Ngày 25/12, tại Hội nghị triển khai công tác TAND hai cấp TP Hà Nội năm 2021, Thẩm phán Nguyễn Sinh Thành - Chánh án TAND huyện Hoài Đức đã chia sẻ về những giải pháp và bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn phát động và tổ chức các phong trào thi đua để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại đơn vị.
Sức lan tỏa từ các phong trào thi đua
Theo Chánh án Nguyễn Sinh Thành, thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Càng khó khăn càng phải thi đua”, “Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển và biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày”.
Theo đó, năm 2020, TAND huyện Hoài Đức thường xuyên tổ chức tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, Tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; chính sách pháp luật của nhà nước về thi đua khen thưởng; trong đó chú trọng tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các Nghị quyết của Ban cán sự Đảng, Chỉ thị của Chánh án TANDTC, các văn bản phát động, hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng của TANDTC và TAND TPHà Nội.
Kết quả đã làm chuyển biến rõ nét nhận thức của mỗi cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng, tiêu chuẩn, chế độ, chính sách thi đua khen thưởng; hiểu rõ thi đua là nghĩa vụ và quyền lợi, là cơ hội để khẳng định năng lực của bản thân, từ đó để từng cá nhân phấn đấu vươn lên trong thực thi nhiệm vụ, đây là giải pháp tiền đề và có ý nghĩa quyết định đối với hiệu quả các phong trào thi đua của đơn vị.
Các phong trào thi đua được Cơ quan duy trì thường xuyên trong năm công tác và được đẩy mạnh vào cùng các đợt thi đua cao điểm do thành phố phát động.
Mỗi giai đoạn thi đua, TAND huyện Hoài Đức đều tổ chức Hội nghị phát động thi đua, khuyến khích và tạo điều kiện để toàn thể cán bộ, công chức của đơn vị thảo luận sôi nổi, hăng hái đề xuất các giải pháp, sáng kiến để xây dựng phương pháp làm việc khoa học, cải cách về thủ tục hành chính tư pháp, cải tiến lề lối làm việc... nhằm hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu thi đua.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, cơ quan có sự sửa đổi, bổ sung kịp thời quy chế công tác cho phù hợp với tình hình thực tế; xây dựng kế hoạch làm việc khoa học, phân công trách nhiệm cụ thể đến từng cán bộ, công chức trong cơ quan, nhất là cải tiến trong công tác giao án đối với từng Thẩm phán và Thư ký.
Để cán bộ công chức trong cơ quan tích cực thi đua, lãnh đạo cơ quan có sự phân công công việc khoa học, phù hợp với năng lực, sở trường và số lượng công việc đang đảm nhận của từng cán bộ, công chức. Ngày cuối tháng cơ quan đều tổ chức Hội nghị bình xét thi đua kết hợp với Hội nghị đánh giá cán bộ, công chức; mỗi cán bộ công chức đều có bản báo cáo cụ thể kết quả công việc làm được trong tháng, những vụ việc đang giải quyết, kế hoạch công tác trong tháng tiếp theo.
Nhằm khích lệ, khơi gợi tinh thần thi đua, Chánh án công bố công khai tại hội nghị về số lượng, chất lượng công việc cụ thể đã giải quyết của mỗi cán bộ, công chức trong tháng, số vụ việc còn lại chưa giải quyết, kết quả chấm điểm thi đua của từng cán bộ, công chức.
Qua đó mỗi cán bộ công chức có cơ sở nhìn nhận, đánh giá đúng về kết quả công tác của bản thân và so sánh với các đồng nghiệp trong đơn vị, để có kế hoạch công tác hợp lý và ý thức thi đua tích cực hơn trong tháng tiếp theo, trên cơ sở đó bình bầu chính xác những đồng chí có kết quả công tác, tiêu biểu tốt nhất trong tháng để biểu dương, khen thưởng xứng đáng cả về tinh thần và vật chất.
Cũng trên cơ sở đó chỉ ra những nguyên nhân đạt được thành tích để phát huy, nhân rộng; đồng thời nhận diện những tồn tại, hạn chế để kịp thời khắc phục. Các đồng chí có thành tích đột xuất đều được cơ quan biểu dương, khen thưởng kịp thời.
Cơ quan đặc biệt coi trọng việc xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới và cuộc sống mới”. Việc xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến được cơ quan thực hiện nghiêm túc ở cả ba khâu: Phát hiện, xây dựng và nhân rộng, làm cho gương “điển hình tiên tiến”, “người tốt, việc tốt” trong cơ quan luôn được lan tỏa, tạo hiệu ứng sâu rộng, lôi cuốn, cổ vũ để cái tốt ngày càng sinh sôi nảy nở, phát triển và hòa quyện với thực tiễn hoạt động của đơn vị.
Những thành tích đạt được qua các phong trào thi đua
Các phong trào thi đua được phát động và tổ chức thực hiện nghiêm túc đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, là nguyên nhân quyết định để Tòa án nhân dân huyện Hoài Đức hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu công tác, cụ thể: Năm 2020, TAND huyện Hoài Đức giải quyết 995/1033 vụ việc các loại, đạt tỷ lệ 96,3%; bình quân mỗi Thẩm phán giải quyết 121,3 vụ án các loại (10,1 vụ/ 1 tháng, bằng 144,2% định mức). Kết quả công tác năm 2020 vượt chỉ tiêu thi đua đề ra: Hình sự 100%; Dân sự 95,32%; Hành chính 100%; Áp dụng biện pháp hành chính: 100%; Thi hành án hình sự và miễn giảm tiền phạt, án phí: 100%; Tổ chức 22 phiên tòa rút kinh nghiệm, công bố công khai 704 bản án, quyết định, hoà giải thành án dân sự đạt tỷ lệ 84,8%; tổ chức đối thoại thành công án hành chính, đạt tỷ lệ 75%.
