Trong gần hai thập kỷ lãnh đạo đất nước, Tổng thống Putin đã “chèo lái” con thuyền nước Nga trở lại vị thế của một cường quốc đứng đầu thế giới với nhiều thành tựu đáng nể và điều đó được thể hiện cụ thể bằng số phiếu ủng hộ mà người dân Nga dành cho ông.
Hôm nay 7/5, ông Putin chính thức nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ thứ tư (2018-2024). Để có được điều này, ông Putin đã giành chiến thắng áp đảo trước các ứng cử viên "đáng gờm" trong cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 18/3 vừa qua với gần 77% số phiếu ủng hộ.
Ông Vladimir Putin bước chân vào chính trường quy mô quốc gia từ năm 1999, khi đó ông trở thành Phó Thủ tướng đầu tiên của Nga, sau đó là quyền Thủ tướng và cuối cùng chính thức làm Thủ tướng.
Sau cuộc bầu cử vào tháng 3 năm 2000, ông chính thức trở thành Tổng thống thứ hai của Nga thời kỳ hậu Xô Viết trải qua 3 nhiệm kỳ với gần 15 năm, ông Vladimir Putin đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ trên chính trường và được người dân yêu mến.
Khi bắt đầu nhận vị trí lãnh đạo một quốc gia vừa mới trải qua một cuộc cải cách kinh tế không hiệu quả, gây ra tình trạng lạm phát và khủng hoảng tài chính 1998, kèm theo những vết nứt sâu trong bộ máy chính trị. Tổng thống Putin ngay lập tức khẳng định mình là một nhà lãnh đạo đất nước, có khả năng hợp nhất đất nước và thiết lập lại trật tự.
Theo đó, Tổng thống Putin dành nguyên nhiệm kỳ đầu tiên để vực nền kinh tế nước Nga sau cú sốc cải cách. Ông áp dụng những cải cách kinh tế cần thiết, liên quan đến chi trả thuế, ngân hàng và tiền lương hưu.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông chủ Điện Kremlin cho rằng, thành tựu lớn nhất của ông trong quãng thời gian lãnh đạo nước Nga chính là thay đổi diện mạo nền kinh tế và nâng cao chất lượng đời sống của người dân.
Tổng thống Putin tuyên bố, thành tựu lớn nhất là nền kinh tế của Nga đã thay đổi hoàn toàn. Nền kinh tế đã tăng gần gấp đôi về quy mô. Số lượng người dân sống dưới mức nghèo đã giảm đi một nửa.
Được biết, vào thời điểm Tổng thống Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ đầu tiên, Nga chỉ có 12 tỷ USD dự trữ ngoại hối với nợ công ở mức cao, tương đương 92,1% GDP. Tuy nhiên, mọi con số đã thay đổi đáng kể trong những năm qua khi nợ công của Nga hiện giảm xuống chỉ còn 17,4% theo GDP và dự trữ ngoại hối tăng lên 356 tỷ USD.
Dự trữ vàng của Nga đã tăng hơn 500% kể từ năm 2000. Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) đã bổ sung 9,3 tấn vàng vào kho dự trữ hồi tháng 12/2017, nâng tổng sổ vàng dự trữ lên gần 1400 tấn.
Tổng thống Vladimir Putin – hình ảnh trỗi dậy của nước Nga
Không chỉ giúp nền kinh tế phát triển, xã hội ổn định, Tổng thống Putin còn đưa Nga trở thành “người chơi địa chính trị chủ chốt”. Nhiều chuyên gia nói rằng, Tổng thống Putin chính là nhân vật đưa Nga trở lại vị trí chủ chốt trên các bàn đàm phán quốc tế - một cực mạnh trong thế giới đa cực.
Tổng thống Putin đã khiến cả thế giới sững sờ khi là cường quốc đầu tiên chỉ trích chính sách ngoại giao của Mỹ và sáng kiến về một thế giới đơn cực do Mỹ làm bá chủ tại Hội nghị an ninh Munich 2007. Ông tuyên bố mô hình này cực kỳ nguy hiểm và không có gì gọi là đồng nhất với nền dân chủ mà Mỹ khẳng định.
