Đời sống

Tổng cục Hải quan ‘siết’ kiểm soát, chặn hành vi lợi dụng tờ khai luồng xanh để gian lận xuất khẩu

Nguyễn Cúc 26/10/2023 - 06:30

Do thời gian thông quan cho tờ khai luồng xanh rất nhanh, nên thực tế hiện nay, một số doanh nghiệp đã lợi dụng chính sách tạo thuận lợi cho thông quan hàng hóa để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại. Trước thực trạng trên, Tổng cục Hải quan đã đề ra nhiều giải pháp kiểm soát những hành vi sai phạm này.

Áp lực lớn từ gian lận phân luồng tờ khai thông quan

Thông tin từ Tổng cục Hải quan, trung bình một năm, lượng tờ khai luồng xanh khoảng 7 đến 8 triệu tờ, chiếm trên dưới 66%. Trong 9 tháng đầu năm 2023, số lượng tờ khai luồng xanh đạt trên 6,8 triệu tờ khai, chiếm tỉ lệ 66,6%, tỉ lệ tờ khai luồng xanh đã tăng thêm 0,78% so với cùng kỳ năm trước, trong khi số lượng tờ khai luồng vàng đạt 3,03 triệu tờ khai, chiếm tỉ lệ 29,6%, tỉ lệ tờ khai luồng vàng giảm 0,07%; số lượng tờ khai luồng đỏ đạt 351,6 nghìn tờ khai, chiếm tỉ lệ 3,43% và giảm 0,09% so với cùng kỳ năm trước.

kiem-soat.jpeg
Việc kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu gặp không ít khó khăn

Năm 2022, số tờ khai luồng xanh là 9,48 triệu tờ khai, chiếm tỉ lệ 65,14% giảm 1% so với cùng kỳ 2021; luồng vàng là 4,45 triệu tờ khai, chiếm tỉ lệ 30,58%, tăng nhẹ 0,79% so với cùng kỳ năm 2021 và luồng đỏ là 623,6 nghìn tờ khai, chiếm tỉ lệ 4,28%, tăng 0,21% so với cùng kỳ 2021.

Theo cơ quan Hải quan, việc phân luồng quyết định kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu (xanh, vàng, đỏ) được thực hiện theo quy định tại khoản 2, Điều 16 Luật Hải quan 2014: Kiểm tra giám sát hải quan được thực hiện trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, nhằm bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; khoản 1 Điều 17: Cơ quan hải quan áp dụng quản lý rủi ro để quyết định việc kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa, phương tiện vận tải, hỗ trợ hoạt động phòng chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Điều 13, khoản 4 Điều 26 Nghị định 08/2015/NĐ-CP cùng các văn bản quy định, hướng dẫn khác.

Do yêu cầu đảm bảo chính sách tạo thuận lợi thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu nên cơ quan hải quan phải giảm tỉ lệ kiểm tra, cũng như các biện pháp can thiệp trực tiếp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Theo đó, thời gian thông quan cho tờ khai luồng xanh được các cơ quan Hải quan thực hiện rất nhanh thông qua Hệ thống thông quan tự động, doanh nghiệp không phải đến cơ quan hải quan và có thể trực tiếp lấy hàng tại cảng. Chính vì vậy, có một số doanh nghiệp lợi dụng chính sách tạo thuận lợi trong thông quan hàng hóa để thực hiện các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

may-soi-chieu.jpg
Máy soi chiếu container – công cụ đắc lực kiểm soát hàng hóa thông quan

Chủ doanh nghiệp đã dùng những thủ đoạn rất tinh vi như: Lợi dụng hệ thống phân luồng tự động, khi biết trước kết quả phân luồng xanh, doanh nghiệp xếp thêm, dỡ bớt hàng nhằm gian lận, hợp thức hóa gian lận hoặc trà trộn hàng lậu vào. Hay lợi dụng việc được miễn kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế để làm giả hồ sơ, chứng từ; khai báo sai về tên hàng, chủng loại, xuất xứ, loại hình; không khai hoặc khai thiếu mã văn bản pháp quy đối với hàng hóa phải quản lý chuyên ngành. Có doanh nghiệp khai báo vào nhóm mặt hàng đơn giản, nằm ngoài danh mục quản lý chuyên ngành của các Bộ, ngành…

