Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết vừa ghi nhận ổ dịch thủy đậu thứ 2 tại một cao ốc ở Q.Tân Bình với 5 người mắc bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết: Hiện ngành y tế đã giám sát ổ dịch này và hướng dẫn người dân cách ngăn ngừa dịch. Có khả năng một số người đã bị lây nhiễm thủy đậu nhưng bệnh chưa bột phát. Do vậy, những người trong khu vực có dịch nên thường xuyên mang khẩu trang y tế (loại sử dụng một lần) ngay cả lúc làm việc để tránh lây lan trong cộng đồng".
Ổ dịch thủy đậu thứ 2 tại TP.HCM được phát hiện tại Q.Tân Bình. Ảnh minh họa
Trước đó, từ ngày 17/11 đến ngày 22/12/2016, Trung tâm Y tế dự phòng quận 7 cho biết, đã có 31 bệnh nhân mắc thủy đậu tại Công ty Gunze. Trong đó, 30 ca ở phân xưởng may và một ca ở phân xưởng cắt. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy 12/31 ca không có tiếp xúc với nguồn lây từ cộng đồng trước đó.
Hầu hết các bệnh nhân đều có những biểu hiện như mệt mỏi, sốt cao, đau họng, khó nuốt, chán ăn... và được công ty cho nghỉ điều trị bệnh ở nhà.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, mặc dù công ty có một ổ dịch thủy đậu lớn, nhưng cán bộ y tế rất khó tiếp cận với lãnh đạo công ty và can thiệp dập dịch trong phân xưởng nên ổ dịch đã lan rộng rất nhanh tới 31 người.
Theo các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, hiện nay bệnh dịch thủy đậu đang vào mùa và có xu hướng gia tăng khi thời tiết khô hanh, nắng nóng. Đối tượng dễ lây nhiễm nhất là phụ nữ và trẻ em. Phụ nữ mang thai nhiễm thủy đậu có thể liên quan tới dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ huynh cần phòng tránh và ngăn ngừa kịp thời nguy cơ mắc bệnh thủy đậu ở trẻ, tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Nguyên nhân dẫn đến tử vong do thủy đậu ở người lớn là biến chứng viêm phổi. Riêng ở trẻ em là biến chứng nhiễm trùng huyết và viêm não. Tiêm ngừa vắc-xin là biện pháp phòng ngừa bệnh thủy đậu hiệu quả. Người lớn chưa tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu cũng có thể tiêm trong thời điểm này.