Đến ngày 31/10, trên địa bàn TP.HCM đã phát hiện 17 trường hợp nhiễm vi rút Zika. Các ca bệnh đều được phát hiện thông qua hệ thống giám sát dịch bệnh mà Sở Y tế TP.HCM đã và đang triển khai.
Ảnh minh họa.
Trước tình hình đó, sáng 31/10, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM, Viện Pasteur TP.HCM nhằm tìm các giải pháp hạn chế sự ảnh hưởng của vi rút Zika. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nhận định: "TP.HCM có dân số đông, giao lưu, đi lại nhiều, vấn đề vệ sinh môi trường, nhà ở, ý thức phòng bệnh của một bộ phận người dân vẫn chưa cao. Trong khi đó, thành phố cũng đang trong cao điểm mùa bệnh sốt xuất huyết. Do cùng một véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn nên việc phát sinh thêm các trường hợp nhiễm vi rút Zika là không thể tránh khỏi".
Trước đó, ngày 30/10, Cục Y tế dự phòng đã khẳng định, trường hợp bé gái 4 tháng tuổi ở Đắk Lắk bị dị tật đầu nhỏ bẩm sinh là do nhiễm vi rút Zika. Vì vậy, tại buổi làm việc với Sở Y tế TP.HCM, lãnh đạo Cục Y tế dự phòng yêu cầu Sở Y tế TP.HCM khẩn trương tìm các biện pháp bảo vệ phụ nữ mang thai trong giai đoạn này. Cần tập trung tư vấn, tầm soát và bảo vệ cho phụ nữ mang thai trong giai đoạn này - ông Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Cục Y tế dự phòng cũng khuyến cáo phụ nữ mang thai cần thực hiện việc khám thai tốt để theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân và thai nhi. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nên đi xét nghiệm để được tư vấn, đồng thời thực hiện phòng tránh muỗi đốt như Bộ Y tế đã khuyến cáo.
Như vậy, đến thời điểm này, tại Việt Nam đã ghi nhận 23 trường hợp nhiễm vi rút Zika, trong đó có 17 trường hợp ở TP.HCM; tại các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Dương, Long An, Trà Vinh, Đăk Lăk, mỗi tỉnh có 1 trường hợp nhiễm vi rút Zika.