Tranh chấp đất đai tại Vĩnh Long: Vì sao vụ việc kéo dài?

Tổ PVĐT| 01/10/2016 09:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Việc tranh chấp 1.392,9m2 đất tại Trà Ôn, Vĩnh Long, giữa hai bên là bà Nguyễn Thị An với bà Nguyễn Thị Hồng diễn ra đã vài chục năm. Hàng loạt văn bản, phương án giải quyết ở địa phương cũng như các cấp, các ngành ở TW nhưng sự việc vẫn chưa ngã ngũ.

Gian nan hành trình đòi đất

Theo hồ sơ cùng Công văn phúc đáp ngày 7/3/2016 của UBND tỉnh Vĩnh Long gửi Ban tiếp công dân Trung ương thì phần nhà đất đang tranh chấp giữa hai bên có diện tích 1.392,9 m2 (đo đạc thực tế). Trước ngày 30/4/1975, đất này do ông Nguyễn Văn Bích cùng vợ là bà Lữ Thị Ky (là cha mẹ của bà Nguyễn Thị An và là ông bà nội của bà Nguyễn Thị Hồng) tạo lập, quản lý và sử dụng. Sau đó, bà An đã lập gia đình, ông bà Bích có cho bà An cất căn nhà ở riêng trên phần đất này nhưng không có giấy tờ.

Ngày 19/9/1984, ông bà Bích lập tờ nhượng quyền cho bà Hồng làm chủ căn nhà số 25/6, khóm 3, thị trấn Trà Ôn và hoa lợi trên phần đất có diện tích khoảng 1.000 m2. Việc nhượng quyền được UBND thị trấn Trà Ôn xác nhận ngày 26/9/1984 và được UBND huyện Trà Ôn xác nhận ngày 28/9/1984. Nhưng thực tế thì bà Hồng không ở tại phần đất này, mà ở xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn; căn nhà đất này vẫn do ông bà Bích ở và quản lý sử dụng. Riêng hộ gia đình bà An vẫn ở căn kế bên nhà ông Bích và bà Ky.

Tranh chấp đất đai tại Vĩnh Long: Vì sao vụ việc kéo dài?

Giấy nhượng quyền từ ông Bích, bà Ky cho bà Hồng được UBND huyện Trà Ôn xác nhận 

Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, ngày 21/1/1986, ông Bích và bà Ky lại lập tờ nhượng nhà và vườn cây ăn trái (có diện tích 1.000 m2) cho bà An, với số tiền là 14.000 đồng, được UBND thị trấn Trà Ôn xác nhận ngày 27/1/1986. Ngày 30/8/2004, UBND huyện Trà Ôn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa số 75, diện tích 1.392,9 m2; loại đất thổ vườn cho hộ bà Nguyễn Thị An.

Không đồng ý với quyết định này, ngày 3/8/2001, bà Hồng gửi đơn đến UBND thị trấn Trà Ôn yêu cầu giải quyết cho bà một nửa phần đất nói trên, chính quyền cơ sở đã tổ chức hòa giải nhưng không thành. Ngày 18/12/2001, chính bà Lữ Thị Ky (chồng bà đã mất năm 1995) đã lập tờ ủy quyền khiếu nại cho bà Nguyễn Thị Hồng, được thị trấn xác nhận ngày 19/12/2001. Trong năm 2002, 2003, UBND huyện và tỉnh Vĩnh Long đã ban hành quyết định bác đơn khiếu nại của bà Ky và bà Hồng về việc đòi lại quyền sử dụng phần đất trên, hiện do hộ bà An đang quản lý, sử dụng. Từ đây, hàng loạt cơ quan Trung ương có thẩm quyền đã vào cuộc, nhưng đáng tiếc, sau hơn thập kỷ có ý kiến, quan điểm, đến nay việc tranh chấp vẫn chưa có phán quyết cuối cùng.

