Nhịp cầu Công lý

Tranh chấp liên quan đến dịch vụ lai dắt tàu tại Cảng Quy Nhơn: Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để bảo toàn vốn Nhà nước

Mộc Lan 12/06/2023 - 16:23

Công ty CP Cảng Quy Nhơn (Cảng Quy Nhơn) không chỉ “phớt lờ” việc thi hành một phần bản án đã có hiệu lực, mà còn cố tình thực hiện một Hợp đồng kinh doanh mới được cho là “chồng lên” hợp đồng đã được Tòa án thừa nhận. Việc này cần được cơ quan chức năng vào cuộc để ngăn ngừa thiệt hại cho Nhà nước cũng như làm rõ việc có hay không “lợi ích nhóm”?

Bất thường từ bản hợp đồng “chồng lấn”

Mặc dù đã nộp số tiền gần 53,5 tỷ đồng cho cơ quan thi hành án nhằm bồi thường cho Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long (Cty Cửu Long- nguyên đơn) nhưng đến nay, Cảng Quy Nhơn vẫn không tiếp tục thực hiện hợp đồng dịch vụ lai dắt tàu 274/CUULONG/2016/01.02 với nguyên đơn (Hợp đồng số 274) theo phán quyết tại Bản án số 31/2022/KDTM-PT ngày 16/12/2022 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng (Bản án số 31).

Theo phán quyết của Tòa thì một trong những lỗi chính của Cảng Quy Nhơn, dẫn đến phải bồi thường cho nguyên đơn là việc Cảng đã ký và thực hiện Hợp đồng kinh tế số 03.2019/QNP-PTL ngày 08/4/2019 (Hợp đồng 03) với Công ty TNHH TM VT Phúc Trường Linh (Công ty Phúc Trường Linh) trong khi Hợp đồng số 274 với Cty Cửu Long vẫn đang có hiệu lực.

Được biết, trước khi ký Hợp đồng số 03, Cảng Quy Nhơn đã ký hợp đồng số 12.2018/QNP-PTL (ngày 10/12/2018) cùng với Công ty Phúc Trường Linh (tiền thuê 4 tàu là 2,7 tỷ đồng/tháng) và Phụ lục hợp đồng số 01/QNP-PTL (ngày 24/1/2019 với số tiền thuê 4 tàu là 3.795.000.000 đồng/tháng; thời hạn hợp đồng 06 tháng (từ ngày 10/12/2018 đến ngày 10/06/2019).

Như vậy, thời điểm ngày 8/4/2019, tuy còn hai tháng nữa mới kết thúc Hợp đồng cũ (Hợp đồng số 12) nhưng không hiểu sao, Cảng Quy Nhơn và Cty Phúc Trường Linh vẫn vội vàng ký tiếp Hợp đồng số 03? Phải chăng, việc vội vàng này nhằm “chạy đua” với việc chuyển phần vốn Nhà nước tại Cảng Quy Nhơn về Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinaline) quản lý.

Đã vậy, theo Hợp đồng số 03 thì đại diện của Cảng Quy Nhơn (ông Nguyễn Hữu Phúc- Phó Tổng giám đốc thường trực) còn dùng 10 tỷ đồng của Cảng để làm chứng thư bão lãnh ngân hàng cho hợp đồng. Điều 4 của hợp đồng số 03 còn ghi rõ, nếu bên A (Cảng Quy Nhơn) vi phạm các điều khoản trong hợp đồng hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì sẽ mất 10 tỷ đồng này.

Có thể thấy, trong hai Hợp đồng với Công ty Cửu Long và Hợp đồng số 03 với Cty Phúc Trường Linh thì Cảng Quy Nhơn sẽ gặp nhiều bất lợi và thiệt thòi hơn khi thực hiện Hợp đồng số 03.

Như vậy, ngoài nguy cơ phải bồi thường cho Công ty Cửu Long do không tiếp tục thực hiện hợp đồng số 274 theo phán quyết của Tòa thì Nhà nước cũng có thể bị thiệt hại lớn do Cảng Quy Nhơn chịu điều khoản bất lợi trong Hợp đồng với Công ty Phúc Trường Linh.

Từng có “tỳ vết”

Liên quan đến việc ký kết Hợp đồng số 03, trong Báo cáo số 1392/BC-HHVN gửi Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam cho biết “Hợp đồng kinh tế giữa Công ty CP Cảng Quy Nhơn và Công ty TNHH TM VT Phúc Trường Linh khi chưa thông qua đại hội cổ đông là vượt quá thẩm quyền và vi phạm Khoản 2 Điều 162 của Luật Doanh nghiệp 2014”.

Như vậy, Hợp đồng số 03 mà Cảng Quy Nhơn đang thực hiện có thể bị cơ quan có thẩm quyền xác định là “vô hiệu” và yêu cầu hai bên chấm dứt thực hiện, bồi thường thiệt hại cho đối tác theo quy định. Nhưng không hiểu sao Hợp đồng này đến nay vẫn chưa bị Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam “tuýt còi” để hạn chế thiệt hại?

