Báo Công lý đã có bài: “Quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội” của tác giả Võ Thanh Bình (TAND huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn).
Qua nghiên cứu bài viết và căn cứ vào các quy định tại Phần chung của BLHS (Điều 8, Điều 12, Điều 17, Điều 18, Điều 45, Điều 46, Điều 47, Điều 52, Điều 74 BLHS, về các giai đoạn thực hiện tội phạm…) và quy định tại Phần các tội phạm, nghiên cứu hướng dẫn tại mục 11 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 về quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội, chúng tôi cho rằng: Cả hai quan điểm nêu trong bài viết trên đều chưa thể hiện đúng và đầy đủ việc nhận thức và áp dụng các quy định của pháp luật hình sự về quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội nói chung.
Để việc quyết định hình phạt đối với các trường hợp người chưa thành niên phạm tội được đúng các quy định của pháp luật hình sự, chúng ta phải xét đến các căn cứ pháp lý chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, đối với các tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, BLHS đã phân chia các giai đoạn thực hiện tội phạm sau: Chuẩn bị phạm tội; phạm tội chưa đạt (gồm hai trường hợp: Phạm tội chưa đạt về hậu quả và chưa hoàn thành về hành vi và: Phạm tội chưa đạt về hậu quả nhưng đã hoàn thành về hành vi); tội phạm hoàn thành; tội phạm kết thúc (giai đoạn này có thể trùng hoặc không trùng với thời điểm xác định tội phạm hoàn thành). Việc phân chia các giai đoạn thực hiện tội phạm làm cơ sở xác định tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội hay không, lỗi, tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội và hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, có xuất hiện đồng phạm hay không, để định tội, định khung, áp dụng hình phạt…
Thứ hai, các loại và mức chế tài của từng khoản được quy định trong từng điều luật thuộc “Phần các tội phạm” của BLHS được các nhà làm luật quy định đều thuộc trường hợp tội phạm hoàn thành và được áp dụng đối với người phạm tội là người đã thành niên.
Một phiên tòa xét xử bị cáo là người chưa thành niên
Còn đối với áp dụng hình phạt thuộc giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt, nếu người phạm tội đã thành niên thì việc quyết định hình phạt còn phải tuân theo Điều 17 và Điều 52 (đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội) hoặc Điều 18 và Điều 52 BLHS (đối với trường hợp phạm tội chưa đạt). Do vậy, khi quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên (từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) thì Tòa án còn phải căn cứ vào Điều 12 và quy định cụ thể tại Điều 74 BLHS nữa.
Thứ ba, Điều 45 BLHS đã quy định cụ thể về các căn cứ quyết định hình phạt. Theo điều luật này, khi Tòa án quyết định hình phạt trong từng trường hợp cụ thể (đối với người đã thành niên phạm tội; đối với người chưa thành niên phạm tội) thì yếu tố cơ bản nhất và tiên quyết nhất là phải căn cứ vào các quy định của BLHS (hiểu theo nghĩa rộng là gồm tất cả các quy định tại Phần chung có liên quan, Phần các tội phạm và tất cả các văn bản pháp luật hướng dẫn liên quan của cơ quan có thẩm quyền) trong từng trường hợp cụ thể.
Thứ tư, cần nhận thức rằng, trường hợp người chưa thành niên (từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi) phạm tội, nếu hành vi phạm tội thuộc giai đoạn tội phạm hoàn thành, mà bị Tòa án áp dụng hình phạt tù có thời hạn thì khi Tòa án áp dụng Điều 47 BLHS và khoản 2 Điều 74, mức hình phạt thấp nhất cũng phải bằng ½ mức khởi điểm của khung hình phạt liền kề. Còn nếu Tòa án không áp dụng Điều 47 BLHS thì mức hình phạt cao nhất cũng chỉ bằng ½ mức hình phạt của khung bị xét xử và quyết định hình phạt. Từ đó, trường hợp người chưa thành niên (từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi) phạm tội, nếu thuộc giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt, thì khi quyết định hình phạt đối với họ, Tòa án còn phải áp dụng cả Điều 17 và các quy định cụ thể tại Điều 52 BLHS hoặc Điều 18 và các quy định cụ thể tại Điều 52 BLHS nữa.
Và do vậy, người chưa thành niên (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) phạm tội, nếu thuộc giai đoạn tội phạm hoàn thành, mà bị Tòa án áp dụng hình phạt tù có thời hạn, thì khi Tòa án áp dụng Điều 47 BLHS và khoản 1 Điều 74, mức hình phạt thấp nhất cũng phải bằng 3/4 mức khởi điểm của khung hình phạt liền kề. Còn nếu Tòa án không áp dụng Điều 47, thì mức hình phạt cao nhất cũng phải bằng ¾ mức hình phạt của khung bị xét xử và quyết định hình phạt. Từ đó, trường hợp người chưa thành niên (từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi) phạm tội, nếu thuộc giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt, thì khi quyết định hình phạt đối với họ, Tòa án còn phải áp dụng cả Điều 17 và các quy định cụ thể tại Điều 52 BLHS hoặc Điều 18 và các quy định cụ thể tại Điều 52 BLHS nữa.
Trong thực tế, nhận thức về các quy định của pháp luật hình sự về áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trong nhiều trường hợp cụ thể, dù còn có nhiều ý kiến khác nhau nhưng nếu nghiên cứu một cách tổng thể, thì BLHS và các văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan của cơ quan có thẩm quyền đã quy định cụ thể và đầy đủ về vấn đề này. Đây được coi là công thức chung trong việc nhận thức, tuân thủ, thực hiện và áp dụng thống nhất pháp luật.