Số lượng tờ khai được Hệ thống thông quan điện tử phân luồng xanh chiếm tỷ trọng lớn (trên 66%) trong khi đó nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị để kiểm soát của cơ quan hải quan còn hạn chế, các đối tượng buôn lậu lại thường xuyên thay đổi phương thức thủ đoạn tinh vi. Vì vậy, việc kiểm soát hoạt động lợi dụng tờ khai luồng xanh gặp nhiều khó khăn.

Ngăn chặn kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại

Để kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong việc lợi dụng tờ khai luồng xanh để buôn lậu, gian lận thương mại, Tổng cục Hải quan đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ thống nhất các biện pháp nghiệp vụ có tính phân lớp quản lý để kiểm soát, ngăn ngừa, phát hiện kiệp thời các gian lận của doanh nghiệp trong việc phân luồng như: Tăng cường thu thập thông tin nghiệp vụ, xây dựng hồ sơ rủi ro, hồ sơ tuyến trọng điểm về hàng hóa nhập khẩu trước khi hàng đến cảng và các dấu hiệu, tiêu chí đánh giá lô hàng rủi ro, tập trung phân tích thông tin E-manifest, lựa chọn soi chiếu trước thông quan để kịp thời, chủ động phát hiện các lô hàng vi phạm ngay khi cập cảng.

khai.jpg
Các biện pháp siết chặt quản lý hàng hóa thông quan được thực thi

Tổng cục Hải quan cũng kiểm tra không xâm nhập bằng soi chiếu trước khi thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu nhập; soi chiếu đối với hàng xuất khẩu sau khi đã thông quan tại cửa khẩu xuất; kiểm tra sau thông quan; thanh tra chuyên ngành và các biện pháp nghiệp vụ phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới..; đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro của doanh nghiệp xuất nhập khẩu để áp dụng các biện pháp quản lý hải quan phù hợp.

Đồng thời, thường xuyên rà soát, phân tích thông tin dữ liệu về tờ khai luồng xanh; đối chiếu, đánh giá với thông tin doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin quản lý rủi ro (CRMS) và các hệ thống dữ liệu trong toàn Ngành để sàng lọc, xác định trọng điểm các tờ khai rủi ro, doanh nghiệp trọng điểm theo các tiêu chí đánh giá.

Tăng cường xác lập, theo dõi, phân tích, đánh giá danh sách các lô hàng, doanh nghiệp trọng điểm theo từng chỉ số tiêu chí, áp dụng biện pháp kiểm tra soi chiếu trước đối với các lô hàng nhập khẩu (chưa mở tờ khai) có dấu hiệu rủi ro theo tiêu chí.

Cơ quan Hải quan cũng phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành đẩy mạnh thực hiện các biện pháp kiểm soát theo chuyên đề đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm theo tuyến đường, ngành hàng, lĩnh vực, loại hình.

Theo Cục Quản lý rủi ro, với các giải pháp triển khai quyết liệt như trên, trong 09 tháng đầu năm 2023 đã phát hiện 229 lô hàng tờ khai (trong đó 217 tờ khai nhập khẩu và 12 tờ khai xuất khẩu) luồng xanh, vàng vi phạm với các hành vi như khai sai chủng loại, số lượng và nhập hàng không khai báo, nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, nhập khẩu hàng hóa không có giấy phép nhập khẩu, xuất nhập khẩu hàng cấm, hàng Cites,… Tổng số tiền xử phạt lên tới 21,4 tỉ đồng, số tiền truy thu thuế 80,73 tỉ VNĐ (chỉ bao gồm số tiền xử phạt vi phạm trên 10 triệu đồng và xử phạt qua công tác kiểm tra sau thông quan trên 20 triệu đồng).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng cục Hải quan ‘siết’ kiểm soát, chặn hành vi lợi dụng tờ khai luồng xanh để gian lận xuất khẩu