Tính đến nay, TP.HCM đã có 20 thai phụ được xác nhận là nhiễm virus Zika, trong đó có 14 thai phụ đang được chăm sóc vả quản lý theo quy định của ngành.
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM cho biết hiện TP.HCM đã có 106 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 20 thai phụ được xác định là dương tính với virus này.
Trong 20 trường hợp nói trên có ba trường hợp thai lưu, hai trường hợp đã sinh con (một ca chưa phát hiện bất thường liên quan virus Zika, một ca đang chờ xét nghiệm) và một trường hợp tự nguyện bỏ thai. Còn lại 14 thai phụ đang được chăm sóc và quản lý thai theo quy định.
BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết Sở Y tế TP đã triển khai giám sát virus Zika cho thai phụ tại tất cả các cơ sở sản khoa trên địa bàn TP.
“Sở Y tế TP cũng đã ban hành hướng dẫn thu dung, điều trị những phụ nữ có thai nhiễm bệnh do virus Zika. Bệnh cạnh đó, Sở Y tế TP cũng đang xây dựng quy trình theo dõi chăm sóc, tư vấn thai phụ mang thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong cộng đồng” – BS Hưng cho biết thêm.
Một thai phụ đang được bác sĩ BV quận 11 (TP.HCM) tầm soát bệnh do virus Zika.
Theo ông Bùi Huy Hoàng, phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm thuộc Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận có khoảng 1% đến 10% trẻ sinh ra mắc chứng đầu nhỏ từ mẹ bị nhiễm virus Zika trong ba tháng đầu của thời kỳ thai nghén.
Ông Hoàng cho biết trẻ mắc chứng đầu nhỏ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ. Ngoài ra có thể kèm theo các dị tật bẩm sinh khác như bất thường về thần kinh, dị tật về mắt, khuyết tật thính giác, vẹo chân hoặc co cứng khớp, giảm vận động.
“Trẻ mắc chứng đầu nhỏ do bất kỳ nguyên nhân nào đều không có phương pháp điều trị trước và sau sinh. Do đó sau khi sinh, trẻ mắc chứng đầu nhỏ cần được theo dõi sát trong những năm đầu và thường xuyên chụp hình ảnh sọ não để đánh giá sự phát triển của não. Bên cạnh đó, thực hiện các biện pháp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng để cải thiện chất lượng sống cho trẻ” - ông Hoàng lưu ý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho nếu người mẹ nhiễm virus Zika trong lúc mang thai mà may mắn sinh con không bị hội chứng đầu nhỏ thì trẻ lớn lên vẫn có thể phát triển, lập gia đình và sinh con bình thường. Virus Zika tự hết do miễn dịch của cơ thể đào thải chúng.