Ths.BS Nguyễn Thị Lan Phương – Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trong những năm gần đây, bệnh béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên đã nổi lên như một đại dịch toàn cầu và là vấn đề sức khỏe tại các nước đang phát triển.
Con số báo động
Thực tế trẻ thừa cân béo phì là xu hướng đáng lo ngại ở nhiều nước trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, xu hướng này tăng rất nhanh. Trong khi đó, tỷ lệ suy dinh dưỡng đã được khống chế và giảm nhiều thì cho đến nay chưa có châu lục hay quốc gia nào thành công trong việc ngăn chặn sự tăng lên của tỷ lệ thừa cân, béo phì.
BS Phương cho biết, theo thống kê, thừa cân, béo phì từ trẻ em tuổi tiền học đường và học đường đến tuổi trưởng thành đang gia tăng ở Việt Nam, đặc biệt ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội.
Tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi ở TP.HCM đã gia tăng gấp 3 lần trong hơn 10 năm qua, từ 3,7% (năm 2000) lên 11,5% (năm 2013) và tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh phổ thông tại TP.HCM tăng gấp đôi, từ 11,6% (năm 2002) lên 21,9% (năm 2009).
Nhiều chuyên gia tỏ ra cực kì lo ngại trước tình trạng trẻ em béo phì
Béo phì ở trẻ em lứa tuổi học đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe khi trưởng thành. Đối với trẻ em, lứa tuổi học đường, ăn uống không chỉ tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng và sức khỏe mà còn gián tiếp tác động đến khả năng tiếp thu và thành tích học tập của trẻ.
Nguyên nhân do đâu?
Theo các chuyên gia, nguyên nhân căn bản của thừa cân, béo phì là tình trạng mất cân bằng năng lượng giữa mức calo nạp vào cơ thể và lượng calo cơ thể sử dụng. Xu hướng trẻ em thừa cân, béo phì tăng hiện nay chủ yếu do tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu năng lượng như đồ ăn nhanh, nước ngọt có ga; cùng với lối sống ít hoạt động thể lực, lười vận động.
TS Lưu Thị Mỹ Thục - Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Trung ương nêu thực tế, 30% bà mẹ có con béo phì vẫn muốn con tăng cân nữa bởi lý do sợ con ốm, mọi người sẽ chê cười. Đồng thời nhấn mạnh thừa cân, béo phì đem lại những hậu quả nghiêm trọng cho sức khoẻ nhưng người Việt Nam vẫn chưa quan tâm nhiều đến nguy cơ từ căn bệnh này.
Cũng theo phân tích của Bà Phí Mai Chi - Chuyên gia về Quyền trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì nhiều chiêu thức đã được doanh nghiệp dùng để quảng cáo, lôi cuốn trẻ em và bố mẹ thực hiện việc tiêu dùng sản phẩm của họ, như: Hù dọa cha mẹ về nguy cơ mắc bệnh, gây sốc, tò mò, để thúc đẩy hành vi mua sản phẩm; Lôi kéo trẻ em bằng các trò chơi trúng thưởng, hứa hẹn với khách hàng quá mức; cường điệu các điểm tích cực và che giấu các điểm tiêu cực; che giấu bớt thông tin khiến quyết định mua hàng của bố mẹ và trẻ em không chuẩn… Việc tiêu dùng không phù hợp này sẽ dẫn đến hậu quả trẻ em bị béo phì, dậy thì sớm, tiểu đường, bệnh tiêu hóa, tim mạch…
Theo TS Lưu Thị Mỹ Thục, một trong những biện pháp tốt để kiểm soát cân nặng là thay đổi lối sống, hành vi. Đó là tăng hoạt động thể lực (thời gian hoạt động ở mức trung bình ít nhất 60 phút/ngày); giảm thời gian tĩnh tại. Trẻ dưới hai tuổi không xem tivi; trẻ lớn hơn thì chỉ được xem tivi dưới 2 giờ/ngày hoặc dưới 14 giờ/tuần. Thay đổi hành vi: khuyến khích việc tự kiểm soát, tự đặt mục tiêu, ngủ: 0-5 tuổi (ngủ đủ 11 giờ/ngày), 5-10 tuổi (10 giờ/ngày), trên 10 tuổi (ngủ đủ 9 giờ/ngày)… Trẻ béo phì không nên bỏ bữa sáng. Nghiên cứu cho thấy bỏ bữa sáng có thể là nguy cơ tăng tích lũy mỡ đặc biệt ở thanh thiếu niên. Để kiểm soát cân nặng nên hạn chế các bữa ăn phụ nhiều năng lượng và chất béo như: kem, khoai tây chiên, kẹo, ngũ cốc ăn sáng, bắp rang bơ, bánh, nước ngọt công nghiệp, TS Thục lưu ý. |