Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã khẩn trương, quyết liệt triển khai các chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong phòng chống dịch Covid-19; triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và đạt được nhiều kết quả công tác nổi bật trong 4 tháng đầu năm 2022.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC)
Xác định CCHC là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, ngay từ đầu năm 2022, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về CCHC, đồng thời nghiêm túc triển khai các kế hoạch, chỉ thị tới các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục.
Tổng cục Hải quan đã hoàn thành việc cung cấp tài liệu kiểm chứng phục vụ chấm điểm chỉ số PAR INDEXnăm 2021 của Bộ Tài chính; hiện đang triển khai đánh giá, xác định chỉ số CCHC năm 2021 của Tổng cục Hải quan theo yêu cầu của Văn phòng Bộ; tổ chức đánh giá và chấm điểm chỉ số CCHC năm 2021của các đơn vị thuộc và trực thuộc Tổng cục Hải quan.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết đối với 05 thủ tục hành chính (TTHC); rà soát văn bản triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg, theo đó đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại 05 văn bản QPPL nhằm phục vụ triển khai định danh và xác thực điện tử, tích hợp thông tin các giấy tờ cá nhân của công dân trên thẻ căn cước công dân và ứng dụng VNEID; tiếp tục rà soát và cập nhật quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại Hệ thống thông tin của Văn phòng Chính phủ.
Tình hình, kết quả giải quyết TTHC trong quý I/2022: Tổng số hồ sơ yêu cầu giải quyết TTHC toàn ngành trong kỳ 3,867,726 hồ sơ, trong đó 3,862,612 hồ sơ đã giải quyết đúng hạn và trước hạn (đạt tỷ lệ 99.87%); 5,114 hồ sơ đang giải quyết (chiếm tỷ lệ 0.13%).
Công tác hiện đại hóa hải quan
Công tác Cải cách chiến lược hiện đại hóa: Trình Bộ Tài chính trình Chính phủ Tờ trình số 23/TTr-BTC ngày 11/02/2022 về Chiến lược phát triển Hải quan giai đoạn 2021-2030 (hiện đang rà soát, hoàn thiện Chiến lược trên cơ sở công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái); Tiếp tục xây dựng Kế hoạch cải cách hiện đại hóa giai đoạn 2021-2025; Xây dựng Kế hoạch cải cách hiện đại hóa trọng tâm ngành Hải quan năm 2022.
Công tác Cải cách nguồn nhân lực: Triển khai đánh giá năng lực lãnh đạo cấp phòng, chi cục và tương đương trở xuống. Cập nhật bộ đề đánh giá năng lực vào phần mềm sinh câu hỏi tự động AQGS và xây dựng cấu trúc đề đánh giá năng lực chuyên môn nghiệp vụ lãnh đạo cấp phòng, chi cục và tương đương.
Công tác phát triển quan hệ đối tác Hải quan, doanh nghiệp: Phối hợp với Hiệp hội và các đơn vị thuộc Tổng cục (Cục GSQL, Cục Thuế XNK, Cục CNTT&TKHQ), Cục HQ tỉnh, thành phố (Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội và Lạng Sơn) tổ chức buổi đối thoại trực tuyến ngày 08/04/2022 nhằm hỗ trợ và giải đáp 27 vướng mắc kiến nghị với các DN thành viên thuộc Hiệp hội Eurocham.
Triển khai ứng dụng CNTT trong quản lý nước về hải quan
Tổng cục Hải quan tập trung nguồn lực triển khai tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan hướng tới Hải quan số và đáp ứng các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống thông qua hình thức thuê dịch vụ công nghệ thông tin thực hiện Hải quan số theo Quyết định số 97/QĐ-BTC ngày 26/01/2021 của Bộ Tài chính.
Theo đó, khi hệ thống công nghệ thông tin mới của ngành Hải quan được đưa vào vận hành, thủ tục hải quan sẽ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số (phi giấy tờ), mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện; quản lý tự động các hoạt động nghiệp vụ hải quan trên môi trường số trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục hải quan cả trước, trong, sau thông quan, đảm bảo quản lý xuyên suốt từ khâu đầu đến khâu cuối đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước về hải quan là yêu cầu khách quan, là chìa khoá và là cơ sở vô cùng quan trọng để xây dựng Hải quan số và Hải quan thông minh, theo chủ trương chung của của Đảng, Chính phủ, Bộ Tài chính về đẩy mạnh số hóa, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0. Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Hải quan giai đoạn 2021-2025.
Tính đến nay, Tổng cục Hải quan đã cung cấp 215/237 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (~ 91% tổng số thủ tục hành chính do cơ quan hải quan thực hiện), trong đó có 209 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 88%), đặc biệt trong bối cảnh phòng chống dịch Covid19 đang diễn ra căng thẳng. Tính từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 15/4/2022, số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 4 được tiếp nhận, giải quyết gần 4,3 triệu hồ sơ.
Nhằm giảm tình trạng ùn tắc, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất nhập khẩu được giao thương thuận lợi qua các cửa khẩu đường bộ, từ ngày 27/1/2022, chức năng cảnh báo chống ùn tắc đã được Tổng cục Hải quan chính thức triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Đồng thời, Tổng cục Hải quan dự kiến sẽ triển khai mở rộng giải pháp ứng dụng dữ liệu định vị GPS để cảnh báo ùn tắc phương tiện vận tải và giám sát hàng hóa XNK tại cửa khẩu, ICD, cảng biển, cảng hàng không quốc tế trong thời gian tới.
