Tổng giám đốc WHO lên tiếng bảo vệ cách phản ứng của tổ chức này với dịch Covid-19, phản bác trực tiếp những chỉ trích trước đó của Tổng thống Trump.
Mới dây, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bảo vệ cách tổ chức này xử lý đại dịch Covid-19 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc cơ quan này “thiên vị” Trung Quốc và đe dọa cắt giảm tài trợ.
Theo đó, tại cuộc họp báo hàng ngày ở Nhà Trắng hôm 8/4, ông Trump đã đặt câu hỏi vì sao WHO lại “đưa ra lời khuyên sai lầm”, ám chỉ việc WHO ban đầu khuyến cáo không nên hạn chế đi lại quốc tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus vốn bùng phát đầu tiên ở Trung Quốc.
Ông Trump cho rằng, số ca tử vong vì Covid-19 trên thế giới sẽ ít hơn nếu WHO có phân tích chính xác. Ông Trump tiếp tục công kích WHO, cho rằng Mỹ không nhận được giá trị tương xứng với số tiền đã đóng góp, thậm chí dọa điều tra tổ chức này.
Được biết, Mỹ là bên đóng góp tài chính lớn nhất cho WHO với 452 triệu USD vào năm ngoái, trong khi Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, không nằm trong số các nhà tài trợ hàng đầu với 42 triệu USD.
Tổng thống Trump và Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus
Phản ứng trước chỉ trích này, Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, tổ chức không thiên vị Trung Quốc và đã thông báo cho thế giới các dữ liệu, thông tin và bằng chứng mới nhất về Covid-19, đồng thời kêu gọi Mỹ "không nên chính trị hóa virus".
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus hối thúc Mỹ nên tham gia cùng với Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại Covid-19 thay vì tiếp tục đổ lỗi cho nhau. Giờ đây, sự đoàn kết giữa các quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đánh bại virus nguy hiểm này.
Tổng giám đốc WHO Tedros cũng nhấn mạnh, dịch bệnh này không phải công cụ để sử dụng cho mục đích chính trị. Điều đó giống như đùa với lửa và sẽ có ngày càng nhiều ca bệnh hơn trừ khi chúng ta đoàn kết quốc gia, quan tâm đến người dân của mình, quan tâm đến công dân của mình. Hãy hợp tác với nhau đánh bại virus này.
Ông Ghebreyesus cũng cho biết, bản thân ông nhận không ít đe dọa và xúc phạm liên quan đến các hoạt động của WHO trong đại dịch Covid-19. Nhưng ông không quan tâm đến thậm chí không trả lời.
David Nabarro, đặc phái viên WHO về Covid-19 cũng thừa nhận, một số "tổ chức, chính phủ và cá nhân không tránh khỏi viễn cảnh phải chịu trách nhiệm về đợt bùng phát đại dịch này. Tuy nhiên, ông David Nabarro cho rằng điều này nên diễn ra sau khi cuộc khủng hoảng kết thúc.