Bất động sản

TP.HCM áp dụng bảng giá đất mới từ ngày 1/8

Đan Hà - Thiên Nhã 31/07/2024 - 21:51

Dự kiến từ 1/8, TP.HCM sẽ chính thức áp dụng bảng giá đất mới trên địa bàn thành phố. Với những thay đổi đáng kể, đặc biệt là việc tăng giá đất ở nhiều tuyến đường từ 5 đến 51 lần so với hiện tại, bảng giá đất mới này dự kiến sẽ có tác động sâu rộng đến thị trường bất động sản cũng như đời sống người dân.

Theo dự thảo Quyết định điều chỉnh Quyết định 02/2020/QĐ-UBND về Bảng giá đất trên địa bàn TP.HCM, bảng giá đất mới sẽ áp dụng từ ngày 1/8/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Trong đó, giá đất ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố sẽ tăng mạnh so với bảng giá đất hiện hữu.

tp1.jpg
Dự kiến từ 1/8, TP.HCM sẽ chính thức áp dụng bảng giá đất mới trên địa bàn thành phố.

Điển hình, những tuyến đường tại khu vực trung tâm như: đường Đồng Khởi (Quận 1) giá đất dự kiến tăng vọt lên mức 810 triệu đồng/m2, gấp 5 lần so với mức 162 triệu đồng/m2 hiện tại. Các tuyến đường khác như Công trường Mê Linh, Công xã Paris, Công trường Lam Sơn, Hai Bà Trưng (đoạn từ Bến Bạch Đằng đến Nguyễn Thị Minh Khai),… giá đất được điều chỉnh cũng tăng đáng kể.

Không chỉ khu vực trung tâm, giá đất ở các quận huyện khác cũng tăng mạnh. Tại huyện Hóc Môn, đường song hành Quốc lộ 22 (đoạn từ đường Nguyễn Ảnh Thủ đến đường Lý Thường Kiệt) mức tăng giá đất gấp 51 lần so với hiện tại. Huyện Nhà Bè cũng chứng kiến sự điều chỉnh giá đất mạnh mẽ, đặc biệt là tuyến đường Phạm Hùng với mức tăng lên đến 23 lần, từ 3 triệu đồng/m2 lên 70 triệu đồng/m2.

Sau khi tổng hợp kết quả điều chỉnh bảng giá đất từ 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức, bảng giá đất mới áp dụng từ ngày 1/8 sẽ bao gồm 4.565 tuyến đường, tăng 557 tuyến so với bảng giá đất hiện hành.

Tại họp báo thông tin về việc điều chỉnh giá đất năm 2024 của TP.HCM tổ chức vào chiều ngày 29/7, ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, việc điều chỉnh bảng giá đất là cần thiết để phù hợp với Luật Đất đai 2024 và tình hình thực tế tại địa phương. Bảng giá đất hiện hành bị giới hạn bởi Nghị định 96/2019/NĐ-CP nên chưa chưa tiệm cận giá đất thị trường.

1f-4399-1-.jpg
Giám đốc Sở TN-MT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng tại họp báo thông tin về việc điều chỉnh giá đất năm 2024 của TP.HCM. (Ảnh: Hoàng Hùng)

Việc điều chỉnh bảng giá đất cũng nhằm tránh ách tắc trong giải ngân đầu tư công và thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Do điều chỉnh về thời gian, công việc rất gấp rút, ngày 3/7, UBND TP.HCM có công văn yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng bảng giá đất, tham mưu kế hoạch để thực hiện Điều 257 Luật Đất đai.

So với quy định cũ, toàn bộ nội dung xây dựng bảng giá đất được quy định rõ tại Điều 17, Nghị định 71. Bảng giá mới không còn hệ số, chỉ quy định 12 trường hợp chứa đựng trong bảng giá đất.

Dự kiến, vào cuối năm nay, sẽ có một đợt sơ kết đánh giá toàn diện về những tác động kinh tế - xã hội của việc điều chỉnh bảng giá đất. Dựa trên kết quả đánh giá này, các điều chỉnh phù hợp sẽ được thực hiện để đảm bảo tính hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tế, trước khi bảng giá đất mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Việc điều chỉnh bảng giá đất mới tại TP.HCM được dự báo sẽ tạo ra những biến động mạnh mẽ trên thị trường bất động sản, mang đến cả cơ hội và thách thức. Bên cạnh những tác động tích cực mang lại, nhiều ý kiến trái chiều từ các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân về việc giá bất động sản có thể tăng theo, gây khó khăn cho người mua nhà, đặc biệt là những người có thu nhập thấp và trung bình. Điều này cũng có thể làm giảm sức hấp dẫn của thị trường đối với các nhà đầu tư, dẫn đến nguy cơ sụt giảm nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản.

Không chỉ tác động đến thị trường, việc điều chỉnh giá đất còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân trên địa bàn thành phố. Nhiều người dân bày tỏ lo ngại rằng, giá nhà đất tăng cao sẽ khiến giấc mơ sở hữu nhà trở nên xa vời hơn, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi và gia đình có thu nhập thấp. Hơn nữa, việc tăng giá đất còn có thể kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng và dịch vụ khác, gây áp lực lên chi phí sinh hoạt và làm giảm chất lượng cuộc sống của người dân.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản VREC&HREC: “Việc thành phố áp dụng giá đất mới đưa giá đất tính thuế tiệm cận với giá thị trường, giúp tăng nguồn thu thuế cho nhà nước, từ đó có thêm nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng.

nguyen-quoc-bao-3-scaled-e1646450554161.jpg
Ông Nguyễn Quốc Bảo, Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản VREC&HREC.

Việc áp dụng giá đất mới không ảnh hưởng nhiều đến các dự án đã đi vào giai đoạn mở bán, vì tất cả đã được hình thành. Việc áp giá đất mới đương nhiên sẽ khiến giá vốn đầu tư cho các dự án mới tăng cao, để đảm bảo thu hút khách hàng, chủ đầu tư cần chú trọng vào chất lượng sản phẩm, tính tiện ích, dịch vụ đi kèm. Về phía khách hàng, nên chú trọng vào tính minh bạch pháp lý của sản phẩm chứ không nên chỉ coi giá thành mà bỏ qua các yếu tố khác. Tôi tin việc áp giá đất mới sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn, cả cho nhà nước, người dân lẫn chủ đầu tư”.

Trước những ý kiến này, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, việc điều chỉnh bảng giá đất mới đang đưa giá đất theo quy định từng bước tiệm cận với mặt bằng chung của thị trường, góp phần tích cực cho sự công bằng, minh bạch với các nhóm sử dụng đất và tránh thất thu cho ngân sách nhà nước, sử dụng đất vì thế sẽ tiết kiệm hơn.

Đồng thời, Chính phủ cũng đang xem xét điều chỉnh các mức thuế, phí liên quan đến đất đai để phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời hạn chế việc tăng đột biến các khoản thu, nhằm giảm thiểu áp lực lên người dân và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM áp dụng bảng giá đất mới từ ngày 1/8