Thành phố Thủ Đức được kỳ vọng sẽ là hạt nhân thúc đẩy kinh tế TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam dựa trên các lợi thế có sẵn như Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu công nghệ cao, Đại học Quốc gia TPHCM và nhiều công trình giao thông trọng điểm.
Với hơn 6.000 cán bộ công nhân viên đang làm việc tại Đại học Quốc gia và các trường thành viên, Đại học Quốc gia TPHCM là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ lớn và hiện đại nhất cả nước. Nơi đây còn là trung tâm hợp tác quốc tế với hàng chục đoàn chuyên gia quốc tế đến giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi và nghiên cứu mỗi năm.
Khu Công nghệ cao TPHCM có diện tích khoảng 800 ha, đã thu hút đầu tư nước ngoài hơn 8 tỉ USD và 42.000 lao động, xuất khẩu năm 2020 khoảng 20 tỉ USD.
Thành phố Thủ Đức cũng đang thừa hưởng công trình vận tải công cộng mới là tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Tuyến có 14 nhà ga thì có tới 10 ga nằm xuyên qua Thành phố Thủ Đức, bắt đầu từ cầu Sài Gòn chạy dọc tới depot Long Bình.
Nếu mọi việc thuận lợi, chỉ cuối năm sau, tuyến metro đầu tiên của TPHCM sẽ đưa vào khai thác thương mại, giúp chuyện đi lại của người dân dễ dàng hơn. Tương lai, metro số 1 không dừng lại ở depot Long Bình mà sẽ nối dài tới thành phố vệ tinh: Biên Hòa (Đồng Nai), Dĩ An (Bình Dương). Việc này sẽ giúp thành phố vệ tinh kết nối liên vùng, hiện đại hóa giao thông công cộng.
Bến xe Miền Đông mới khánh thành đầu tháng 10/2020 là một quần thể phức hợp bao gồm khu vực bến xe chính kết hợp nhiều dịch vụ tiện ích với tổng diện tích trên 16 ha, rộng gần gấp ba so với bến xe hiện hữu, được hứa hẹn phục vụ hơn 7 triệu lượt hành khách/năm đi về các tỉnh miền Đông, miền Trung và miền Bắc.
Đường Phạm Văn Đồng nối sân bay Tân Sơn Nhất và Quốc lộ 1A để đi tỉnh Đồng Nai, Bình Dương. Trong ảnh là đường Phạm Văn Đồng đoạn qua Thành phố Thủ Đức.
Dự án cầu Thủ Thiêm 2 bắc qua sông Sài Gòn, nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với khu trung tâm TPHCM, được đánh giá có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông trục chính tại TPHCM, đồng thời giải tỏa áp lực giao thông ở Thành phố Thủ Đức vốn ngày càng quá tải. Dự kiến cầu Thủ Thiêm 2 hoàn thành vào tháng 9/2021.
Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 đi vào hoạt động đầu tháng 10/2020 với quy mô 1.000 giường bệnh, sẽ là nơi tiếp đón, điều trị cho các bệnh nhân ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và miền Trung, “chia lửa” cho bệnh viện hiện tại đang quá tải trầm trọng. Đây là một bệnh viện chuyên khoa quan trọng ở khu vực phía Đông TPHCM, cũng một trong những cơ sở góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội của Thành phố Thủ Đức.
Còn mạng lưới giao thông kết nối liên vùng có điểm nhất là tuyến cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây có 4 làn hiện hữu và sắp tới sẽ được mở rộng lên 8 làn xe.