Công tác xây dựng điển hình tiên tiến đạt nhiều thành tích xuất sắc. Trong những năm qua, cơ quan có hai Thẩm phán được tặng danh hiệu “Thẩm phán giỏi”, một Thẩm phán được tặng danh hiệu “Thẩm phán tiêu biểu”; một Thẩm phán được tặng danh hiệu “Thẩm phán mẫu mực”, một đồng chí được tặng “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”; 2 đồng chí được Chánh án TANDTC tặng danh hiệu “Cá nhân điển hình tiên tiến” giai đoạn 2015-2020, được đi dự Đại hội thi đua TAND, trong đó 1 đồng chí vinh dự được tham dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc.
TAND huyện Hoài Đức được TANDTC công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” (năm thứ 12 liên tục) và tặng “Cờ thi đua Tòa án nhân dân”; 100% cán bộ, công chức hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó 3 đồng chí đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở”, 2 đồng chí đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua Tòa án nhân dân”, 5 đồng chí được tặng “Giấy khen” của Chánh án TAND TP Hà Nội, 1 đồng chí được tặng “Bằng khen” của Chánh án TANDTC, 1 đồng chí được tặng “Bằng khen” của Chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Những bài học kinh nghiệm quý giá được rút ra từ thực tiễn
Từ thực tiễn phát động và tổ chức các phong trào thi đua, TAND huyện Hoài Đức rút ra được một số bài học kinh nghiệm.
Một là công tác thi đua, khen thưởng của TAND cấp huyện phải được đồng chí Chánh án quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp. Tập thể cấp ủy, lãnh đạo đơn vị phải nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, Tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; Chính sách pháp luật của nhà nước, các Nghị quyết của Ban cán sự Đảng, Chỉ thị của Chánh án TANDTC, các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua khen thưởng và vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đơn vị; có sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, lãnh đạo cơ quan và các đoàn thể trong việc phát động và tổ chức các phong trào thi đua sôi nổi; xây dựng môi trường thi đua dân chủ, bình đẳng; nhằm khai thác được tất cả các thế mạnh của đơn vị, phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cơ quan.
Hai là thường xuyên giáo dục, tuyên truyền để mỗi đảng viên, cán bộ, công chức có sự nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua khen thưởng; tiêu chuẩn, chế độ, chính sách thi đua khen thưởng; qua đó khơi dậy ý thức tích cực thi đua của mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, không ngừng cải tiến lề lối làm việc, xây dựng người cán bộ Tòa án vững vàng về tư tưởng, chính trị, giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
Ba là chú trọng vai trò nêu gương trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan theo tinh thần “Cán bộ nào, phong trào đó”. Lãnh đạo cấp ủy, cơ quan phải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức trước nhiệm vụ được giao; phải là đầu mối tổ chức triển khai mọi hoạt động của cơ quan theo các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch đã đề ra; là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tác phong, năng lực công tác để toàn cơ quan noi theo; có năng lực tổ chức để hướng mọi người trong tập thể phấn đấu đạt mục tiêu đề ra, đây là nhân tố cơ bản có tác dụng thúc đẩy và tạo lực cho các phong trào thi đua của đơn vị.
Bốn là phải quan tâm đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Khi điển hình tiên tiến xuất hiện, dù là còn mới, còn nhỏ phải nhanh chóng bồi dưỡng điển hình ngày một hoàn thiện, hoàn chỉnh, trở thành mẫu mực để toàn đơn vị học tập. Nội dung bồi dưỡng toàn diện trên tất cả các mặt, chú trọng bồi dưỡng về phẩm chất, năng lực, động cơ thi đua đúng đắn, ý thức trách nhiệm, tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau.
Năm là phải xây dựng kế hoạch công tác hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị; phân công nhiệm vụ cho cán bộ công chức phải khách quan, công bằng và phù hợp năng lực sở trường công tác của từng cán bộ công chức. Trên cơ sở đó để đánh giá kết quả thi đua và công nhận danh hiệu thi đua theo các tiêu chí phù hợp nhiệm vụ công tác của cơ quan và mỗi cá nhân.
Sáu là thực hiện việc khen thưởng công bằng, kịp thời với phương châm “khen trúng, thưởng xứng”, “đúng người, đúng việc”, trên cơ sở đánh giá đúng sự cố gắng, tích cực của mỗi cán bộ, công chức, để người được khen thật sự phải là điển hình nổi bật, là tấm gương để người khác học hỏi. Không xem việc khen thưởng là một chiếc bánh mà người có quyền chia bánh ấy muốn ban phát cho ai thì ban, cũng không nên có tư tưởng “trung hòa” “món ngon cùng hưởng, mật ngọt cùng chia”. Cần kết hợp giữa khen thưởng bằng vật chất với tinh thần, đồng thời có sự động viên, khích lệ đúng lúc, làm cho người được khen có tâm trạng phấn khởi hơn, tạo ra không khí vui tươi đoàn kết, hỗ trợ nhau trong cơ quan để hoàn thành nhiệm vụ.