Trầm cảm sau sinh: Đừng để phụ nữ đơn độc

Chí Tâm| 27/10/2019 19:07
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trầm cảm sau sinh đang là câu chuyện nóng được cảnh báo trong từng gia đình và nếu không phát hiện, can thiệp sớm sẽ dẫn tới những rối loạn tâm thần, có hành vi nguy hiểm cho bản thân và con cái.

Dễ diễn tiến nặng

Theo một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy, cứ 7 người phụ nữ Mỹ thì có khoảng 1 người mắc trầm cảm trước lúc có bầu, trong thời gian mang thai và sau khi sinh em bé. Có thể thấy thời kỳ sinh đẻ là giai đoạn xảy ra những biến đổi tâm lý vô cùng khó khăn đối với người phụ nữ. Họ phải đối mặt với những thay đổi từ hình thể, nội tiết tố đến vai trò xã hội… khiến đại đa số đều lo lắng. Trong đó, phổ biến nhất là trầm cảm sau sinh.

Theo thống kê năm 2013 của Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), tỷ lệ phụ nữ trầm cảm sau sinh chiếm 5,1%, loạn thần sau sinh, chiếm 0,5% số phụ nữ sinh đẻ.

Mỗi năm, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 điều trị cho 20-30 trường hợp trầm cảm sau sinh và tại Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cũng chừng đó bệnh nhân được nhập viện điều trị mỗi năm.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều gia đình, đặc biệt là người chồng, chưa có nhận thức đầy đủ về vấn đề này để bảo vệ sức khỏe của người mẹ và em bé.

Trầm cảm sau sinh: Đừng để phụ nữ đơn độc

Trầm cảm sau sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ, đặc biệt là sự phát triển về thể chất và tinh thần ở trẻ.

Thời gian gần đây, những vụ việc đáng tiếc xảy ra do nguyên nhân từ trầm cảm sau sinh đã không còn hiếm. Trầm cảm dễ dẫn đến hoang tưởng, theo đó người bệnh nghĩ rằng mình bị ám hại và luôn nghĩ đến việc trả thù, vì thế nhiều bi kịch đau thương đã diễn ra. 

TS Dương Minh Tâm - Trưởng Phòng điều trị rối loạn liên quan đến stress, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) kể lại trường hợp nữ bệnh nhân N. (23 tuổi, ở Nghệ An) bị rơi vào giai đoạn trầm cảm nặng sau sinh con đầu 1 tháng. Đến nay, con đã 8 tháng tuổi, chị N. mới đi khám.

Chị N. tâm sự với bác sĩ, sau khi sinh con, do căng thẳng từ cuộc sống, chị N. luôn rơi vào tình trạng mất ngủ, chán ăn, mệt mỏi, yếu, không có sức để làm việc gì. Đến tháng thứ 3, chị N. cảm thấy không chịu nổi và nghĩ đến cái chết để được giải thoát.

"Đã nhiều lần tôi muốn tìm đến cái chết nhưng nghĩ thương con, thương mẹ nên lại từ bỏ. Tôi tâm sự với chồng nhưng không nhận được sự đồng cảm. Chồng tôi luôn nghĩ tôi giả vờ", N. chia sẻ.

Trường hợp khác là bệnh nhân Lê Thị H. (Thanh Hoá). Chị H. có tiền sử trầm cảm sau sinh từ khi sinh bé đầu lòng, đã chữa khỏi nhưng đến khi sinh tiếp bé thứ 2 lại tái phát.

Chồng chị H. chia sẻ, sau sinh con, vợ anh bỗng nhiên ít nói bất thường, gọi không thưa, đi vào đi ra một cách bất thường, không có chủ định... Do ở chung với bố mẹ đẻ nên chị H. được phát hiện bệnh kịp thời.

Cách đây vài năm, Viện Sức khỏe tâm thần từng điều trị cho một bà mẹ tại Hà Nội bị trầm cảm sau sinh rất nặng, thường xuyên có ý định tự tử cùng con. Khi không ai để ý, người mẹ lấy dây điện quấn quanh người 2 mẹ con rồi cắm điện tự tử.

Gia đình phát hiện ngay sau đó nhưng con 3 tháng đã tử vong, mẹ được chuyển vào bệnh viện cấp cứu, sống sót, sau đó điều trị trầm cảm tại Viện Sức khoẻ tâm thần nhiều tháng ròng.

