Trần tình người trong cuộc vụ "chồng 38, vợ 63"

Mỹ Tấn| 02/10/2013 21:50
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Chúng tôi đã tìm gặp đôi vợ chồng này và nghe họ trải lòng về cuộc tình và những bức xúc về những lời đồn thổi của người đời.

Những ngày giữa tháng 9, tại một nhà hàng trên đường Lê Duẩn (TP Quy Nhơn, Bình Định), đám cưới của đôi uyên ương Trường Sơn – Kim Liên diễn ra với sự chứng kiến của vài trăm quan khách cùng họ hàng hai bên. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đám cưới này không có hàng ngàn người hiếu kì kéo đến, gây náo loạn cả khu phố.

Những lời đồn ác ý

Sau sự việc đám cưới gây náo loạn thành phố cùng một số tờ báo thông tin không đúng sự thật, đôi vợ chồng Kim Liên – Trường Sơn đã tỏ ra bức xúc nhiều vấn đề. “Báo viết quá sự thật về đám cưới, về vợ chồng tôi và về tuổi tác”, bà Kim Liên cho biết.

Bà Liên khẳng định, đám cưới của họ là sự tự nguyện sau thời gian hàng chục năm hai người yêu nhau, đồng thời các con của ông bà cũng đồng ý để hai người đến với nhau và làm đám cưới có sự chứng kiến của hai họ chứ không lén lút như mọi người nghĩ. “Nhìn tôi già lắm hay sao mà bảo trai trẻ cưới vợ đáng tuổi mẹ mình. Ai không tin có thể xem ảnh cưới chúng tôi chụp thì sẽ rõ”. Bà Liên bức xúc.

Bà Kim Liên còn cho biết: “Hôm tổ chức đám cưới, con tôi không có đứa nào tạt nước gần sân khấu mà người ta ác miệng ác mồm đồn con tôi tạt nước vì không đồng tình tôi lấy chồng. Lúc đó khách đông quá nên ai đó đã làm đổ nước, rồi nhiều người đồn thổi, bàn tán thông tin sai sự thật rằng con tôi tạt nước cản trở đám cưới”. Theo bà, việc đổ nước xuống sàn nhà hàng gần sân khấu chỉ là hành động của một số vị khách vo tình gây nên do lúc đó lộn xộn quá.

Bà Liên có ba đứa con với đời chồng trước. Ngày đám cưới, ông bà mời 300 khách, chủ yếu là bạn bè thân hữu và những người trong mối quan hệ làm ăn. “Số lượng khách “ăn chùa” đông quá nên rất nhiều khách được mời không thể vào bên trong dự tiệc được đành ra ngoài đứng hoặc đi về”, bà Liên thở dài nói.

Sáng hôm đám cưới, khi làm lễ gia tiên tại nhà, những người hiếu kỳ đã tụ tập kha đông để xem mặt cô dâu chú rể gây nên tình trạng lộn xộn chưa từng có. Cả cô dâu, chú rể lẫn bà con hai họ không thể tập trung làm các nghi lễ gia tiên chỉ bởi sự ồn ào huyên náo bên ngoài. Thấy tình hình quá căng thẳng, nên khoảng 12 giờ trưa bà Liên đã gọi điện cho cô Thu, quản lý nhà hàng Trầu Cau kể chuyện vừa xảy ra và đề nghị nhà hàng phải tăng cường lực lượng bảo vệ để ổn định trật tự trong tiệc cưới tối nay, nhưng quản lý đã trấn an tinh thần vì nghĩ rằng sự việc cũng chỉ đến đó là hết. Nhưng không ngờ chiều đó, người dân còn tập trung đông hơn cả buổi trưa nên ông bà phải hợp đồng thêm 12 bảo vệ, rồi cả chú rể cũng ra cửa nhà hàng hỗ trợ để khách mời được vào dự tiệc nhưng cũng bất thành. Nhiều người cố tình gây rối, làm vỡ cả cửa kính, khiến gia đình hai bên cũng như khách mời tỏ ra rất bức xúc.

Trần tình người trong cuộc vụ

Chứng minh nhân dân chú rể Trường Sơn, anh sinh năm 1970.

Nhớ lại giây phút đáng ra phải được coi là hạnh phúc nhất của mình, ông Trường Sơn vẫn còn thất thần: “Lúc đó, do người dân đến đám cưới quá đông nên tôi phải ra cổng nhà hàng cùng với vệ sĩ xem mặt từng người để cho vào bên trong dự tiệc. Ai không được mời không cho vào nhưng lượng người quá đông nên đã gây cảnh náo loạn tại đám cưới .

Riêng về chuyện tuổi tác, đôi vợ chồng Kim Liên – Trường Sơn cũng nói rằng dư luận nói hoàn toàn không đúng. Bằng chứng cho sự thật đó, chú rể Trường Sơn đã đưa cả chứng minh thư ra xác minh: “Chứng minh nhân dân của tôi ghi sinh năm 1970, thì năm nay đã bao nhiêu tuổi mà mọi người lại nói tôi mới có 38”. Còn bà Liên khẳng định, chính xác là năm nay bà 56 tuổi. Như vậy, cô dâu 56 còn chú rể 44 tuổi, hai người cách nhau một con giáp chứ không đến nỗi “bà ngoại lấy trai tơ” như mọi người đồn thổi.

Tình yêu không có tuổi

Bà Liên là người gốc ở Quy Nhơn. Chồng trước của bà là tài xế xe tải, đã nhiều năm ôm vô lăng chuyên chở hàng nhà. Hai người đã có với nhau ba mặt con.  Cách đây mười năm, chồng bà bị tai biến mạch máu não và đột ngột qua đời. Và niềm an ủi lúc này chỉ còn ba người con đang vào độ tuổi trưởng thành đã biết san sẻ gánh nặng công việc cho mẹ.

