Khu đô thị và công nghiệp hỗ trợ phía Nam Hà Nội tại huyện Phú Xuyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là chuỗi đô thị vệ tinh và là trung tâm công nghiệp hỗ trợ cho Thủ đô.
Kinh tế xã hội chưa thể phát triển nếu không đủ điện
Tuy nhiên, hiện nay huyện Phú Xuyên chưa có trạm biến áp 110kV. Điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế trên địa bàn huyện được cấp từ trạm biến áp 110kV Tía (huyện Thường Tín) và một số nguồn hỗ trợ từ tỉnh Hà Nam.
Trạm 110kV Tía đang đầy tải, tương lai chỉ đủ cấp điện cho huyện Thường Tín
Theo đại diện Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, trạm biến áp 110kV Tía cũng đang trong tình trạng đầy tải, tương lai chỉ đủ cấp điện phục vụ cho huyện Thường Tín. Do đó, việc xây dựng trạm biến áp 110kV Phú Xuyên là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện của nhân dân trên địa bàn phục vụ sinh hoạt, sản xuất và đặc biệt là phát triển kinh tế xã hội.
Đại diện Lãnh đạo huyện Phú Xuyên cũng cho biết, việc xây dựng trạm biến áp 110kV là việc làm cấp thiết, là một trong những dự án trọng điểm của huyện Phú Xuyên. Đồng thời, việc có trạm biến áp 110kV trên địa bàn sẽ tạo sự chủ động về nguồn điện cho huyện, giảm tối đa sự phụ thuộc, hỗ trợ từ các địa phương lân cận góp phần rất lớn vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của địa phương cũng như của Thủ đô.
Được biết, quy mô xây dựng công trình gồm trạm biến áp và đường dây 110kV Phú Xuyên có công suất 63 MVA sẽ nâng cao chất lượng cung cấp điện đảm bảo tốt nhu cầu sử dụng điện phục vụ các hoạt động chính trị, phát triển kinh tế xã hội và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn huyện Phú Xuyên. Trạm biến áp có diện tích gần 5.000 m2 dự kiến thu hồi đất canh tác của các hộ thuộc tiểu khu Mỹ Lâm. Toàn bộ các hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng đã nhất trí phương án đền bù.
Việc xây dựng trạm biến áp 110kV Phú Xuyên là đúng quy hoạch
Ngày 9/6/2012, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản số 1559/UBND-CT chấp nhận đề xuất của liên Sở Công thương, Sở quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng và các bên liên quan về việc cho phép xây dựng các trạm biến áp có quy mô phù hợp quy hoạch phát triển điện lực Thủ đô giai đoạn năm 2011 - 2015 có xét đến năm 2020 và có vị trí xây dựng phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, EVN HANOI đã phối hợp, làm việc cùng chính quyền địa phương và thống nhất vị trí xây dựng trạm biến áp 110kV Phú Xuyên tại cánh đồng Thạng Nội, tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên. Sau đó đã được Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội thống nhất tại văn bản số 3438/QHKT-P7 ngày 9/11/2012 và được UBND Thành phố Hà Nội chấp thuận tại văn bản số 4750/VP-CT ngày 22/11/2014; Giấy phép quy hoạch, tổng mặt bằng và phương án kiến trúc sơ bộ của trạm biến áp được Sở Quy hoạch kiến trúc chấp thuận theo giấy phép 5774/GPQH ngày 27/12/2014 và văn bản số 1069/QHKT-TMB-PAKT ngày 19/3/2015.
Trên cơ sở các thỏa thuận đã được cấp thẩm quyền chấp thuận, EVN HANOI đã tiến hành thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. Trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, toàn bộ các hộ dân trong diện thu hồi đất tại cánh đồng Thạng Nội đã nhất trí phương án bồi thường và sẵn sàng bàn giao mặt bằng để thi công xây dựng. Tuy nhiên, công tác thực hiện chi trả tiền bồi thường đã không thực hiện được do xuất hiện một số hộ dân không thuộc diện thu hồi đất có ý kiến phản đối xây dựng trạm nên dự án bị tạm dừng.