Cần phát hiện sớm và hỗ trợ tâm lý tích cực

Theo TS.BS Trần Nguyễn Ngọc - Trưởng phòng điều trị rối loạn cảm xúc, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), trầm cảm sau sinh là bệnh lý liên quan đến suy nghĩ, hành động và sức khỏe của người phụ nữ sau sinh. Khi đó, người mẹ luôn trong trạng thái mệt mỏi, lo lắng và thường xuyên trách móc bản thân không đủ khả năng chăm sóc con. Những ý nghĩ ám ảnh có thể xuất hiện và thường liên quan đến bạo lực đối với trẻ. Trong trường hợp nặng, ý nghĩ và hành vi giết đứa trẻ ngay sau khi sinh có thể xảy ra với những hoang tưởng hoặc ảo giác.

“Có rất nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm trong thời kỳ sinh đẻ như: sinh con lần đầu; độ tuổi của người mẹ; nạo phá thai, sảy thai hoặc thai chết lưu; mang thai ngoài ý muốn; các xung đột trong hôn nhân, căng thẳng trong cuộc sống; thiếu sự trợ giúp; khó khăn trong vấn đề chăm sóc trẻ…”, BS Ngọc cho hay.

Do đó, theo TS Ngọc, nếu thấy các bà mẹ sau sinh có triệu chứng khác lạ như tủi thân, khóc lóc, sợ chăm con, không dám cho con bú, không giao tiếp với ai, bỏ ăn uống, mất ngủ, vô hồn, gào thét khóc lóc không lý do... cần phải đi khám tâm lý, chẩn đoán để can thiệp sớm. Các bà mẹ trước khi sinh nếu thấy lo lắng thì nên học lớp tiền sản, tư vấn trước sinh để hiểu cuộc sinh nở, giúp cho bản thân mình an tâm bước chân vào cuộc sinh nở đó.

Khi đã có triệu chứng loạn thần sau sinh, cần phải cấp cứu tâm thần thì gia đình nên đưa sản phụ tới các cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần để điều trị và phải tuân thủ phác đồ điều trị. Nếu thất bại trong điều trị loạn thần sau sinh kích động, sẽ làm tăng nguy cơ nguy hiểm cho cả mẹ và con. Tỷ lệ giết con liên quan với loạn thần sau sinh không điều trị cao khoảng 4%; nguy cơ tự tử trong số sản phụ này cực kỳ cao.

Trầm cảm sau sinh không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ, cảm xúc và thể chất của đứa trẻ. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, người phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng và nhận được sự quan tâm chia sẻ từ người thân.

Người phụ nữ trong thời kỳ mang thai và sau sinh cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng với nhiều bữa ăn, đảm bảo khoảng 30-35Kcal/kg/ngày. Trong đó, lượng chất đạm hợp lý chiếm từ 15-20% năng lượng (tốt nhất nên được cung cấp đa dạng các loại đạm từ thịt, cá, trứng, tôm, sữa, đậu….); 20-25% chất béo và 55-65% chất bột đường; uống đủ nước và ăn nhiều rau xanh. Mọi hình thức kiêng khem thái quá đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ và trẻ nhỏ, dẫn tới những khủng hoảng tinh thần do mẹ mệt mỏi, con đau ốm, suy dinh dưỡng….

Đặc biệt giá trị của việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp người mẹ nhanh lấy lại vóc dáng, gắn kết tình cảm mẹ con; trẻ nhỏ khi được bú mẹ có sức đề kháng tốt, ít ốm vặt. Do vậy, việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng là một trong những biện pháp góp phần tích cực hạn ché áp lực tinh thần cho người mẹ sau sinh.

Chế độ nghỉ ngơi cho phụ nữ sau sinh cũng cần được quan tâm chú ý. Họ cần có những giấc ngủ sâu và đủ. Nếu nhận được những chia sẻ trong việc chăm sóc em bé hay những lời động viên tích cực, được sống trong bầu không khí thoải mái, vui vẻ cũng giúp họ cảm thấy yên tâm và an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trầm cảm sau sinh: Đừng để phụ nữ đơn độc