Trà sen Tây Hồ: Nét đẹp trong văn hóa Việt

Minh Thu| 02/01/2023 08:15
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trà sen hồ Tây là sự hòa quyện ăn ý đến hoàn hảo giữa cái ngọt sâu tinh tế của trà và hương thơm nhẹ nhàng, ngọt mà tinh khiết của hoa sen hồ Tây. Đặc sản này đã trở thành niềm tự hào của người Hà Nội từ xưa đến nay.

“Đấy vàng đây cũng đồng đen

      Đấy hoa thiên lý đây sen Tây Hồ”

Hơn cả một chén trà

Sen hồ Tây, còn được gọi là “bách diệp liên hoa” vừa được hái vào buổi sớm bởi các nghệ nhân hồ Tây

Sen hồ Tây, còn được gọi là “bách diệp liên hoa” vừa được hái vào buổi sớm bởi các nghệ nhân hồ Tây

Trà sen được biết đến là một loại trà có từ lâu đời, đại diện cho giới trà Việt, đó không chỉ là một loại đồ uống, mà ẩn sâu trong mỗi chén trà chính là nhân cách thanh tao cùng tấm lòng của những người làm trà, thưởng trà.

Không ai biết trà sen có từ bao giờ, nhưng từ xưa kia, trà sen được sản xuất rất ít, chỉ được dùng để dâng vua và các tôn vương quyền quý. Trà quý ở công đoạn tỉ mỉ kỳ công khi ướp trà, để lưu giữ được hương vị đặc biệt của hương sen. Hiện nay, trà sen đã dần được bán phổ biến hơn, ngoài việc dùng để chiêu đãi khách vào các dịp lễ Tết, trà sen còn được dùng để thưởng thức bởi những người trong giới yêu trà.

Trà nào cũng ngon, cũng thơm, nhưng trà sen và đặc biệt là trà sen Tây Hồ lại mang lại sự kỳ vọng hơn cả. Mỗi đợt Tết đến xuân về hay các dịp lễ, dù đã qua mùa trà nhưng nhiều người vẫn luôn cố gắng tìm mua những gói trà sen chuẩn hương vị sen hồ Tây.

Nghệ thuật ướp trà sen được bắt đầu và lưu truyền ở các làng cổ ven hồ Tây như Quảng Bá, Nghi Tàm và Yên Phụ. Vậy tại sao trà sen Tây Hồ lại nổi tiếng như vậy?

Hoa sen sao khéo giữ màu

Nắng nồng không nhạt, mưa dầu không phai

Hoa sen là loài hoa mang một hương vị đặc trưng riêng biệt bởi được sinh trưởng trong bùn đất, chính vì vậy những bông sen phát triển vô cùng thuận lợi. Hơn thế nữa, Hồ Tây là một mảnh đất màu mỡ khi tiếp giáp gần sông Hồng. Giống như một “vùng đất riêng” dành cho loài hoa sen, những bông sen Tây Hồ được nuôi dưỡng bởi đất trời một cách thuận lợi, mang hương vị đậm đà, đặc biệt hơn hẳn các vùng sen khác. Hương sen đó được kết hợp một cách hài hoà với vị trà Thái Nguyên, tạo ra hương vị trà sen Tây Hồ nức tiếng hiện nay.

Sau khi hái, sen sẽ được mang về nhà hoặc bán cho các gia đình có nhu cầu ướp sen

Sau khi hái, sen sẽ được mang về nhà hoặc bán cho các gia đình có nhu cầu ướp sen

Để làm ra được một ấm trà ngon, đúng vị thì đòi hỏi sự cầu kỳ, người nghệ nhân ướp trà phải đặt hết tâm huyết trong mỗi giai đoạn. Họ không chỉ ướp trà ngon, họ còn gửi tình, gửi tâm vào từng bông sen, búp trà, đưa những tâm tình đó đến khách hàng một cách trọn vẹn.

Trà sen muốn có hương vị nhất thì việc quan tâm nằm ở cách chọn trà và chọn sen. Sen hồ Tây còn được gọi với một cái tên khác là “bách diệp liên hoa” hoặc “sen bách cánh” bởi những bông sen ở đây có đến hàng trăm cánh như để che chở, giữ cho bông sen vẹn nguyên mặc dù trải qua mưa nắng, vì thế, bông sen tại hồ Tây luôn được ca tụng là loại sen đẹp nhất, tốt nhất và quý nhất. 

