TP.HCM: Không có lây nhiễm chéo trong khu cách ly

Chí Tâm| 28/06/2021 20:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, các điều tra tại các khu cách ly cho thấy, không có sự lây nhiễm chéo giữa các phòng khác nhau trong khu cách ly.

Theo HCDC, tính đến hết ngày 27/6, tổng số trường hợp nhiễm được phát hiện từ khu cách ly trong đợt dịch thứ tư là 1.826 trường hợp.

Cụ thể: 1.091 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính lần 1 (chiếm tỷ lệ gần 55,8%); 603 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính lần 2 (33%); 143 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính lần 3 (7,8%); 53 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính lần 4 (3%) và 8 trường hợp có kết quả dương tính lần 5 (0,4%).

l1.jpeg
Các lực lượng dọn dẹp, khử khuẩn tại các khu được trưng dụng để thiết lập khu cách ly tập trung

TP.HCM đang tiến hành cách ly tập trung các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh theo quy định là 21 ngày và sẽ lấy mẫu xét nghiệm 5 lần (tăng thêm 1 lần so với quy định của Bộ Y tế) vào các ngày: N1, N5, N10, N15, N20. Trong đó, N1 được lấy ngay khi chuyển vào khu cách ly.

Kết quả, 55,8% trường hợp phát hiện dương tính lần 1 ngay sau khi được chuyển vào khu cách ly tập trung, cho thấy người bệnh đã bị nhiễm bệnh trước đó từ các F0.

Với 33% có kết quả xét nghiệm lần 2 dương tính là nhóm được lấy mẫu sau khi vào khu cách ly 5 ngày. Nhóm này có khả năng rất cao nằm trong thời gian ủ bệnh và được phát hiện vào ngày thứ 5 sau khi được cách ly.

7,8% có kết quả xét nghiệm lần 3 dương tính sau khi vào khu cách ly 10 ngày. Nhóm này vẫn có khả năng cao là đã lây từ trước và đang trong thời gian ủ bệnh.

t1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Khu KTX Đại học Quốc gia TP.HCM.

Thời gian ủ bệnh hiện nay của SARS-CoV-2 vẫn được ghi nhận là 14 ngày. Tuy nhiên thực tế vẫn ghi nhận một số trường hợp cách ly tuyệt đối tại khách sạn đã có kết quả dương tính vào ngày thứ 20 (N20). Các xét nghiệm dương tính vào vào lần N1, N5, N10 vẫn đang nằm trong thời gian ủ bệnh thông thường của virus.

Tỷ lệ xét nghiệm dương tính lần 1, 2, 3 theo thống kê từ các ca nhiễm ghi nhận tại khu cách ly là 96,6%. Còn 3,4% là những trường hợp phát hiện dương tính sau khi người cách ly chung phòng với họ cũng đã dương tính trước đó.

Các trường hợp này có 2 khả năng, họ ủ bệnh lâu hơn thông thường hoặc bị lây nhiễm từ người cách ly cùng phòng. Các điều tra tại các khu cách ly cho thấy, không có sự lây nhiễm chéo giữa các phòng khác nhau trong khu cách ly.

Dù phần lớn số ca bệnh dương tính phát hiện trong khu cách ly thuộc nhóm xét nghiệm lần thứ 1, 2, 3 được cho là lây nhiễm từ trước. Tuy nhiên, cần quan tâm đến việc nhóm này sẽ là nguồn lây cho những người khác trong cùng khu cách ly. Do đó, cần có giải pháp kiểm soát lây nhiễm trong các khu cách ly tập trung.

hoc.jpeg
Trường tiểu học Bế Văn Đàn ở đường Hoàng Hoa Thám, phường 6, được trưng dụng để làm khu cách ly tập trung của quận Bình Thạnh

Về giải pháp hạn chế tối đa lây chéo trong khu cách ly, HCDC khuyến cáo, chỉ tổ chức cách ly tập trung ở các địa điểm mà mỗi phòng cách ly phải có nhà vệ sinh riêng, mỗi phòng chỉ có tối đa 2 giường, đảm bảo khoảng cách 2 mét và có màn che ngăn cách giữa 2 giường. Các đơn vị tổ chức khu cách ly tập trung không chọn trường học, xem xét lựa chọn cách ly tại khách sạn tại địa phương.

Hai người được xếp chung phòng cách ly theo nguyên tắc cùng đặc điểm dịch tễ. Phòng cách ly không có máy lạnh và được mở cửa cho thông thoáng. Công tác vệ sinh khử khuẩn các khu vực chung được tăng cường ít nhất 2 lần/ ngày.

Các khu cách ly bắt buộc phải có camera giám sát sự tuân thủ quy định của người cách ly; khuyến cáo người cách ly về nguy cơ lây nhiễm chéo, yêu cầu đeo khẩu trang thường xuyên, giữ vệ sinh cá nhân và phòng cách ly, hạn chế tiếp xúc người trong phòng, không giao lưu với các phòng khác.

Trước tình hình trên, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP ngày 28/6, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các đơn vị liên quan cần thực hiện giám sát chặt các khu cách ly tập trung, hạn chế đến mức tối đa tình trạng lây nhiễm chéo trong khu cách ly.

Cụ thể, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các quận/huyện không nên bố trí khu cách ly tại các trường học và các địa điểm sử dụng nhà vệ sinh chung. Cần xem xét đưa người cách ly vào khách sạn có trang bị nhà vệ sinh riêng mỗi phòng. Tại các khu cách ly và khu phong tỏa, tổ chức lấy mẫu xét nghiệm hàng ngày. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn sự tiếp xúc giữa những người cách ly, trang bị wifi, chăm lo đời sống tinh thần cho người trong các khu cách ly.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Không có lây nhiễm chéo trong khu cách ly