Trước tình trạng ô nhiễm môi trường do xác heo chết bị vứt bừa bãi xuống kênh, chính quyền tại tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo triển khai lực lượng thu gom, xử lý và khử trùng diện rộng để ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc
Ngày 12/7, lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) tỉnh Gia Lai xác nhận: các đội công tác đã được thành lập tại nhiều xã, phối hợp với lực lượng chuyên môn, thanh niên, dân quân tự vệ để xử lý tình trạng xác heo chết trôi nổi tại tuyến kênh Văn Phong.
“Chúng tôi yêu cầu các địa phương khẩn trương thu gom, tiêu hủy đúng quy định, đồng thời tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân trong việc xử lý động vật chết. Ngoài ra, các mẫu bệnh phẩm đang được lấy để tầm soát nguy cơ lây lan dịch”, lãnh đạo Sở NN&MT tỉnh Gia Lai cho biết.
Mặc dù số lượng heo chết ghi nhận thời điểm hiện tại ở mức độ chưa phải dịch tả lợn châu Phi, ngành nông nghiệp vẫn chủ động xuất cấp hóa chất đến các địa phương, thực hiện khử trùng trên diện rộng nhằm kiểm soát nguồn lây.
Tại xã Bình Hiệp, Chủ tịch UBND xã Lê Hà An cho biết, lực lượng chức năng địa phương đã ra quân từ sáng sớm, tập trung tại các điểm cửa xả, đoạn chắn rác– nơi xác heo bị tắc nghẽn, bốc mùi hôi thối nồng nặc.
“Chúng tôi huy động lực lượng từ công an xã, quân sự, thanh niên cùng các đơn vị quản lý thủy lợi để xử lý ô nhiễm trên toàn tuyến kênh Văn Phong. Cùng với đó, xã tổ chức tuyên truyền đến từng hộ dân, trang trại chăn nuôi về quy định xử lý động vật chết, phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra tình hình dịch tễ”, ông An nói.
Cử tri lo ngại nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm lan rộng
Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai bà Lý Tiết Hạnh cho biết, trong các buổi tiếp xúc cử tri tại xã An Lão và phường Bồng Sơn, nhiều người dân phản ánh tình trạng xác heo chết bị vứt bừa bãi xuống sông, kênh rạch.
“Cử tri rất lo ngại việc ô nhiễm môi trường và nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Chúng tôi đã chuyển thông tin đến chính quyền và yêu cầu Sở NN&MT kiểm tra, xử lý nghiêm. Đây không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn là sinh kế, là nguồn sống của nhiều hộ chăn nuôi”, bà Hạnh chia sẻ.
Bà Hạnh cũng nhấn mạnh, cần tăng cường truyền thông, phổ biến quy định pháp luật, đồng thời có biện pháp hỗ trợ người dân khi xảy ra hiện tượng gia súc chết, tránh để người dân tự xử lý sai cách vì thiếu thông tin và điều kiện tiêu hủy an toàn.
Tại phường Bồng Sơn, ông Trương Nam Phong - Chủ tịch UBND phường cho hay từ đầu tháng 7 đến nay, địa phương đã huy động lực lượng thu gom hàng chục xác heo chết trôi từ thượng nguồn sông Lại Giang. Hiện tại, cơ bản tình trạng đã được xử lý, tuy nhiên nguy cơ vẫn còn nếu người dân tiếp tục thiếu ý thức trong chăn nuôi và xử lý dịch bệnh.
Sự việc lần này là hồi chuông cảnh báo về lỗ hổng trong quản lý chất thải chăn nuôi tại khu vực nông thôn. Khi hệ thống giám sát dịch bệnh chưa chặt, ý thức người dân còn hạn chế, các hiện tượng vứt xác động vật ra môi trường rất dễ xảy ra.
Chính quyền tỉnh Gia Lai đang khẩn trương kiểm tra, rà soát, lập phương án hỗ trợ tiêu hủy tập trung và kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để tình trạng này, cần có giải pháp lâu dài về hạ tầng xử lý chất thải chăn nuôi, cơ chế hỗ trợ phòng chống dịch và tuyên truyền bền vững trong cộng đồng.