Nhằm hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình khai hải quan, từ ngày 01/01/2022, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Công ty EPAY triển khai phần mềm khai hải quan miễn phí cho doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức đào tạo trực tuyến, hướng dẫn sử dụng phần mềm khai hải quan miễn phí từ ngày 21/3-24/3/2022 cho các đơn vị Hải quan và doanh nghiệp.
Trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn triển khai hệ thống trao đổi thông tin với Nền tảng cửa khẩu số tỉnh Lạng Sơn (thời gian hoàn thành nâng cấp từ ngày 10/4/2022).
Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai mở rộng hệ thống seal định vị điện tử GPS phục vụ giám sát hàng hóa vận xuất nhập khẩu vận chuyển bằng container, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Tiếp tục đảm bảo duy trì hoạt động liên tục, thông suốt, ổn định cho các hệ thống CNTT, hạ tầng kỹ thuật. Các hệ thống CNTT quan trọng, cốt lõi phục vụ đắc lực cho quá trình thông quan hàng hóa XNK như VNACCS/VCIS, ECustoms, KTT, …. thường xuyên được theo dõi, giám sát, vận hành hoạt động đầy đủ, liên tục và ổn định, không làm gián đoạn hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Duy trì công tác hỗ trợ người sử dụng doanh nghiệp, cán bộ hải quan, người dân… trong việc thực hiện thủ tục XNK, thông quan hàng hóa… đặc biệt trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước tính từ đầu năm đến hết ngày 15/4/2022 đạt 208,82 tỷ USD, tăng 15,4%, tương ứng tăng 27,86 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu đạt 104,34 tỷ USD, tăng 14,4% (tương ứng tăng 13,15 tỷ USD) và nhập khẩu đạt 104,48 tỷ USD, tăng 16,4% (tương ứng tăng 14,7 tỷ USD). Như vậy, lũy kế đến hết 15/4/2022, cả nước nhập siêu 144 triệu USD.
Tính từ đầu năm đến hết 15/4/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 145,04 tỷ USD, tăng 14,2% (tương ứng tăng tới 18,03 tỷ USD). Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp này đạt 76,29 tỷ USD, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2021 và trị giá nhập khẩu 68,75 tỷ USD, tăng 17,1%.
Công tác kiểm tra, giám sát hải quan
Về xác định nhu cầu đầu tư trang thiết bị kiểm tra, giám sát hải quan: Đã xác định nhu cầu trang bị bổ sung máy soi hành lý, hàng hóa trong thời gian tới trình LĐTC; Triển khai xây dựng kế hoạch tổng thể trang bị máy soi hành lý, kiện hàng hóa nhỏ cho tất cả đơn vị Hải quan tại cửa khẩu biên giới, hàng không, đường bộ, chuyển phát nhanh, cửa khẩu phụ,…
Về tăng cường quản lý, giám sát hải quan: (i) Rà soát, tham mưu về việc chỉ đạo các đơn vị mở rộng giải pháp ứng dụng dữ liệu định vị GPS để cảnh báo ùn tắc phương tiện vận tải và giám sát hàng hóa XNK tại cửa khẩu, ICD, cảng biển, cảng hàng không quốc tế, đáp ứng công tác quản lý kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật. (ii) Tham mưu trong việc đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống tiếp nhận, xử lý, xác nhận Bản kê thông tin hàng hóa nhập khẩu đối với đường bộ. (iii) Tham mưu LĐTC có văn bản chỉ đạo các Cục hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường và hướng dẫn về quản lý, giám sát hải quan thông qua cải cách, hiện đại hóa hải quan.
Tính từ đầu năm đến ngày 15/4/2022, toàn ngành đã sử dụng 3.303 seal định vị điện tử phục vụ công tác giám sát hàng hóa chịu sự giám sát hải quan. Ngày 25/3/2022, Tổng cục Hải quan công văn số 1023/TCHQ-GSQL chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh, thành phố sử dụng seal định vị điện tử để niêm phong, giám sát hải quan đối với hàng hóa vận chuyển chịu sự giám sát hải quan phục vụ công tác triển khai mở rộng seal định vị tại 35 Cục Hải quan tỉnh, thành phố.
Về tình hình thu NSNN
Năm 2022, Tổng cục Hải quan được Quốc hội và Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN theo Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 là 352.000 tỷ đồng. Kết quả tính đến ngày 20/04/2022, tổng số thu thuế của toàn ngành Hải quan đạt 135.366 tỷ đồng, bằng 38,45% dự toán theo chỉ tiêu pháp lệnh và đạt 36,58% chỉ tiêu phấn đấu Ban cán sự Đảng BTC giao.
Dưới tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, ngành Hải quan đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện rà soát nhiều giải pháp nhằm phấn đấu đạt được cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra.
Công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại
Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, Ngành, cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; chỉ đạo các đơn vị triển khai nghiêm túc, có hiệu quả nhiều biện pháp quan trọng góp phần đảm bảo an toàn, an ninh xã hội và phòng chống tội phạm.
Kết quả công tác đấu tranh trực tiếp: Tính từ 16/12/2021 đến 15/04/2022, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tăng cường triển khai các biện pháp nghiệp vụ, thu thập thông tin, nắm vững địa bàn quản lý, chủ trì và phối hợp bắt giữ 61 vụ việc, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính khoảng 1,044 tỷ đồng; thu NSNN ước tính khoảng 1,2 tỷ đồng. Ban hành 10 Quyết định khởi tố vụ án hình sự và 06 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.