Chưa kể đến việc Công ty Cửu Long có thể yêu cầu Cảng Quy Nhơn bồi thường thiệt hại do không được thực hiện Hợp đồng số 274 trong hai năm qua, với số tiền hàng chục tỷ đồng (tương đương số tiền thiệt hại mà TAND Cấp cao đã xác định trong 2 năm 2019-2020).

Việc Cảng Quy Nhơn ký Hợp đồng số 12.2018/QNP-PTL và Hợp đồng số 03 với Cty Phúc Trường Linh, cũng như việc không tiếp tục thực hiện Hợp đồng với công ty Cửu Long như trên không thể không nhắc đến vai trò của một số lãnh đạo Cảng Quy Nhơn như: ông Phan Tuấn Linh (nguyên Tổng Giám đốc, hiện nay là Chủ tịch HĐQT); ông Nguyễn Hữu Phúc (nguyên Phó Tổng giám đốc Thường trực); ông Lê Hồng Quân (Tổng Giám đốc- người đại diện theo pháp luật Cảng Quy Nhơn).

Cũng cần nhắc lại rằng, từ năm 2018, Cảng Quy Nhơn đã bị nhiều đơn vị vận tải biển tố cáo việc thu tiền dịch vụ không đúng quy định.

Sau khi vào cuộc, ngày 23/1/2019 Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn có báo cáo gửi UBND tỉnh Bình Định và Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định: có việc Cảng Quy Nhơn đã chèn ép chủ tàu, đại lý và các Cảng trong khu vực thu phí lai dắt tàu cao hơn vượt giá quy định 40%; kinh doanh không lành mạnh, giá vượt trần quy định của Bộ GTVT ( theo từng thời kỳ).

z4424146314872_42b0aa45b41682eb52fdb58e1e94c519.jpg
z4424146315442_30d87f0d3b6ac481a39894e38084f126.jpg
Văn bản của Cục Hàng hải Việt Nam nhằm  “chấn chỉnh” hoạt động lai dắt tại Cảng Quy Nhơn năm 2019

Sau khi Cảng Quy Nhơn bị Cục Hàng hải Việt Nam xử phạt vi phạm hành chính (Quyết định số 07/QĐ-XPVPHC ngày 08/1/2019), Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Cảng Quy Nhơn thực hiện nghiêm Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, đồng thời phải kinh doanh đúng quy định pháp luật tạo môi trường kinh doanh lành mạnh trên khu vực cảng biển.

Đã không thực hiện bản án, còn “làm khó” nguyên đơn

Năm 2019, trong thời gian hai bên có tranh chấp, đang chờ phán quyết của Tòa, Cảng Quy Nhơn đã có hai văn bản gửi Công ty Cửu Long về việc thông báo giao lại vị trí neo đậu cho tàu lai Cảng Quy Nhơn (ngày 4/1) và ngừng cung cấp điện sinh hoạt cho các tàu lai của Công ty Cửu Long (ngày 15/5).

 Việc này đã khiến hơn 50 thuyền viên đang lao động, làm việc trên 07 tàu lai Cửu Long không có điện thắp sáng, không có nước ngọt để sinh hoạt hàng ngày.

Đáng nói, nơi neo đậu các tàu lai Cửu Long hoàn toàn không thuộc quản lý của Cảng Quy Nhơn mà do Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn quản lý và thu phí. Hơn nữa, Công ty Cửu Long lúc đó còn là thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định. Các các tàu lai nói trên còn được giao nhiệm vụ tham gia thực hiện cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tại tại khu vực tỉnh Bình Định.

Cùng với đó, TAND tỉnh Bình Định khi thụ ký vụ án cũng có văn bản yêu cầu Cảng Quy Nhơn giữ nguyên hiện trạng đội tàu lại Cửu Long chờ phán quyết của Tòa.

Mặc dù bản án của Tòa sau đó đã buộc Cảng Quy Nhơn phải tiếp tục thực hiện Hợp đồng số 274, thực hiện dịch vụ lại dắt với Công ty Cửu Long. Nhưng đến nay, theo phản ánh của Công ty Cửu Long thì Cảng Quy Nhơn đã không có động thái thực hiện hợp đồng, mà còn cố tình buộc các đội tàu lai của Công ty Cửu Long rời khỏi nơi neo đậu.

Bức xúc trước việc này, mới đây nhiều lãnh đạo, nhân viên thuyền viên Công ty Cửu Long gửi kiến nghị khẩn cấp đến Thủ tướng Chính phủ phản ánh dấu hiệu sai phạm của Cảng Quy Nhơn làm ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp của Cty. Đồng thời, đề nghị làm rõ dấu hiệu “lợi ích nhóm” cũng như sai phạm của các cá nhân trông vụ việc gây nguy cơ thiệt hại tài sản Nhà nước trong vụ việc này.

Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh chấp liên quan đến dịch vụ lai dắt tàu tại Cảng Quy Nhơn: Cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để bảo toàn vốn Nhà nước