Trung bình mỗi năm có hàng ngàn trẻ bị xâm hại tình dục, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là những nơi đô thị đông dân tình hình xâm hại trẻ em tại hai thành phố này diễn biến phức tạp.
Phiên giám sát về vấn đề này của UBTVQH mới đây cũng đã nghe các Tổ công tác, các bộ, ngành báo cáo về tình trạng này hiện nay.
Tại buổi họp giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” vừa diễn ra mới đây, Đoàn giám sát của UBTVQH đã nghe đại diện các cơ quan liên quan báo cáo về tình hình địa phương với sự tham gia của đầy đủ các cơ quan: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, đại diện lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH, TANDTC, VKSNDTC và Bộ Công an.
Tại phiên họp, các thành viên trong đoàn đã nghe đại diện các cơ quan liên quan đến nội dung giám sát báo cáo một số vấn đề về tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em tại Hà Nội và Hòa Bình; nghe báo cáo về một số vụ việc nổi cộm trong thời gian từ 2015 đến nay trên địa bàn Hà Nội và Hòa Bình; đồng thời, nghe đại diện Bộ Công an, TANDTC, VKSNDTC báo cáo bổ sung các nội dung liên quan.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, từ năm 2015 đến 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc xảy ra 7.829 vụ xâm hại trẻ em với 7.767 trẻ em bị xâm hại. Trong đó, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh là đô thị đông dân nhất nhì cả nước thì tình hình xâm hại trẻ em tại hai thành phố này diễn biến phức tạp.
Về tình hình phòng, chống xâm hại trẻ em của Hà Nội và tỉnh Hòa Bình, từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 123 vụ xâm hại trẻ em với 125 em bị xâm hại. Tại Hà Nội, từ năm 2015 đến hết 6 tháng đầu năm 2019 có 365 vụ xâm hại trẻ em với 313 trẻ em bị xâm hại; từ năm 2015 đến 2018 xâm hại trẻ em có xu hướng tăng.
Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em khảo sát thực tế tại Trường mầm non ABC, thành phố Vinh, Nghệ An
Đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho biết, sau khi Luật Trẻ em và Nghị định số 56/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, đặc biệt là Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì công tác phòng, chống xâm hại trẻ em đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức, kiến thức của người dân và trẻ em về phòng, chống xâm hại trẻ em đang dần được nâng cao. Số vụ việc được phát hiện, lên tiếng, số lượng thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em có xu hướng tăng lên. Xâm hại trẻ em trở thành vấn đề bức xúc, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương có sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời trong chỉ đạo, giải quyết các vụ việc xâm hại trẻ em, từng bước củng cố niềm tin của người dân, đẩy mạnh và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Công tác hỗ trợ, can thiệp, bảo vệ đối với trẻ em là nan nhân của xâm hại từng bước được tuân thủ chặt chẽ. Nhiều địa phương ban hành cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù phù hợp để giải quyết các vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em.
Tuy nhiên nhiều quy định pháp luật, chính sách cụ thể liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung và phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng vẫn đang trong quá trình rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện. Các quy định pháp lý về một quy trình tố tụng thân thiện, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em từ điều tra, giám định pháp y cho đến truy tố, xét xử, phục hồi, hòa nhập đối với trẻ em là nạn nhân bị xâm hại chưa cụ thể, chậm được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng chính quyền địa phương, cơ sở giáo dục không thông tin, báo cáo đến cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em mà bao che, tự tìm cách xử lý vụ việc…
Báo cáo của các cơ quan tố tụng cũng cho thấy, tình hình các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng tăng về tính chất và mức độ nghiêm trọng. Các hành vi hiếp dâm, giao cấu và dâm ô với trẻ em xảy ra còn nhiều và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bình thường của trẻ em, trong đó nhiều vụ án gây bức xúc trong dư luận.luận quần chúng nhân dân.
Qua thực tiễn xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em cho thấy việc phát hiện, thu thập chứng cứ, giám định, chứng minh tội phạm gặp rất nhiều khó khăn do thiếu dấu vết, chứng cứ và đối tượng có hành vi xâm hại thường rất khôn khéo để che đậy hành vi phạm tội của mình, kể cả việc đe dọa, khống chế nạn nhân. Mặt khác, trẻ em chưa đủ nhận thức để có thể nhận biết đâu là các hành vi xâm hại tình dục; nhiều trẻ bị khủng hoảng tâm lý, trầm cảm nặng sau khi bị xâm hại, nên không thể trình báo với cơ quan chức năng hoặc khai báo không thống nhất; nhiều gia đình không tố giác tội phạm do sợ ảnh hưởng đến tương lai con em hoặc khai báo chậm nên rất khó khăn trong khâu thu thập, đánh giá chứng cứ… Cơ quan chức năng lấy lý do người bị hại khai báo không nhất quán, chứng cứ, dấu vết mờ nên chưa quyết liệt trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vì sợ oan sai.
Để xử lý những hành vi này, BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung khá cụ thể, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong đấu tranh phòng chống các tội phạm xâm hại tình dục. Tuy nhiên, vẫn còn có một số quy định mang tính khái quát, định tính dễ dẫn đến hiểu và áp dụng không thống nhất. Hiện, TANDTC đã triển khai nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146 và 147 của BLHS về các tội xâm hại tình dục. Ngoài ra, dự thảo Nghị quyết cũng quy định về một số tình tiết định khung hình phạt như phạm tội có tổ chức, phạm tội đối với người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục hay có tính chất loạn luân…