Trong 3 quý năm 2023, tổng lượng giao dịch bất động sản chưa bằng 10% so với thời điểm trước dịch COVID-19, chỉ đạt khoảng 10.000 sản phẩm từ các dự án ở thị trường sơ cấp.
Trong 10 năm trở lại đây kể từ sau giai đoạn khủng hoảng, thị trường bất động sản đã có sự tăng trưởng rất nóng. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện tại, thị trường đã bắt đầu bộc lộ những khiếm khuyết.
Từ thời điểm giữa năm 2022, nguồn cung sụt giảm mạnh, thanh khoản ảm đạm, thị trường ngày càng suy yếu. Đầu quý I/2023, thị trường bắt đầu ghi nhận những tín hiệu tích cực hơn nhờ vào những động thái quyết liệt của Chính phủ thông qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc, phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), kể từ đầu năm 2023 đến nay, tổng lượng giao dịch 3 quý đạt chỉ khoảng 10.000 sản phẩm từ các dự án ở thị trường sơ cấp, chưa được 1/10 lượng giao dịch cùng thời điểm 2018, 2019, trước đại dịch COVID-19.
Cụ thể, trong quý I/2023, giao dịch rất thấp khoảng 3.000 sản phẩm, sang quý II/2023 lên 4.000 sản phẩm. 2 tháng đầu của quý III/2023 đã có khoảng 200 - 300 dự án quay trở lại chào bán với gần 5.000 sản phẩm được giao dịch thành công. Mặc dù số tăng so với thời điểm bình thường còn rất nhỏ, nhưng điều này cho thấy đã bắt đầu có dấu hiệu về khả năng mua bán trên thị trường.
Để vực dậy thị trường bất động sản, Chính phủ đã có những chỉ đạo sát sao nhất, nhằm hỗ trợ tốt nhất cho thị trường. Đặc biệt, Nghị quyết số 33/NQ-CP được ban hành với mục tiêu thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, từng bước gỡ khó cả về câu chuyện pháp lý các dự án, trái phiếu, và đặc biệt dòng vốn khi chính sách kinh tế vĩ mô “đổ nền” đủ tốt, nhờ đó giúp Ngân hàng Nhà nước có cơ hội điều chỉnh hạ lãi suất điều hành.
Thị trường bất động sản Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển trong trung và dài hạn. Khác với quá trình phát triển như mạnh mẽ ở giai đoạn trước, thị trường sẽ phát triển theo hướng ổn định, bền vững hơn.