Do yêu cầu công việc, bà Liên thường xuyên phải di chuyển theo những chuyến xe hàng. Những lo toan, nhọc nhằn trên từng chặng hành trình bắt đầu làm nảy sinh tình cảm giữa bà chủ và người lái xe chưa vợ. “Rồi như một lẽ tự nhiên, chúng tôi yêu nhau như bao đôi lứa khác ở trên đời. Lúc đầu còn kín đáo, lâu dần thành công khai. Dĩ nhiên gia đình hai bên đều biết nhưng mọi người không ai tỏ ra phản đối”, bà Liên tâm sự.

Trần tình người trong cuộc vụ

Một ảnh cô dâu - chú rễ trong tiệc cưới diễn ra tại nhà hàng Trầu Cau đăng trên báo mạng.

Khi được hỏi về sự ngạc nhiên hay phản ứng của mọi người lúc hai người yêu nhau, cô dâu Kim Liên cho biết: “Có gì đâu. Vì từ khi chồng tôi mất, anh Sơn đã trở thành người trụ cột lo liệu đủ việc trong nhà. Cho nên các con tôi từ hồi đó đã xem như người thân rồi”. Còn chú rể Trường Sơn thì trải lòng: “Những năm ấy tôi cũng thường xuyên đưa Liên về nhà tiếp xúc, thăm nom mọi người trong nhà mình. Và bằng tấm chân tình, tính cách sống thẳng thắn, chúng tôi đã tạo được ấn tượng tốt với gia đình hai bên nên mọi việc đều êm đẹp. Cũng cần nói thêm rằng, cha tôi là cán bộ Bình Định tập kết, còn mẹ là dân gốc Hà Nội”.

Bà Liên có nhiều người bạn đồng cảnh ngộ, là góa phụ hoặc đã qua một lần đò nhưng không ai có may mắn tìm được cho mình một bờ vai vững chãi để nương tựa lúc tuổi xế chiều. Trong khi đó, anh Sơn lại là một người đàn ông trẻ, chững chạc, chung tình suốt chừng ấy năm. “Vì vậy từ năm ngoái, một số người trong nhóm bạn đã hết sức nhiệt tình ủng hộ tôi và ông Sơn tổ chức cưới”. Đó là ký do hai người quyết định làm đám cưới sau một thời gian dài gắn bó với nhau. Tuy nhiên theo bà Liên: “Nhưng không phải vì những lời hứa ủng hộ tiền bạc mà chúng tôi làm đám cưới. Sau sự việc này, tôi mới ngộ ra, bên cạnh lời nói ủng hộ còn là thói ganh ghét, đố kỵ của người đời, họ làm ra vẻ quan tâm đến hạnh phúc của tôi nhưng thật ra là ngấm ngầm khích bác, thách đố xem tình cảm của hai chúng tôi có đủ lớn đến mức dám công khai kết hôn trước bàn dân thiên hạ hay không? Trong lúc chúng tôi thật sự yêu thương, gắn bó với nhau chừng đó năm thì sợ gì mà không cưới? Tình yêu thật không phân chia tuổi tác kia mà”.

Sau đám cưới này, gia đình hai bên đã gặp rất nhiều rắc rối bởi lời đàm tiếu của người khác. “Nhưng đám cưới của chúng tôi thì có gì mà đáng bàn tán nhiều như vậy? Chúng tôi có quan hệ tình cảm hàng chục năm, sau thời gian tích lũy được chút ít vốn liếng thì tiến đến hôn nhân chứ có ảnh hưởng đến ai đâu mà nhiều người hiều kỳ,… Nhưng đáng ghét, và cảm thấy xấu hổ nhất là đám người đến đám cưới “ăn chùa” dù chúng tôi không quen biết, cũng không mời. Đã vậy, nhiều người chen chân vô tiệc cưới chụp hình chúng tôi rồi bàn tán, dè bỉu, nói xấu. Thực sự tôi cảm thấy khinh bỉ cho những người đó”, lời của bà Liên.

Một nhân viên  của nhà hàng Trầu Cau xác nhận, diễn biến vụ việc đúng như lời kể của nhiều người, đồng thời bảy tỏ quan điểm: “Họ thương yêu nhau thì đến với nhau. Chúng tôi kinh doanh dịch vụ, ai có nhu cầu thì chúng tôi nhận phục vụ. Nhưng vụ việc hôm đó diễn biến quá lộn xộn nên đành phải nhờ đến lực lượng công an hỗ trợ”.

Về mặt pháp lý, theo luật sư Trần Công Ly Tao, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM, việc cưới nhau của đôi vợ chồng này là hoàn toàn phù hợp theo luật hôn nhân. “Quyền kết hôn là quyền nhân thân của mỗi người. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình có quyền tự do kết hôn theo Điều 39 (Bộ luật Dân sự năm 2005). Sự tự nguyện thể hiện là nam, nữ được tự do lựa chọn, thỏa thuận và quyết định kết hôn theo ý muốn của họ, khi họ đã có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình”. Luật sư Tao cho biết thêm, cha mẹ hai bên nam, nữ hay bất kỳ ai cũng không có quyền cưỡng ép, hoặc cản trở việc kết hôn, đó việc làm vi phạm pháp luật…

Sự việc đã xảy ra, dù sao những điều không hay đó cũng chỉ là sự cố ngoài ý muốn. Điều quan trọng là trước kia lẫn hiện nay họ đã và đang đang sống với nhau hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trần tình người trong cuộc vụ "chồng 38, vợ 63"