Việc bố trí phong quân hàm Thiếu tướng cần xây dựng các tiêu chí, quy định số lượng cụ thể, tránh việc tăng số lượng cấp Tướng so với quy định cũ, ĐBQH, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nêu.
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV chiều 7/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) và dự án Luật Chăn nuôi.
“Đừng để người dân sợ công an"
Thảo luận về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) tại phiên họp tổ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc góp ý Công an phải công khai minh bạch tốt hơn, sát dân, sát cơ sở để phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây là nguyên tắc rất quan trọng.
“Đừng để người dân sợ công an. Không có công an một ngày thì rất nguy cấp nhưng họ cũng rất e ngại”, Thủ tướng lưu ý công an phải sửa phong cách, cách làm đúng luật để làm sao công an nhân dân sát dân hơn, gần dân hơn.
Cũng theo Thủ tướng, vừa qua, lực lượng này đã cố gắng nhưng an toàn của người dân trên một số lĩnh vực còn bất cập: xâm hại trẻ em, tai nạn giao thông… Đây là trách nhiệm của cấp ủy chính quyền và lực lượng Công an. Các cấp ủy chính quyền địa phương cần quan tâm hơn trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân, để không có bất ngờ xảy ra trong điều kiện hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh.
Vì vậy, Thủ tướng đề nghị thiết kế luật này theo hướng xây dựng lực lượng công an nhân dân đáp ứng nhiệm vụ, đảm bảo xã hội an toàn hơn.
Về lực lượng Công an cấp xã, thị trấn Thủ tướng cho rằng, hiện có hơn 11.000 người, nếu hiện đại hóa hết lực lượng này sẽ không đủ nguồn lực, vì vậy cần chọn lọc những xã, phường khó khăn để thực hiện. Đồng thời, cơ cấu lại lực lượng này. Việc này không thể thực hiện ngay nhưng cần có lộ trình cụ thể thực hiện.
Cũng thảo luận tại tổ, Thượng tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, nhiệm vụ của lực lượng Công an so với 10 năm trước đây nặng nề hơn rất nhiều. Tội phạm phức tạp, số lượng tội quy định trong Bộ luật Hình sự cũng tăng lên; xuất hiện nhiều loại tội phạm mới và quá trình điều tra, xử lý của lực lượng Công an cũng đòi hỏi nhiều quy định hơn…
Ông Tô Lâm cho rằng, xã hội phát triển nhưng tội phạm không giảm đi, do đó pháp luật phải điều chỉnh để ngăn ngừa, đấu tranh. Chúng ta phải đối mặt với vấn đề an ninh phi truyền thống, tội phạm không còn trong phạm vi một quốc gia mà tính quốc tế lớn, như tội phạm khủng bố, buôn bán ma tuý, buôn bán động vật hoang giã xuyên quốc gia... mà không phải đơn giản một quốc gia có thể xử lý được.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trên lĩnh vực bảo vệ trật tự an toàn xã hội cũng có nhiều cái khác. Chúng ta hay nói chủ yếu là đấu tranh chống tội phạm, nhưng thực ra có nhiều việc khác cần phải làm, như hướng dẫn chấp hành pháp luật, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật. Ví dụ luật giao thông tình trạng vi phạm rất rõ, ngược chiều vẫn di không ai phản ứng gì, vượt đèn đỏ, đua xe còn được cổ vũ…
Thượng tướng Tô Lâm nhấn mạnh, việc quan tâm đến số lượng vụ án, khám phá nhanh các vụ án cũng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải giảm được số lượng vụ án, không để xảy ra vụ án. “Mục tiêu ấy rất khó khăn, nhưng quan điểm của chúng tôi là xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương để đảm bảo cho người dân được thụ hưởng một xã hội an toàn”, ông Tô Lâm nói.
Từ tình hình trên, việc sửa đổi Luật CAND không nhằm mục đích gì khác ngoài việc tổ chức lại bộ máy của lực lượng Công an và sửa đổi chế độ chính sách để lực lượng Công an các cấp có thể hoàn thành nhiệm vụ nặng nề đó.
“Vừa qua Nghị quyết Trung ương nêu rõ, là sự chuyển biến quan trọng trong bộ máy tổ chức của lực lượng Công an. Khẩu hiệu của chúng tôi là “Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở”, bám cơ sở tức là bám vào dân” – Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Tránh việc tăng số lượng cấp Tướng
Cho ý kiến về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi) tại tổ, nhiều đại biểu cũng thể hiện sự quan tâm đối với quy định về chính quy Công an cấp xã.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho rằng cần tính toán cụ thể, nếu thực hiện tốn kém bao nhiêu, lực lượng lấy ở đâu, tổ chức bộ máy thế nào? Đại biểu ủng hộ chủ trương chính quy Công an xã nhưng cho rằng báo cáo đánh giá tác động còn sơ sài.
Đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Hưng Yên, Quảng Ninh thảo luận ở tổ
Đối với quy định về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Công Hồng khẳng định khi bàn Luật Công an nhân dân năm 2014 và Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã thống nhất cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương đương với Chỉ huy cơ quan Quân sự cấp tỉnh. Vì vậy, việc sửa đổi Luật, tăng cấp bậc hàm Giám đốc Công an tỉnh, Thành phố cần được tính toán kỹ, tránh "vênh," "so bì" không cần thiết giữa Công an nhân dân với Quân đội nhân dân ở địa phương.
