ về nhà, thay vì cho con bật ti vi, ipad, hãy cho trẻ xuống sân chơi, vận động cùng trẻ để phòng ngừa nguy cơ này.
Tại Việt Nam, chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 sẽ triển khai các giải pháp can thiệp đặc thù cho các vùng miền và các nhóm đối tượng cụ thể, trong đó chú trọng đến vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em để góp phần nâng cao tầm vóc của người Việt Nam, đồng thời kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì để hạn chế sự gia tăng các bệnh mạn tính không lây liên quan đến dinh dưỡng. Mục tiêu đến năm 2020 của Chiến lược sẽ cải thiện được bữa ăn của người dân ở tất cả các vùng, miền đủ về số lượng và cân đối về chất lượng. |