Ngày 23/1/2017, UBND huyện Phú Xuyên có văn bản số 95/UBND gửi UBND thành phố và các Sở ngành liên quan đề nghị dịch chuyển vị trí xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên tại tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên từ xứ đồng Thạng Nội sang vị trí cánh đồng chéo B. Tiếp đó, ngày 17/2/2017, Sở Quy hoạch kiến trúc đã chủ trì cuộc họp liên ngành và thống nhất dịch chuyển vị trí xây dựng trạm biến áp từ cánh đồng Thạng Nội sang vị trí cánh đồng chéo B.
Ngày 27/3/2017, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản số 1358/UBND-KT chấp thuận dịch chuyển vị trí xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên tại tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên, huyện Phú Xuyên từ cánh đồng Thạng Nội sang vị trí cánh đồng chéo B.
Vị trí đặt Trạm biến áp 110kV Phú Xuyên tại cánh đồng chéo B, tiểu khu Mỹ Lâm
Theo hướng dẫn của Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội tại văn bản số 2066/QHKT-HTKT ngày 12/4/2017, EVN HANOI phải tiến hành đo vẽ bản đồ hiện trạng khu vực trạm mới, xây dựng cấp chỉ giới đường đỏ, xin cấp giấy phép quy hoạch, thỏa thuận mặt bằng và phương án kiến trúc...điều chỉnh cho công trình.
Có thể khẳng định, quá trình chuẩn bị và thực hiện dự án đảm bảo tính pháp lý, tuân thủ các trình tự thủ tục của kế hoạch được phê duyệt và quy định của nhà nước.
Tuy nhiên, trong khi tiến hành các bước thực hiện theo đúng quy định, các đơn vị liên quan đã vấp phải sự phản đối của bộ phận người dân tiểu khu Mỹ Lâm. Qua nhiều cuộc đối thoại, giải thích, tham vấn lấy ý kiến nhưng nhân dân vẫn chưa đồng thuận về việc xây dựng trạm biến áp 110kV trên địa bàn tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên và tiếp tục kiến nghị xây dựng trạm sang khu vực khác.
Có hay không việc ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân xung quanh trạm biến áp
Xung quanh việc một số hộ dân không thuộc diện thu hồi đất nhưng sinh sống gần khu vực dự án có ý kiến phản đối vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, ông Nguyễn Chí Thanh (Phó Giám đốc Ban quản lý dự án và lưới điện Hà Nội) cho biết: “Trước khi đầu tư dự án, EVN HANOI đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường có tham vấn tại địa phương, được Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội thẩm định, Sở Tài nguyên - Môi trường thống nhất nội dung và được UBND Thành phố phê duyệt theo quyết định số 3411/QĐ-UBND ngày 25/6/2014.
Ngoài ra, theo số liệu quan trắc thực tế, điện trường trong các TBA 110 kV trên địa bàn Thủ đô trung bình chỉ khoảng 56V/m (thấp hơn rất nhiều so với 5000V/m theo quy định tại Điều 7 Nghị định 14/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực). Với các số liệu quan trắc thực tế, cường độ điện trường của các thiết bị điện là hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân khi canh tác hoặc sinh hoạt xung quanh hàng rào trạm. Trong khi đó với thiết kế của TBA 110kV Phú Xuyên, có tường rào trạm cao 5,5m so với cốt hiện trạng đất canh tác xung quanh (cao hơn so với mức quy định 4m tại Điều 10 và Điều 15 Nghị định 14/2014) thì mọi hoạt động của nhân dân bên ngoài hàng rào là tuyệt đối an toàn”.
Cũng theo ông Thanh, trạm biến áp 110kV Phú Xuyên sẽ được đầu tư công nghệ hiện đại, đảm bảo xử lý an toàn trong các tình huống sự cố. Hệ thống báo và chữa cháy công nghệ tự động tiên tiến với dàn phun sương cùng máy bơm áp lực cao, hệ thống điều khiển hiện đại. Ngày 20/7/2015, Cảnh sát PC&CC thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận thẩm duyệt về phòng cháy và chữa cháy tại văn bản số 438/TD-PCCC.
Như vậy, trạm biến áp hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như quá trình chuẩn bị, thực hiện đảm bảo tuân thủ các quy định hiện hành của nhà nước và các quy định liên quan.