Nếu được trang bị tốt về kỹ năng phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) thì người dân nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng hoàn toàn có thể tự thoát nạn, đảm bảo an toàn về người và tài sản. Điều đó khẳng định, trang bị các kiến thức, hỗ trợ học sinh, sinh viên thường xuyên về kỹ năng PCCC và CNCH là điều vô cùng cần thiết.
Ngày 24/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tập huấn triển khai công tác chỉ đạo tổ chức trang bị kiến thức kỹ năng về PCCC và CNCH trong nhà trường.
Phát biểu tại buổi tập huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân An Việt cho biết: Với đặc điểm trường học là nơi có mật độ người đông, dễ xảy ra cháy nổ, việc thoát hiểm, thực hiện công tác cứu nạn, cứu hộ thường khó khăn, đặc biệt là trong khu vực dân cư.
Trong thời gian vừa qua, vụ việc cháy nổ xảy ra trong trường học không nhiều ở địa phương và được xử lý, ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, đã có nhiều vụ cháy xảy ra trong cộng đồng gây đến thiệt hại lớn về người và của. Đánh giá tình hình thực tế, nếu được trang bị tốt về kỹ năng PCCC, CNCH thì người dân nói chung, học sinh, sinh viên nói riêng hoàn toàn có thể tự thoát nạn, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Điều đó khẳng định, trang bị các kiến thức, hỗ trợ học sinh, sinh viên thường xuyên về kỹ năng PCCC và CNCH là điều vô cùng cần thiết. Ngoài việc tổ chức tốt các hoạt động PCCC, CNCH, nhà trường cần quan tâm, triển khai công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn các kiến thức, kỹ năng về PCCC, CNCH cho học sinh, sinh viên.
Nhận thức vai trò và tầm quan trọng của ngành giáo dục đối với công tác PCCC, CNCH trong thời gian qua, ngành giáo dục đã tham mưu, ban hành các văn bản, chỉ đạo, triển khai tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCCC và CNCH; lồng ghép các nội dung, kiến thức kỹ năng cơ bản về PCCC và CNCH vào các môn học chính khóa; tổ chức diễn tập về PCCC và CNCH tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Đối với giáo dục mầm non, các nội dung về PCCC và CNCH được lồng ghép vào hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc giáo dục trẻ. Sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua hoạt động giáo dục phát triển thể chất.
Đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, lồng ghép nội dung PCCC và CNCH trong nội dung các bài học của môn học trong chương trình giáo dục chính khóa; thông qua các hoạt động trải nghiệm; hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, hoạt động giáo dục kỹ năng sống, các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt hè.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu tham dự được tập huấn các nội dung liên quan đến kỹ năng tuyên truyền PCCC và CNCH cho đối tượng học sinh do Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công An) thực hiện và kỹ năng sơ cấp cứu trong trường hợp ngưng tim, ngưng thở do Trung tâm Unesco tư vấn và truyền thông quốc tế đảm nhiệm.