"Tôi nhất trí tất Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng để bảo đảm công bằng. Trong điều kiện không được, nên giữ như hiện hành để bảo đảm hài hòa giữa quân đội với công an," đại biểu nêu rõ.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng băn khoăn về việc dự án Luật bổ sung quy định Cục đặc biệt, đại biểu nhận xét Cục đặc biệt này ở trên Tổng cục, dưới Bộ Công an hay ngang Bộ. Chức năng, vị trí, vai trò của Cục đặc biệt thế nào, trong Luật chưa quy định rõ.
Tán thành với ý kiến của đại biểu Nguyễn Công Hồng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính (Quảng Ninh), đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá, phân tích kỹ tác động đối với quy định về chính quy Công an cấp xã, bởi, hiện nay, theo quy định công chức xã từ 21-25 người và số lượng bán chuyên trách đã rất đông trong khi việc tinh giản biên chế đang được triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính vì vậy, việc xây dựng lực lượng Công an xã chính quy cần hết sức thận trọng, nên làm thí điểm ở những nơi phức tạp về an ninh trật tự, sau đó tổng kết rồi mở rộng dần, không nóng vội.
"Nên bố trí đồn Công an ở mỗi cụm xã, trên cơ sở đồn Công an là lực lượng vũ trang khi cần đưa xuống, khi không cần rút đi, rất cơ động, đúng tính chất vũ trang. Tuy nhiên, Công an xã là lực lượng vũ trang nhưng thuộc công chức xã sẽ phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước... Điều này nên cân nhắc, đánh giá tác động kỹ hơn khi bố trí lực lượng Công an xã, bởi có thể dẫn đến số lượng công chức rất đông ở đây vừa tốn kém, vừa lãng phí nguồn lực cả về con người và cả vật chất," đại biểu Phạm Minh Chính nói.
Nhất trí với quy định về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, đại biểu Phạm Minh Chính thể hiện sự đồng tình với dự án Luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Đại biểu phân tích đối với Quân đội, phía dưới còn có quân khu, quân đoàn. Công an là lực lượng ở một tỉnh, một địa phương, quân số đông, có tính chất phức tạp hơn.
Hiện, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, đặc biệt là các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đó là điểm khác nhau giữa Quân đội và Công an, do đó, việc bố trí phong quân hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an, không phong Thiếu tướng đối với Chỉ huy trưởng Quân sự là thỏa đáng. Tuy nhiên, cần chọn những địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự để thực hiện. Bên cạnh đó, xây dựng các tiêu chí, quy định số lượng cụ thể, tránh việc tăng số lượng cấp Tướng so với quy định cũ.
Đề nghị Quốc hội xem xét chức vụ có cấp hàm Trung tướng, Thiếu tướng Về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan CAND, dự thảo Luật CAND (sửa đổi) quy định theo hướng: Không quy định cứng số lượng các vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng mà chỉ xác định các chức vụ, chức danh có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng để bảo đảm linh hoạt và phù hợp với tổ chức bộ máy mới của Bộ Công an. Cụ thể, khoản 1 Điều 26 dự thảo Luật CAND (sửa đổi) về cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ của sỹ quan CAND đề xuất các chức vụ có cấp bậc hàm cấp Tướng như sau: Đại tướng: Bộ trưởng Bộ Công an; Thượng tướng: Thứ trưởng Bộ Công an; Trung tướng: Cục trưởng cục đặc biệt và tương đương; Giám đốc Công an TP Hà Nội, Giám đốc Công an TPHCM; Thiếu tướng: Trợ lý Bộ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng và tương đương (trừ Cục trưởng cục đặc biệt và tương đương; Giám đốc Công an TP Hà Nội, Giám đốc Công an TPHCM); Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I; chức vụ cấp phó của Cục trưởng cục đặc biệt và tương đương; Giám đốc Công an TP.Hà Nội, Giám đốc Công an TPHCM. Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội tán thành cấp bậc hàm cao nhất của chức vụ lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, vì cho rằng, cơ cấu tổ chức của Bộ Công an được điều chỉnh theo hướng tập trung, thống nhất, chuyên sâu, tinh gọn đầu mối, không tổ chức cấp tổng cục. Theo đó, cấp cục là cấp nghiên cứu, tham mưu chiến lược; có vai trò chỉ đạo, hướng dẫn toàn lực lượng; là đơn vị đầu ngành, trực tiếp chiến đấu trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo lĩnh vực được phân công; các đơn vị trực thuộc Bộ được thành lập trên cơ sở sáp nhập nhiều đơn vị cấp cục hiện nay; do đó chức năng, nhiệm vụ cũng được bổ sung, quy mô tổ chức được tăng lên nên việc nâng trần cấp bậc hàm đối với vị trí lãnh đạo ở một số đơn vị cấp cục là phù hợp. Một số ý kiến băn khoăn với quy định này vì cho rằng, theo chủ trương của cấp có thẩm quyền thì việc phong, thăng quân hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang phải được quy định chặt chẽ trong luật, đúng nhu cầu. Do đó, đề nghị báo cáo cụ thể vị trí chức vụ có cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng để Quốc hội xem xét, cho ý kiến và đề nghị cân nhắc quy định cấp bậc hàm cao hơn một bậc đối với các chức vụ quy định tại khoản 4 Điều 26 dự thảo Luật. |