“Sen mùa hạ, cúc mùa thu”, vào tháng 5, tháng 6 hàng năm, khi cái nóng mùa hè bắt đầu đến với thành phố, cũng là lúc những bông sen đang trong thời gian vào mùa đẹp nhất.

Để có thể tìm hiểu cách ướp trà sen đúng chuẩn, tôi đã liên hệ với chị Nguyễn Thị Thu Hương - đang sinh sống trong gia đình có truyền thống ướp trà sen lâu năm ở Quảng Bá, chị chia sẻ “Cái khó nhất trong quá trình ướp trà, chính là chọn được bông sen và thời điểm phù hợp để hái. Từ 4 giờ đến 6 giờ sáng là thời gian bông sen ngậm sương sớm, cánh hoa tươi và tỏa hương thơm ngào ngạt. Những người hái sen sẽ mang những bông sen từ đầm về vào lúc mặt trời mới bình minh. Các công đoạn làm trà sen cũng rất cầu kỳ, tỉ mỉ”.

“Để làm ra một kg trà sen, cần tới khoảng 100 bông sen dùng ướp trà. Trong đó, công đoạn khó nhất là lấy gạo sen, phải lấy thật nhanh, khéo léo để gạo sen trắng, không nát và giữ được mùi hương, sau đó phải sàng lọc kĩ để ướp trà. Sau đó, người nghệ nhân sẽ đong trà cho vào búp, sau đó gói một lớp lá sen, thắt kín bằng dây lạt. Bông sen sau khi ngậm trà sẽ cắm nước qua một đêm để cho hương sen thấm đều vào trà. Mỗi một búp sen như vậy sẽ pha được một ấm đầy. Bước cuối cùng chính là đóng gói và hút chân không cho trà, sau khi đóng và dán nhãn thương hiệu, sản phẩm sẽ được ủ đông và có thể được lưu trữ đến 2 năm” - chị kể lại.

Với một ấm trà sen có hương vị chuẩn là khi nước trà xanh và trong, ban đầu uống có vị hơi chát của lá trà, sau đó là vị ngọt và hương sen thơm dịu lưu lại sau khi thưởng thức.

Trà sen Tây Hồ: Đến là yêu, đi là nhớ

Một góc ướp sen của gia đình nhà chị Hương

Một góc ướp sen của gia đình nhà chị Hương

Không phải tự nhiên trà sen được gọi là “thiên cổ đệ nhất trà” hay “vua của trà”, bởi những người khi đã thưởng thức qua thứ trà sen của hồ Tây thì thứ đọng lại không chỉ là hương vị trà, mà còn là nét văn hoá của con người đất Việt, là tinh hoa đất trời nghìn năm văn hiến. Trong đời sống hiện đại, với sự giao lưu đa dạng, mọi người đã và đang biết đến nhiều loại trà và cách uống trà khác nhau, nhưng trà sen Tây Hồ vẫn có được một vị trí vững vàng.

Chính những điều trên khiến cho trà sen trở nên quý giá và khan hiếm mỗi dịp Tết đến xuân về. Đây sẽ là món quà vô cùng tinh tế cho cả người tặng và người nhận quà, bởi sự kỳ công mà từng bông trà sen mang lại. Nếu như vào mùa sen, trà ủ trong bông được rao bán khá nhiều, thì sang những ngày cận Tết, thứ quà này lại vô cùng hiếm và được đẩy lên giá cao hơn bình thường. Vì thế, những bông trà được đặt hàng từ rất sớm để có thể sử dụng trong những dịp lễ Tết.

Có thể thấy rằng, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, thì trà sen Tây Hồ - giống như những cây sen - luôn vươn mình phát triển. Trà sen ướp tay chính là món quà thượng hạng gói trọn trong từng búp trà và được những người nghệ nhân đã, đang và luôn luôn lưu truyền, phát triển qua từng năm tháng để có thể giữ được nét đẹp, nét tinh túy của Hà Thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trà sen Tây Hồ: Nét đẹp trong văn hóa Việt