Trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho biết, hình phạt các Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh; tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; đã hạn chế các bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 37, sáng 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2024 của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024…
Trình bày Báo cáo Thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án; các báo cáo công tác của Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC năm 2024... , Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, Chính phủ có nhiều nỗ lực và đề ra nhiều giải pháp đấu tranh có hiệu quả đối với tội phạm và vi phạm pháp luật.
Xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án kinh tế, tham nhũng
Đối với báo cáo của Chánh án TANDTC về công tác của các Tòa án, số lượng vụ án hình sự thụ lý tăng so với cùng kỳ năm trước. Các Tòa án đã xét xử đạt 85,28%.
"Hình phạt các Tòa án áp dụng cơ bản bảo đảm nghiêm minh. Tranh tụng tại phiên tòa được bảo đảm; chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người vô tội; đã hạn chế các bản án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội", Chủ nhiệm Lê Thị Nga nêu rõ.
Các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ được các Tòa án đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh. Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội; chú trọng các biện pháp thu hồi tài sản của Nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát, thiệt hại.
Các vụ án giết người, ma túy, xâm hại tình dục trẻ em, mua bán người, vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy, tội phạm mạng, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự,… được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh.
Chất lượng xét xử được bảo đảm
Đáng chú ý, theo bà Nga, triển khai thi hành Nghị quyết số 33 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, các Tòa án đã tổ chức phiên tòa trực tuyến 10.670 vụ việc (tăng 1.314 vụ việc), góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết; chống tồn đọng án; tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cơ quan Nhà nước và các bên liên quan. Tuy nhiên, nhiều Tòa án địa phương chưa được đầu tư đủ về cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí. Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn.
Về công tác xét xử, giải quyết các vụ, việc dân sự, theo bà Nga, các vụ, việc dân sự thụ lý tăng. Các Tòa án đã chấp hành nghiêm thời hạn xét xử. Công tác hòa giải trong tố tụng được coi trọng. Chất lượng xét xử cơ bản được bảo đảm; tỷ lệ bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đáp ứng yêu cầu của Quốc hội.
Về giải quyết các vụ án hành chính, TANDTC đã có nhiều giải pháp quyết liệt, chỉ đạo Tòa án các cấp khắc phục được một số tồn tại, hạn chế và nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết án hành chính. Công tác đối thoại trong giải quyết án được coi trọng.
Về thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, số vụ việc dân sự hòa giải thành đạt 54,94% trên tổng số vụ việc đương sự đồng ý hòa giải; các khiếu kiện hành chính đối thoại thành đạt 5,65% trên tổng số vụ việc đương sự đồng ý đối thoại.
Cũng theo báo cáo, chất lượng trả lời đơn; kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, công tác xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Công tác tiếp công dân tại các Tòa án được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Về cơ bản, các Tòa án đã giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng bảo đảm kịp thời, đúng pháp luật; tỷ lệ giải quyết đạt cao (giải quyết khiếu nại đạt 95,5%; giải quyết tố cáo đạt 92,62%).