Báo cáo của SSI Research cho biết, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong quý I/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lạị đáng kể so với mức tăng trong quý IV/2023 do nền so sánh cao dần.
SSI Research vừa cập nhật Kết quả kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp niêm yết. Các nhà phân tích cũng cho rằng kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.
Cụ thể, tổng lợi nhuận sau thuế toàn sàn (1.059 doanh nghiệp tính đến ngày 6/5) tăng 6,6% so với cùng kỳ và tăng 3,4% so với quý gần nhất, ghi nhận mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 7 quý (chỉ thấp hơn hai quý đầu năm 2022).
Tốc độ tăng trưởng của quý I/2024 đã chậm lại đáng kể so với mức tăng 35,3% trong quý IV/2023 do nền so sánh cao dần. Sau giai đoạn biến động mạnh kể từ dịch Covid-19, lợi nhuận đang đi vào giai đoạn phục hồi và tăng trưởng ổn định hơn.
Chu kỳ lợi nhuận của các nhóm ngành có sự phân hóa rõ nét: Nhóm cổ phiếu bắt đầu phục hồi từ đáy: Bán lẻ (+367%) và Du lịch & giải trí (+1.031%). Nhóm cổ phiếu duy trì quán tính phục hồi tích cực: Dịch vụ tài chính (+103%), Tài nguyên (+208%), Viễn thông (+95%), Xây dựng (+125%).
Nhóm cổ phiếu chưa quay lại quỹ đạo tăng trưởng: Bất động sản (-61,6%) và Điện, nước, xăng dầu & khí đốt (-49,6%) Nhóm cổ phiếu tăng trưởng ổn định: Ngân hàng (+9,6%), Công nghệ thông tin (+22,1%).
SSI cho biết, ngành ngân hàng duy trì tăng trưởng nhưng tốc độ tăng chậm hơn. Lợi nhuận sau thuế quý I/2024 của các ngân hàng niêm yết tăng nhẹ 9,6% so với cùng kỳ, chiếm 49,2% tổng lợi nhuận toàn sàn.
NIM tiếp tục gặp áp lực (giảm 8 điểm cơ bản (bps) so với quý trước) do tín dụng tăng trưởng yếu (tăng 2% so với đầu năm, hoặc 15% so với cùng kỳ), trong khi đó, chất lượng tài sản tiếp tục suy giảm sau khi cải thiện trong quý IV/2023 do yếu tố mùa vụ.
Cụ thể, tỷ lệ nợ nhóm 2 và nợ xấu trên tổng dư nợ lần lượt là 2,23% (tăng 24bps so với quý trước) và 1,94% (tăng 23bps so với quý trước, gần với mức đỉnh tại quý III/2023 là 1,98%).
Thu nhập từ kinh doanh ngoại hối phần nào san sẻ bớt sự sụt giảm mạnh từ hoạt động phân phối bảo hiểm và thu hồi nợ xấu. Ngoài ra, việc kiểm soát tốt chi phí hoạt động trong quý I/2024 với mức CIR (tỷ lệ chi phí/thu nhập) là 30,7% (so với mức 31% trong quý I/2023 và 36% trong quý IV/2023) là một yếu tố khác hỗ trợ cho kết quả kinh doanh của các ngân hàng.
Riêng đối với nhóm BĐS, lợi nhuận sau thuế của ngành này giảm mạnh (-61,6% svck) ghi nhận mức lợi nhuận theo quý thấp nhất trong 5 năm mà nguyên nhân chủ yếu do VinHomes (VHM) giảm ghi nhận doanh thu (doanh thu -72% svck, LNST -92,4% svck)
Nếu không tính VHM, tổng LNST của ngành tăng 9,5% svck, tuy nhiên doanh thu vẫn giảm -21,6% svck. Trong khi đó, VIC (+126% svck), IDC (+355%), DXG (+166%), TCH (+117%), CRV (+134%), AGG (x17) đóng góp tích cực vào mức tăng của ngành.
Các nhóm ngành xác nhận tạo đáy và quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như Ngành Bán lẻ tăng mạnh +367% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng ấn tượng của hai doanh nghiệp đầu ngành. Thế giới di động (MWG) tăng mạnh+41x lần so với cùng kỳ và lấy lại mức lợi nhuận cao nhất trong 6 quý, FPT Retail (FRT, +28x) có lãi trở lại sau 3 quý lỗ liên tiếp.
Biên lợi nhuận gộp của ngành cải thiện đáng kể từ 15,4% lên 17,5%. Chi phí lãi vay cũng giảm từmức 6,6% dư nợ xuống 3,9% dư nợ.
Một ngành quay lại quỹ đạo tăng trưởng là Ngành Du lịch & giải trí phục hồi mạnh và có lãi trở lại sau chuỗi thời gian dài ghi nhận lỗ.