Kể từ đó, ông Putin luôn để lại ấn tượng về một chính khách rất mạnh mẽ trong các vấn đề quốc tế và nhạy bén trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương.
Tới năm 2014, ông Putin đã khiến các nước phương Tây "không kịp trở tay" khi chấp thuận cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, qua đó sáp nhập bán đảo này về Nga. Việc này tuy khiến nền kinh tế của Nga phải gánh chịu những đòn trừng phạt từ Mỹ và châu Âu, song bản lĩnh của ông Putin đã được bộc lộ rõ qua cách ông chèo lái, xoay xở để đưa Nga vượt qua những khó khăn mà các lệnh trừng phạt của phương Tây gây ra.
Đến tháng 9/2015, Nga bất ngờ triển khai quân đến Syria theo lời đề nghị của Tổng thống nước này Bashar al-Assad, đánh dấu lần đầu tiên Nga tham gia một chiến dịch quân sự quy mô lớn ở bên ngoài nước Nga. Chỉ sau hơn 2 năm, Tổng thống Putin tuyên bố với sự trợ giúp của quân đội Nga, lực lượng vũ trang Syria đã giải phóng gần như toàn bộ lãnh thổ Syria khỏi tay bọn khủng bố.
Nhiều chuyên gia quốc tế nhận định, chiến thắng ở Syria chính là món quà mà Tổng thống Putin dành cho nước Nga trên cả ba lĩnh vực kinh tế, chính trị và quân sự. Đặc biệt, nó chính là lời khẳng định cụ thể nhất về vai trò của Nga trên trường quốc tế.
Có thể thấy, nhắc đến hình ảnh của một nước Nga phát triển ngày hôm nay, không ai có thể phủ nhận về những đóng góp của Tổng thống Vladimir Putin, một chính khách lão luyện, người đã được phần lớn nhân dân Nga trao gửi niềm tin về khả năng duy trì được trật tự xã hội, mang lại đời sống thịnh vượng cho người dân và không ngừng nâng tầm vị thế nước Nga trên trường quốc tế.
Thậm chí, người ta cho rằng, Tổng thống Putin chính là hiện thân cho sự trỗi dậy của nước Nga ngay từ khi đặt bước chân đầu tiên lên vũ đài chính trị Nga và quốc tế.
Hiện nước Nga đang hướng tới mục tiêu trở thành một nền kinh tế thông minh và cởi mở, dựa vào tiềm năng tri thức của dân tộc cũng như các thành tựu khoa học, công nghệ. Chính phủ cũng sẽ chú trọng tạo ra môi trường bền vững để phát triển kinh doanh và bảo đảm việc làm.
Những thành công về điều hành kinh tế, từng bước đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc thời hậu Xô Viết, đã giúp ông Putin ghi điểm trong mắt cử tri.
Vì vậy, chiến lược đột phá của ông Putin trong nhiệm kỳ mới được dự đoán sẽ tập trung vào khối kinh tế, dựa trên tình hình kinh tế hiện nay và những chiến lược kinh tế mà ông đã đề cập đến trong Thông điệp Liên bang hôm 1/3/2018.
Theo đó, nhiệm vụ kinh tế của Tổng thống Putin trong giai đoạn 2018 - 2024 đó là giảm phụ thuộc vào nền công nghiệp xuất khẩu nhiên liệu và khí đốt, tăng tính cạnh tranh và tập trung phát triển công nghệ.
Theo quan điểm của giám đốc Trung tâm chiến lược truyền thông Dmitry Abzalov, nhiều khả năng Tổng thống sẽ bổ nhiệm các nhà quản lý kinh tế trẻ, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế điện tử, với nỗ lực đưa nước Nga bắt kịp xu thế kinh tế thế giới. Bên cạnh mục đích thực hiện hoá chiến lược kinh tế, còn nhằm đào tạo một thế hệ kế nhiệm cho chính mình.