Cựu Bộ trưởng Y tế, TS Nguyễn Quốc Triệu có lần nói rằng ở nước ta, một mớ rau, miếng thịt mà có đến ba bộ cùng chịu trách nhiệm và để xét nghiệm xem mớ rau này độc hại ra sao cũng tốn đến trên 100USD.
Câu chuyện cũ nhưng đến nay đã vào cuối quý 1 năm 2017, theo đúng các quy định hiện hành, trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn thuộc 3 Bộ (Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và còn có cả trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Tình trạng mất vệ sinh ATTP vẫn chưa được cải thiện trong đó có sự yếu kém trong quản lý và đáng nói là vẫn chưa chốt được trách nhiệm chính thuộc về cơ quan nào.
Như vậy, lẽ ra ở lĩnh vực này phải được quản lý rất tốt nhưng thực tế vệ sinh ATTP vẫn đang ở mức báo động? Đấy là tiếng chuông được gióng lên trong phiên họp toàn thể của đoàn giám sát tối cao của Quốc hội hôm 3/3 để nghe Chính phủ báo cáo về kết quả thực hiện chính sách, pháp luật đối với ATTP giai đoạn 2011-2016. Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến tồn tại nêu trên. Báo cáo của Chính phủ thừa nhận công tác điều tra, xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP hiệu quả chưa cao do có những khó khăn trong việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự. Nhưng đấy là nguyên nhân khách quan, muốn điều chỉnh hẳn phải trông chờ vào việc sửa đổi các quy định của pháp luật mà điều này thì không thể một sớm một chiều. Vấn đề có thể giải quyết ngay được đấy chính là những nguyên nhân thuộc về chủ quan.
Gần đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn nhấn mạnh những khó khăn của ngành y tế về nhân lực để làm công tác này, yếu cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt lực lượng thanh tra chuyên ngành quá yếu.
Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Mai Bộ nhận xét thẳng thắn rằng, Trung ương sốt sắng nhưng ở địa phương, cơ sở… vẫn ngồi im. Vị đại biểu Quốc hội này nhắc lại ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Người đứng đầu chính quyền địa phương nơi mất ATTP phải chịu trách nhiệm.
Vậy có cách nào để xử lý chính người đứng đầu địa phương không chịu thực thi nhiệm vụ của mình khiến tình hình mất vệ sinh ATTP tiếp tục diễn biễn phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Câu chuyện lấy lại vỉa hè cho người đi bộ ở TP. HCM và Hà Nội có kết quả khả quan là nhờ chính quyền sở tại vào cuộc mạnh mẽ và có vai trò rất quan trọng. Họ “lăn” vào thực hiện mà không dám đổ thừa trách nhiệm cho ai nữa.
Các chuyên gia đều chung nhận xét rằng chính quyền cơ sở là cấp quản lý sát với chuyện trật tự đô thị hay vệ sinh ATTP.
Nếu họ được giao việc giám sát vệ sinh ATTP cũng rốt ráo như chuyện giải cứu vỉa hè thì tình hinh sẽ khá hơn. Lực lượng thanh tra chuyên ngành có điều kiện chuyên môn nghiệp vụ phối hợp cùng chính quyền sở tại quản lý tốt vệ sinh ATTP. Một khi chính quyền phường xã vào cuộc chắc chắn sẽ khó có việc tiểu thương dám bán rau bẩn, thịt lợn bệnh, rượu độc. Vậy nên, cuộc chiến bảo đảm an toàn thực phẩm dứt khoát phải trông chờ vào người đứng đầu đủ bản lĩnh ở ngay trên địa bàn. Vấn đề là cần có cơ chế, chính sách cho đội ngũ lãnh đạo cấp phường, xã để có được những thủ lĩnh chịu trách nhiệm thực hiện chương trình lo bữa ăn sạch sẽ, an toàn cho dân. Vệ sinh ATTP còn là chuyện sức vóc nòi giống chứ đâu chỉ là miếng cơm bát canh!