Ban hành quyết định giải quyết rồi lại dừng thực hiện

Năm 2005, Thanh tra Chính phủ có Báo cáo kết luận giải quyết vụ khiếu nại của bà Hồng theo hướng: Thu hồi phần đất 1.392,9 m2 do bà An đứng tên quản lý, sử dụng; giao cho bà Nguyễn Thị Hồng. Cần giám định, làm rõ việc giả mạo chữ ký trên giấy tờ mua bán nhà đất giữa ông Bích, bà Ky với bà An để xử lý theo quy định của pháp luật. Cùng quan điểm, ngày 23/9/2005, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 5452/VPCP-V.II về việc đồng ý kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại Báo cáo số 1598/BC-TTCP ngày 19/8/2005, giao UBND tỉnh Vĩnh Long tổ chức thực hiện dứt điểm.

Vì lẽ đó, ngày 3/3/2006, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 391/QĐ-UBND với nội dung, thu hồi quyết định cũ của tỉnh này ban hành về việc giải quyết đơn của bà Hồng, đồng thời, công nhận quyền asử dụng diện tích 1.392,9 m2 đất cho bà Hồng. Bà Hồng phải chừa lại cho hộ bà An phần đất với kích thước chiều ngang 5m, chiều dài hết phần đất và giáp với Tịnh xá Ngọc Trà (theo biên bản hòa giải ngày 29/12/2005). Lý do được Quyết định 391 đưa ra là: Thực hiện theo kết luận của Đoàn Thanh tra Chính phủ.

Những tưởng sự việc tranh chấp kéo dài giữa hai bên đã chấm dứt khi có văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ và quyết định có hiệu lực của UBND tỉnh Vĩnh Long. Nhưng không hiểu sao, ngày 24/10/2006, Văn phòng Chính phủ lại ban hành Công văn số 6107/VPCP-V.II chỉ đạo UBND tỉnh Vĩnh Long tạm dừng việc thực hiện Quyết định số 391 nêu trên để giám định, kiểm tra làm rõ việc mua bán nhà đất giữa ông Bích, bà Ky với bà An.

Do đó, từ năm 2006, UBND tỉnh Vĩnh Long đã tạm dừng việc thực hiện Quyết định số 391/QĐ-UBND của mình và cho rằng, không thu thập được các mẫu chữ ký tên trước và sau của ông Bích theo yêu cầu nên không thể giám định được. Từ đó đến nay, nhiều phương án, nhiều quan điểm của tỉnh và các cơ quan Trung ương không đồng nhất với nhau dẫn tới vụ việc bị khiếu kiện kéo dài. Được biết, hiện UBND tỉnh Vĩnh Long đang chờ văn bản giải quyết của Thủ tướng Chính phủ.

Gần đây nhất, ngày 29/8/2016, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì cùng Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Vĩnh Long làm rõ nội dung, cơ sở khiếu nại của bà Hồng. Đồng thời, các cơ quan này phải kiến nghị phương án giải quyết đúng pháp luật, báo cáo Thủ tướng trước ngày 1/10/2016.

Điều đáng quan tâm, hiện nay bà Hồng không có khả năng lao động do tai biến năm 2014. Nguồn thu nhập của hộ gia đình bà nhờ vào thu nhập chính của chồng là ông Huỳnh Văn Nam. Hiện bà Hồng đăng ký hộ khẩu thường trú tại số nhà 92B, khu 7, thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, do ông Nguyễn Văn Điện (là em của bà Hồng) đứng tên chủ hộ, hộ ông Điện đang được thị trấn xem xét hộ nghèo năm 2016. Còn bản thân bà Hồng đang ở nhờ nhà của người bà con là ông Nguyễn Công Trường, tại ấp Hóa Thành 1, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Ngoài phần đất đang tranh chấp với bà Nguyễn Thị An, bà Hồng không còn phần đất nào khác trên địa bàn thị trấn Trà Ôn.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền, việc tranh chấp đất đai kéo dài hàng thập kỷ sẽ có hồi kết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh chấp đất đai tại Vĩnh Long: Vì sao vụ việc kéo dài?