Trước tình hình dịch Zika tiếp tục có những diễn biến theo chiều hướng nguy hiểm, ngày 14/11, UBND thành phố đã triệu tập lãnh đạo các sở ngành thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch và các các sở, ngành, quận, huyện có liên quan.
Zika tăng lên từng ngày
Báo cáo tình hình dịch bệnh tuần qua, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế, cho biết, trên địa bàn tiếp tục ghi nhận thêm 3 trường hợp mới mặc Zika. Các trường hợp mới mắc gồm 1 ca thuộc phường 25 quận Bình Thạnh và 2 ca cư ngụ tại phường Cát Lái và Bình Khánh, quận 2. Tổng số người mắc bệnh trên toàn thành đã lên tới 38 ca, rải rác ở 13/24 quận, huyện.
TP.HCM có 13/24 quận huyện xuất hiện dịch bệnh vi rút Zika
Ông Hưng cho biết trong thời gian qua các địa phương tập trung giám sát các điểm phát sinh lăng quăng, muỗi ở những bãi đất trống, các công trình xây dựng để xử lý; phát hành tờ rơi, video clip để tuyên truyền dịch bệnh vi rút Zika; đặc biệt các bệnh viện, nhất là bệnh viện phụ sản rất quan tâm đến các thai phụ bị nhiễm Zika để theo dõi sát sao tình hình sức khẻo của mẹ và thai nhi.
“Hiện trong số các thai phụ bị nhiễm Zika trên địa bàn TP đã có thai phụ sinh sản nhưng trẻ sinh ra vẫn bình thường, không có dị tật đầu nhỏ. Hiện ngành y tế đang tiếp tục theo dõi những thai phụ khác”, ông Hưng cho hay.
Quận, huyện chưa quyết liệt trong phòng chống dịch Zika
Giải trình cho thực trạng công tác phòng chống dịch Zika và sốt xuất huyết thời gian qua không đạt kết quả như mong muốn, Ông Trần Văn Phúc, Phó chủ tịch UBND quân Tân Phú (địa bàn có 3 người mắc Zika) cho hay, sau chỉ đạo của thành phố, quận đã họp quán triệt đến tận các phường, khu phố, giao trách nhiệm cho Trung tâm Y tế dự phòng làm đầu mối cùng các trạm y tế nắm bắt tình hình dịch, triển khai phòng chống. Tuy nhiên, nỗ lực chống dịch đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị, thiếu kinh phí.
Để giải quyết tồn tại trên, quận đã đề xuất bổ sung thêm nhân sự, thiết bị chống dịch cho ngành y tế, đồng thời trích 170 triệu đồng mua hóa chất, máy phun hóa chất diệt muỗi.
Theo đánh giá của bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng - Phó giám đốc Sở Y tế, bên cạnh những quận – huyện thực hiện tốt việc diệt lăng quăng, phun xịt hóa chất cũng như tổng vệ sinh môi trường thì một số quận, huyện vẫn chưa làm tốt. Ông Hưng cũng thẳng thắn phê bình một số địa phương phun xịt hóa chất nhưng mật độ muỗi vẫn còn cao.
Những công trình bỏ hoang trở thành "đại bản doanh" của muỗi
Nhiều quận – huyện có rất nhiều dự án công trình, thậm chí trên địa bàn quận 2, quận 9 các dự án đã biến nơi đây thành “đại công trường”. Trên địa bàn quận 9, ngoài những dự án đang thi công còn có những dự án treo bỏ hoang, dự án hoàn thành nhưng nhà chưa xây hết, thậm chí nhà đã xây xong nhưng không có người ở đã gây không ít khó khăn cho công tác phòng phòng, chống dịch bệnh vi rút Zika tại đây.
Mặ khác, ông Hưng tỏ ra băn khoăn về việc người dân và các đơn vị chưa thực hiện tốt công tác diệt lăng quăng, diệt muỗi tại nơi ở và làm việc, trong khi đó công tác xử phạt còn lơ là, chưa đủ sức răn đe.
TP.HCM triển khai xử phạt theo Nghị định 176 từ 2015 nhưng đến nay chỉ mới có 7/24 quận – huyện thực hiện xử phạt. Trong khi đó, số lượng các quyết định xử phạt ngày càng giảm, nếu như trong năm 2015 có 58 trường hợp được xử phạt, thì từ đầu năm 2016 đến nay chỉ mới có 15 trường hợp bị xử phạt.
Trước tình hình trên, bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND thành phố bày tỏ thái độ chưa hài lòng với một số sở, ngành, địa phương do thiếu quyết liệt trong công tác phòng chống dịch. “Sở Tài nguyên Môi trường đã được chỉ đạo rà soát các dự án còn bỏ hoang, dang dở gây phát sinh lăng quăng, muỗi từ 2 tuần qua nhưng đến nay sở này vẫn chờ các địa phương báo cáo lên, rồi tổng hợp lại”.
Phó chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các ban ngành liên quan phải đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để tạo được sự hợp tác, đồng thuận của người dân. Nói ra rả trên loa, đài mà không hướng dẫn bằng trực quan sinh động thì dân chưa hiểu, chưa làm theo. Chính quyền các quận, huyện, các Trung tâm Y tế Dự phòng phải xắn tay chống dịch, hướng dẫn người dân bằng việc làm cụ thể, như thả cá bảy màu, úp lu, úp chậu chứa nước, thay nước bình bông… và các hoạt động khác cho phù hợp với tình hình thực tế với mục tiêu khống chế, đầy lùi dịch bệnh.